Đủ bộ máy, hiệu quả đi kèm phải cao

Với việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), có thể nói, Việt Nam đã tổ chức được hệ thống chống gian lận thương mại, hàng giả… chặt chẽ, từ cấp trung ương đến địa phương.

Theo ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389, kể từ khi được thành lập năm 2014, Ban đã “tham mưu cho Chính phủ xây dựng được mô hình tổ chức với bộ máy tương đối hoàn chỉnh từ các bộ, ngành trung ương và 63 địa phương, đáng chú ý nhiều tỉnh, thành phố có Ban Chỉ đạo 389 đến cấp quận, huyện để triển khai nhiệm vụ”.

Đồng thời với đó là tham mưu cho Chính phủ “ban hành các văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mang tính cấp thiết, toàn diện để thống nhất chỉ đạo toàn quốc”.

Ngoài việc xây dựng được bộ máy như trên, tại không ít bộ, ngành và cơ quan chức năng của Việt Nam còn có lực lượng chuyên trách phòng, chống các hành vi gian lận thương mại, buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, như: Bộ Công an, Tổng cục Hải quan, Bộ Công thương…

Ngày 19/8, website Ban Chỉ đạo 389 đăng bài viết “Xây dựng các biện pháp, chương trình, kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra”. Đáng chú ý, bài viết này chỉ đưa ra thông tin hết sức sơ lược về kết quả phòng, chống gian lận thương mại, chống hàng giả trong sáu tháng đầu năm 2021, không kèm so sánh về tăng trưởng hay sụt giảm kết quả hoạt động.

Tìm trong toàn bộ thông tin tại website này, từ thời điểm ngày 30/6/2021 đến thời điểm bài báo này lên khuôn, không thấy thông tin tổng kết chính thức về kết quả hoạt động nửa năm 2021 của Ban Chỉ đạo 389.

Trong khi đó, thời gian gần đây, các cơ quan chức năng đã triệt phá khá nhiều vụ gian lận thương mại với quy mô rất lớn. Chẳng hạn như, các vụ sản xuất, kinh doanh xăng giả tại một loạt tỉnh phía nam và Tây Nguyên, vụ tổng kho hàng lậu tại Lào Cai, vụ sản xuất sách giáo khoa giả ở phía nam. Hay gần nhất là vụ than lậu lớn nhất từ trước đến nay tại Thái Nguyên…

Đáng chú ý, những vụ việc mới được phát hiện gần đây đều không có hình thức gian lận nào mới mẻ, nhưng quy mô thì khủng hơn nhiều. Do vậy, những vụ việc này cũng đặt ra vấn đề, tại sao những năm trước, vẫn với lực lượng ấy, cơ chế ấy, lại ít phát hiện những vụ việc tương tự? Hay là còn những “mô hình” gian lận nào chưa được định vị, để có thể ngăn chặn?

Thông tin bổ sung, trong số những chỉ đạo mới nhất trong tháng 8/2021 đã dẫn phía trên, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389, đã yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng cần phải “chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, phát hiện xử lý kịp thời những cán bộ, công chức, sĩ quan có dấu hiệu tiêu cực, bảo kê tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo đảm nội bộ trong sạch, vững mạnh hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Điều này cho thấy, hoạt động phòng, chống gian lận thương mại, hàng giả có hiệu quả được hay không, phụ thuộc ý chí chỉ đạo của các cơ quan chức năng, hay đội ngũ cán bộ trong những cơ quan ấy. Cùng với đó là việc hoàn thiện các cơ chế nhằm gia tăng hạn chế, hay xử lý các nguy cơ gian lận thương mại. Tuy nhiên, việc cần hẳn một ban chỉ đạo cấp quốc gia, trực thuộc Chính phủ, với đầy đủ bộ máy cho ban chỉ đạo ấy tại các địa phương và bộ, ngành liên quan, thì lại cho thấy, thực hiện hai yêu cầu ấy dường như đang còn nhiều bất ổn.

Nếu hệ thống pháp lý và chỉ đạo giám sát, phòng, chống gian lận thương mại tại các cơ quan chức năng phát huy hiệu quả thực chất, liệu có nhất thiết phải có một ban chỉ đạo cấp quốc gia cho hoạt động này?!