Giãn cách nhưng không gián đoạn

Bà Vũ Thị Kim Hoa (trong ảnh) - Phó Cục trưởng Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) trả lời Nhân Dân cuối tuần về những điểm mới trong công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, khiến cho biện pháp giãn cách xã hội được triển khai ở nhiều địa phương.

Giãn cách nhưng không gián đoạn

- Thưa bà, Cục đã có kế hoạch hành động như thế nào để bảo đảm quyền và sự an toàn cho trẻ em trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là tại các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, các khu cách ly tập trung?

- Trước hết, chúng tôi đã tham mưu với lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về chỉ đạo các ban, ngành địa phương, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương có biện pháp bảo đảm an toàn cho trẻ em trong thời gian dịch bệnh. Đồng thời tham mưu với Bộ, chỉ đạo các Sở LĐ-TB&XH về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm quyền trẻ em, đặc biệt là tại các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, các khu cách ly tập trung.

Phối hợp với các cơ quan, tổ chức quốc tế xây dựng, tuyên truyền, quảng bá 11 sản phẩm truyền thông; in ấn, phát hành 147.200 tờ rơi hướng dẫn cha mẹ, người chăm sóc trẻ, các cán bộ quản lý, nhân viên y tế tại khu cách ly tập trung, về an toàn; hỗ trợ tâm lý cho trẻ em, bảo đảm an toàn phòng, chống xâm hại trẻ em hay các tai nạn thương tích, đuối nước. Chỉ đạo các Sở LĐ-TB&XH sử dụng 11 sản phẩm truyền thông này tại địa phương, các khu cách ly, tăng cường tuyên truyền tới mỗi cá nhân. 

Ban hành hướng dẫn quản lý trường hợp trẻ em trong dịch Covid-19. Tổ chức tập huấn cho cán bộ bảo vệ trẻ em tại địa phương các kỹ năng hỗ trợ bảo vệ trẻ em, phòng, chống tai nạn thương tích, ổn định tâm lý trong dịch bệnh, thiên tai.

Chỉ đạo Tổng đài 111 phối hợp với đội ngũ chuyên gia tư vấn tâm lý sẵn sàng tiếp nhận tham vấn, can thiệp các trường hợp trẻ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tổ chức các buổi hướng dẫn trực tuyến các kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc, hỗ trợ tâm lý trẻ em trong dịch Covid-19, đặc biệt ưu tiên các điểm cách ly tập trung nhiều trẻ em.

- Liệu rằng, chúng ta có cần tới những biện pháp mang tính đặc thù hướng đến đối tượng trẻ em trong khu vực cách ly không, thưa bà?

- Ngày 22-5 vừa qua, Cục Trẻ em đã ban hành Công văn số 217/TE-CSTE, trong đó tập trung chỉ đạo: Khẩn cấp phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng cập nhật số lượng, danh sách và nhu cầu của trẻ em ở các địa bàn giãn cách xã hội và các cơ sở cách ly tập trung. Phổ biến thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, tờ rơi,… đến từng địa bàn giãn cách, cơ sở cách ly tập trung về các nội dung hướng dẫn về bảo vệ, chăm sóc hỗ trợ phụ nữ, trẻ em. 

Tại các khu cách ly tập trung hiện nay, trẻ em mẫu giáo khá nhiều, các em chưa thể tự liên hệ đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111 khi cần hỗ trợ. Lực lượng duy nhất có thể tiếp cận, nắm bắt nhanh nhất các trở ngại, biểu hiện bị xâm hại hay sang chấn tâm lý ở các em chỉ có thể là các cán bộ trong khu cách ly. Do đó, Cục đã đưa đến họ tài liệu hướng dẫn,  khuyến khích họ liên hệ với Tổng đài 111 để được hỗ trợ.

Cục cũng đã nhanh chóng phối hợp với Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam kịp thời vận động nguồn lực để hỗ  trợ nhu yếu phẩm, vật tư y tế để hỗ trợ các khu nhà nội trú cho trẻ em dân tộc, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em trong khu cách ly tại tỉnh Điện Biên. Với tổng giá trị 277.228.400 đồng, bao gồm: 700 hộp sữa non, 8.400 hộp sữa Vinamilk, 200 thùng mì ăn liền, 2.000 khẩu trang, 1.000 chai nước sát khuẩn. Không dừng ở đó, chúng tôi vẫn đang tiếp tục tổng hợp nhu cầu của các em để hỗ trợ đáp ứng.

- Giãn cách xã hội có lẽ cũng gây không ít khó khăn trong công tác bảo vệ trẻ em. Điều khiến bà lo lắng nhất là gì? 

- Điều chúng tôi lo lắng nhất đó là bởi giãn cách nên xâm hại trẻ em, bạo lực, tai nạn thương tích, tổn thương tâm lý,… nhiều vấn đề có thể xảy ra. Trong khi đó, công tác tập huấn, đào tạo cho đội ngũ cán bộ tại cơ sở lại khó khăn hơn. Hay công tác tuyên truyền đến phụ huynh về các vấn đề có thể tác động tiêu cực đến trẻ em cũng cần đẩy mạnh.

Do vậy, chúng tôi phải nhanh chóng có các phương thức tập huấn mềm dẻo, các lớp được tổ chức trực tuyến, hoặc với quy mô nhỏ, tận dụng tối đa các nền tảng mạng xã hội.

Bên cạnh đó, chúng tôi phải thường xuyên tăng cường trao đổi cập nhật thông tin với các địa phương thông qua tin nhắn, thư điện tử. Đồng thời tăng cường tổng hợp thông tin về trẻ em qua báo chí, mạng xã hội hằng ngày, hằng tuần để kịp thời kiểm chứng và hỗ trợ trẻ em nhanh nhất. 

- Xin cảm ơn bà!