Định hình để dẫn dắt quá trình chuyển đổi số quốc gia

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1619/QĐ-TTg ngày 24/9/2021, kiện toàn và đổi tên Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử thành Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch. Như vậy, quá trình chuyển đổi số quốc gia cũng chính là quá trình phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số để phục vụ người dân tốt hơn.

Hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Duy Linh
Hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Duy Linh

Từ “bốn không” đến “bốn có”

Cách đây ba tháng, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là lần đầu Việt Nam ban hành chiến lược về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, với tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam sẽ thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu theo xếp hạng của Liên hợp quốc.

Chiến lược đã xác định sáu nhóm nhiệm vụ trọng tâm quốc gia (hoàn thiện môi trường pháp lý; phát triển hạ tầng số; phát triển các nền tảng số và hệ thống quy mô quốc gia; phát triển dữ liệu số quốc gia; phát triển các ứng dụng, dịch vụ quốc gia; bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia). Trong đó, nhấn mạnh, phát triển các dịch vụ công trực tuyến dựa trên nhu cầu người dân và theo các sự kiện trong cuộc đời, người dân chỉ cung cấp thông tin một lần.

Chiến lược nêu rõ: Định hướng mở là để người dân, doanh nghiệp và tổ chức khác tham gia một cách phù hợp vào hoạt động của cơ quan nhà nước, tương tác với cơ quan nhà nước để cùng tăng cường minh bạch, nâng cao chất lượng dịch vụ, cùng giải quyết vấn đề và cùng tạo ra giá trị cho xã hội.

Trước đây, phát triển Chính phủ điện tử đặt ra mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội tốt hơn. Giờ đây, Chính phủ số còn đặt mục tiêu trang bị công cụ làm việc để cán bộ, công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình. Đó là trợ lý ảo hay những nền tảng làm việc, cộng tác trên môi trường số.

Theo các chuyên gia, Chính phủ số bản chất là Chính phủ điện tử, bổ sung những thay đổi về cách tiếp cận, cách triển khai mới nhờ vào sự phát triển của công nghệ số. Hiểu một cách đơn giản, Chính phủ điện tử là “bốn không”; tức là có khả năng họp không gặp mặt; xử lý văn bản không giấy tờ; giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc; và thanh toán không dùng tiền mặt.

Chính phủ số, cùng với các nội hàm của Chính phủ điện tử, thêm “bốn có”. Đó là có toàn bộ hành động an toàn trên môi trường số; có khả năng cung cấp dịch vụ mới nhanh chóng; có khả năng sử dụng nguồn lực tối ưu; và có khả năng kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế - xã hội.

Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Chính phủ số Việt Nam sẽ được hình thành vào năm 2025 và thuộc top 50 của thế giới. Khi đó, các dịch vụ của Chính phủ được cung cấp tự động 24/7, theo nhu cầu và cá thể hóa. Các dịch vụ công mới được phát triển kịp thời dựa trên dữ liệu mở và với sự tham gia hợp tác của chính quyền, người dân, doanh nghiệp và giới chuyên gia. Tiếp theo là sự liên tục “tiến hóa” để trở thành chính phủ thông minh.

Dịch vụ công và niềm tin số

Nhiệm vụ quan trọng nhất của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số là nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề trong thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam.

Vào tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Trong gần hai năm qua, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên cả nước, quá trình chuyển đổi số quốc gia đã được “đẩy nhanh hơn” trên tất cả các lĩnh vực.

Khái niệm kinh tế số và xã hội số cũng không còn xa lạ. Công nghệ số với các ứng dụng, nền tảng đã phát huy vai trò, hiệu quả to lớn trong công tác phòng, chống dịch bệnh, duy trì nền kinh tế, giáo dục trực tuyến, làm việc trực tuyến… Đặc biệt là quá trình đưa các dịch vụ công trực tuyến đi vào hoạt động hiệu quả.

Năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn mục tiêu đưa toàn bộ dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương đủ điều kiện lên mức độ 4. Xem đó là điều kiện tiên quyết cho hoạt động Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Tỷ lệ này trên toàn quốc mới chỉ đạt 45%. Để thu hẹp khoảng cách giữa con số hiện trạng đến mục tiêu đặt ra, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhận định, cần có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương. Bởi chính quyền số là chính phủ số được triển khai tại các cấp chính quyền địa phương, đóng vai trò không nhỏ trong việc tạo nên một chính phủ phục vụ tốt hơn.

 “Cùng với việc đưa dịch vụ công lên mức độ 4, cần có giải pháp đột phá để nâng cao hiệu quả của dịch vụ công trực tuyến theo các tiêu chí là duy trì người dùng trực tuyến và tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt tối thiểu 30% trong năm 2021. Có như vậy, dịch vụ công trực tuyến mới thật sự đi vào cuộc sống, phục vụ doanh nghiệp và người dân tốt hơn”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh. Đó cũng chính là niềm tin số được hình thành khi thực hiện quá trình chuyển đổi số quốc gia.  

Về định hướng phát triển hệ thống dịch vụ công trực tuyến thúc đẩy hình thành Chính phủ số, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) đánh giá, Hệ thống thông tin điện tử giải quyết thủ tục hành chính đã cơ bản được hình thành theo hướng đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương, làm cơ sở hỗ trợ, thúc đẩy việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Trong đó, Cổng Dịch vụ công quốc gia hiện đóng vai trò trung tâm.

Kể từ khi vận hành vào tháng 12/2019, Cổng đã đạt nhiều kết quả được người dân, doanh nghiệp ghi nhận như: đã có hơn một triệu tài khoản đăng ký thành công; cung cấp hơn 3.100 dịch vụ; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt với các khoản phí, lệ phí, bảo hiểm, thuế, vi phạm hành chính… với số tiền 258 tỷ đồng. Cùng với đó, Cổng cũng có hơn 70 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái. Đây là nguồn dữ liệu quan trọng để cho các bộ, ngành, địa phương giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính.

Ông Ngô Hải Phan cũng cho biết, thời gian tới, Hệ thống dịch vụ một cửa điện tử các cấp phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính sẽ tiếp tục được hoàn thiện theo nguyên tắc “lấy người dùng làm trung tâm, cải cách dẫn dắt và công nghệ hỗ trợ”. Có như vậy mới triển khai thành công chương trình chuyển đổi số dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.

TRẦN LƯU

Là cấu thành quan trọng của chuyển đổi số quốc gia và có sứ mệnh dẫn dắt, Chính phủ số phải đi trước, đi đầu và tạo không gian phát triển cho kinh tế số, xã hội số.