Du lịch xanh, an toàn lên ngôi

Hiện là thời điểm rất thích hợp để kích cầu du lịch, tăng cường quảng bá sản phẩm du lịch an toàn, đồng thời đẩy mạnh các sản phẩm du lịch Tết, từ đó thúc đẩy tái tạo lại thị trường, đẩy nhanh quá trình hồi phục ngành du lịch, vượt qua những rào cản dịch bệnh.

Du khách tham quan thủy cung tại Thiên đường Bảo Sơn. Ảnh: Bảo Sơn
Du khách tham quan thủy cung tại Thiên đường Bảo Sơn. Ảnh: Bảo Sơn

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, thời điểm hiện tại, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các địa phương đã có văn bản hướng dẫn du lịch thích ứng an toàn, linh hoạt thời Covid-19. 

Linh hoạt kích cầu

Tại Hà Nội, khách sạn Movenpick (quận Hoàn Kiếm) tung ra gói sản phẩm ẩm thực đón năm mới, với nhiều dịch vụ trải nghiệm được giảm giá tới 25%, cùng các gói ưu đãi giá phòng dịp Tết. Khách sạn JW Marriott (quận Nam Từ Liêm) tung ra gói phòng Family Tet by JW với giá ưu đãi, cùng "dịch vụ hành trình truy tìm kho báu" với những món quà Tết cho bé. Hay Thiên Đường Bảo Sơn (huyện Hoài Đức) áp dụng chương trình tham quan, vui chơi không giới hạn cho du khách...

Bên cạnh việc tung ra các sản phẩm kích cầu hấp dẫn, các đơn vị, doanh nghiệp đều chú trọng đến khâu bảo đảm an toàn cho du khách. Thiên Đường Bảo Sơn chỉ đón khách vào hai ngày thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, hoạt động 50% công suất; thường xuyên khử khuẩn điểm tham quan; du khách phải khai báo y tế, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khi tham quan. Tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Ban Quản lý Di tích đã triển khai tập huấn các phương án phòng, chống dịch bệnh cùng tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người lao động, để bảo đảm an toàn khi đón và phục vụ du khách. Tại di tích này cũng đã trang bị máy đo thân nhiệt, sát khuẩn tự động để ở vị trí cổng ra vào, dung dịch sát khuẩn, dán mã QR yêu cầu khách tham quan khai báo.

Đặc biệt, tại Làng cổ Đường Lâm, Ban Quản lý Di tích còn quan tâm nhiều hơn đến an toàn cho người dân sống trong di tích. Ban Quản lý đã nỗ lực tuyên truyền người dân phòng, chống tốt dịch Covid-19; đồng thời yêu cầu người lao động áp dụng nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch khi triển khai đón khách. Đại diện Ban Quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm cho biết thêm, đơn vị này đang tập trung nâng cao chất lượng điểm đến du lịch văn hóa, di sản làng cổ; xây dựng kế hoạch tổ chức phố đi bộ tại Thành cổ Sơn Tây để quảng bá sản phẩm OCOP cho bà con. Mục tiêu hiện tại là phát triển các sản phẩm đặc sắc nhằm thu hút khách nội địa, đồng thời bảo đảm an toàn tối đa cho du khách.

Kết nối tạo vòng tròn an toàn

Không chỉ Hà Nội, nhiều địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trên cả nước cũng kết nối-xây dựng sản phẩm phù hợp, đón đầu cho dịp nghỉ cuối năm, Tết Dương lịch 2022, Tết cổ truyền Nhâm Dần; đồng thời đề cao yếu tố bảo đảm an toàn du khách trong mùa dịch. VietSense tung ra chùm tour Tết nổi bật giảm giá 25%: "Săn mây Tà Xùa-Sơn La", "Những nẻo đường Tây Bắc", "Về miền đá nở hoa tại Hà Giang", "Khám phá đảo ngọc Phú Quốc-Kiên Giang". Công ty Lữ hành Hanoitourist kết hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiếp tục triển khai sản phẩm tour đi bộ "Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội"...

Tương tự, để bảo đảm hoạt động du lịch an toàn, nhiều tỉnh, thành phố như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Long An, Vũng Tàu... đều đã quy định tiêu chí đánh giá an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh du lịch. Tại Đồng Tháp, ghi nhận từ các điểm tham quan làng hoa Sa Đéc cho thấy, thời điểm gần Tết Nguyên đán sẽ có nhiều du khách ghé tham quan, do vậy các nhà vườn đã gieo trồng nhiều giống hoa kiểng có mầu sắc đẹp và đầu tư mới nhiều công trình tiểu cảnh giúp du khách có thêm nhiều không gian đẹp để check-in. Ông Trần Thanh Hùng-chủ một homestay ở làng hoa Sa Đéc chia sẻ: "Ngoài hoàn thiện các yêu cầu, hướng dẫn của ngành chức năng về công tác phòng, chống dịch, chúng tôi còn tham gia các khóa học trực tuyến về phục vụ khách du lịch trong bối cảnh mới do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Bởi chúng tôi hiểu: Chỉ khi thật sự sẵn sàng về con người, cơ sở vật chất và sản phẩm dịch vụ thì mới có thể bảo đảm phục vụ tốt nhất cho du khách".

Trong khi đó, tại thị xã Sa Pa (Lào Cai), chính quyền thị xã đã yêu cầu thực hiện tốt mọi biện pháp an toàn để đón khách du lịch đến tham quan trong dịp Tết. Bà Hoàng Thị Vượng-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã Sa Pa nhấn mạnh: Tất cả khách đến Sa Pa đều phải khai báo lưu trú, quét mã QR khi đến các địa điểm tham quan, dịch vụ. UBND tỉnh Quảng Bình cũng ban hành Kế hoạch số 2573/KH-UBND tổ chức Chương trình Chào đón năm mới 2022 với yêu cầu tổ chức các hoạt động phục vụ khách du lịch bảo đảm quy định thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Càng gần đến thời điểm Tết Nguyên đán, toàn ngành du lịch càng nỗ lực thúc đẩy và mong đợi sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, từ đó hỗ trợ cập nhật kịp thời các chính sách đón khách, điểm đến an toàn, các dịch vụ được phép triển khai… 

"Hiện dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, nên du lịch "xanh an toàn" vẫn là xu hướng chủ đạo được du khách ưu tiên lựa chọn thời gian tới. Muốn vậy, chương trình du lịch phải được xây dựng an toàn với các dịch vụ khép kín. Cơ sở lưu trú cũng cần có biện pháp tránh để khách tiếp xúc nhiều với nhau, có thể bố trí phòng cho các nhóm khách hợp lý"-Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng trăn trở.