Gia cố lá chắn thép

Cuộc chiến chống hàng giả đã, đang hết sức cam go và vô cùng phức tạp, đòi hỏi không chỉ lực lượng chức năng, công vụ phải chính quy, tinh nhuệ, có đạo đức..., mà yếu tố quan trọng chính là hệ thống pháp luật cần được bổ sung, hoàn thiện, đủ nghiêm minh và mang tính răn đe.

Nhiều sản phẩm thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ bị phát hiện, xử lý.Ảnh: VIỆT ANH
Nhiều sản phẩm thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ bị phát hiện, xử lý.Ảnh: VIỆT ANH

Thương mại điện tử, hết thời thả lỏng

Trước tình hình gian lận thương mại ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2020) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Một trong những điểm nổi bật của nghị định là một số quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử (quy định từ Điều 62 đến Điều 66).

Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Minh Thu, Công ty Luật YKVN nhận định, các mức phạt trong Nghị định 98 mặc dù đã tăng so trước đây, song chưa đủ sức răn đe nếu đặt bên cạnh lợi nhuận mà đối tượng vi phạm thu được. Nhìn chung, hệ thống văn bản pháp luật vẫn chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ, mô hình, phương thức kinh doanh mới.

“Với tính chất phức tạp, ảnh hưởng đến thị trường trong nước như vậy, nên chăng cần xem xét bổ sung tăng hình phạt, kể cả hình sự. Mặt khác cần tuyên truyền để người dân ý thức, chủ động tố giác hành vi buôn lậu và từ chối mua, bán hàng lậu, hàng giả trên mạng”, luật sư Nguyễn Minh Thu kiến nghị.

Để hoạt động kinh doanh thương mại điện tử luôn tuân thủ đúng quy định của pháp luật, mang lại lợi ích thiết thực trong hoạt động kinh doanh thương mại, góp phần phục vụ nhu cầu mua bán hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân…, Phó Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) Nguyễn Ngọc Dũng kiến nghị, cần sớm hoàn thiện quy định pháp luật theo hướng tăng mức hình phạt, nâng cao tính răn đe.

Mặt khác, nên khuyến khích thanh toán online khi mua hàng qua sàn thương mại điện tử, cũng như tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu các sàn giao dịch thương mại điện tử, thay vì buông lỏng như thời gian qua!

Dưới góc độ cơ quan quản lý, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, Bộ Công thương xây dựng nghị định trình Chính phủ thay thế Nghị định 52 về thương mại điện tử nhằm thiết lập cách thức quản lý mới. Điểm chính yếu, phải coi và đối xử với môi trường thương mại trên mạng chặt chẽ như là môi trường kinh doanh truyền thống. Các mô hình thương mại điện tử cũng sẽ được đưa vào quản lý và sẽ có quy định trách nhiệm của chủ thể tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử, chứ không chỉ người bán hàng...

Tăng chế tài, tăng tính răn đe

Thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Nội và các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, một số nhóm đối tượng đã lén lút hình thành các đường dây sản xuất, buôn bán thuốc điều trị Covid-19 với những thủ đoạn tinh vi ngày đêm tuồn các mặt hàng y tế giả nhãn mác, nguy hiểm hơn là nhập lậu thuốc điều trị bệnh Covid-19 giả, không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn và chưa qua kiểm định… đưa ra thị trường tiêu thụ để thu lợi bất chính, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Luật sư Nguyễn Tiến Thủy, Văn phòng luật sư Việt Lý (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định tại điểm a, khoản 5, Điều 6 Luật Dược năm 2016, hành vi kinh doanh thuốc giả, nguyên liệu làm thuốc giả là hành vi bị nghiêm cấm. “Nhất là hành vi buôn bán hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ sẽ bị coi là hàng hóa nhập lậu và bị xử phạt hành chính theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP, mức phạt cao nhất 100 triệu đồng; nghiêm trọng hơn có thể bị xử lý hình sự về tội buôn bán hàng giả...”, ông Thủy thông tin.

Trong khi đó, chế tài xử phạt các hành vi trên sẽ tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng mà hành vi sản xuất thuốc điều trị Covid-19 giả, kém chất lượng có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, đối với tội danh này có quy định phần chế tài riêng cho cá nhân và pháp nhân...

Trao đổi về vấn đề này, thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS cho rằng, đối với cá nhân phạm tội tùy theo các tình tiết định tội, định khung như: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; tái phạm nguy hiểm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; tỷ lệ thương tật gây ra cho người khác nếu có; có gây ra chết người hay không,... thì có thể phải đối mặt mức án từ hai đến 20 năm tù giam, chung thân hoặc tử hình. Đối tượng phạm tội có thể bị phạt tiền từ một tỷ đồng cho đến 20 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ vĩnh viễn… “

Nhưng theo quan điểm của tôi, các cơ quan chức năng cần mạnh tay xử lý triệt để, nhất là quy định luật pháp phải có chế tài đủ nghiêm để trừng phạt thích đáng, nhằm răn đe cho xã hội...”, Luật sư Hùng nhấn mạnh.

Với sự nỗ lực của các lực lượng chức năng, đặc biệt trong thời gian tới cần tập trung xây dựng lực lượng quản lý thị trường trong sạch, vững mạnh, chính quy, hiện đại - là “thanh bảo kiếm sắc bén, lá chắn vững chắc” trên mặt trận phòng, chống buôn lậu, hàng giả. Đồng thời các cơ quan chức năng soạn thảo văn bản pháp luật cần sớm ngồi lại nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện cơ chế và chế tài quản lý, nhằm từng bước đẩy lùi hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc nhằm góp phần tạo thuận lợi trong công tác phòng, chống hàng giả được diễn ra theo chiều hướng tích cực hơn.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, lũy kế từ ngày 1/1 - 30/8/2021, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện xử lý 35.696 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách gần 222 tỷ đồng. Riêng tháng 8, theo báo cáo nhanh, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý hơn 3.720 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách hơn 11 tỷ đồng...