Tạo bệ đỡ cho không gian sáng tạo

Điều cần thiết để tồn tại

Ra đời từ năm 2016, Phố bên đồi là dự án đa hình thái mang tính cộng đồng đầu tiên ở Việt Nam, với mục tiêu định vị Đà Lạt là điểm đến văn hóa độc đáo của khu vực Đông - Nam Á. Trải qua 5 năm hoạt động, tính đến năm 2020, với những sự kiện thành công và uy tín được tạo dựng trong nước và quốc tế, đội ngũ Phố bên đồi đã được mời tham gia tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm về cách thức triển khai kế hoạch và quản lý dự án cộng đồng trong khuôn khổ dự án Không gian Văn hóa Sáng tạo Việt Nam, do Hội đồng Anh và Liên hiệp châu Âu (EU) đồng tài trợ. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với anh Nguyễn Trung Hiền (ảnh bên), người sáng lập Phố bên đồi.

Điều cần thiết để tồn tại

Từ một quan niệm về không gian sáng tạo

- Quan niệm cá nhân của anh về cái gọi là “không gian sáng tạo” trong bối cảnh sống của con người đô thị? Trong hoàn cảnh đặc thù của đô thị Việt Nam, đánh giá của anh về ý nghĩa của một không gian như vậy?

- Không gian ấy là nơi nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật, kết nối những người yêu cái đẹp, yêu sự sáng tạo và làm phong phú thêm trải nghiệm về văn hóa nghệ thuật của thành phố, là nơi chốn tuyệt hảo để trò chuyện, trao đổi, mơ mộng thông qua các triển lãm, cuộc hội thảo, không gian dạy vẽ, âm nhạc, thư viện sách.

Người Việt Nam mình vốn giàu tính sáng tạo, lại cũng giàu mơ mộng nữa (cười) nên một/nhiều không gian sáng tạo - nơi nấu những “món ăn tinh thần” phục vụ cho cộng đồng thì luôn luôn cần thiết, đặc biệt cho các đô thị trong xu thế hội nhập sâu rộng hiện nay. Thêm nữa, giữa những biến cố xã hội khó lường như dịch Covid-19 chẳng hạn, các không gian sáng tạo chính là nơi giúp con người có thể du lịch tại chỗ một cách tốt nhất. 

- Các mô hình không gian sáng tạo nào ở trong và ngoài nước thu hút sự quan tâm của anh? 

- Ở TP Hồ Chí Minh, tôi và bạn bè thường lui tới một số địa chỉ nghệ thuật như Trung tâm nghệ thuật đương đại Factory (The Factory Contemporary Arts Centre), Mot+, hay không gian sáng tạo khiêm nhường mà rất quyến rũ Behalf Studio… Ở đó, có các triển lãm đầy tính đương đại, mang thông điệp sáng tạo và sáng tạo không ngừng; các bạn trẻ, có thể là nhân viên, nghệ sĩ, cộng tác viên, đều đam mê, cống hiến cho sự sáng tạo.

Mỗi khi có dịp đi nước ngoài, tôi dành thời gian tranh thủ đến các bảo tàng, gallery quốc gia bởi ở đó, tôi học hỏi được rất nhiều về cách trưng bày, tạo trải nghiệm cho khách tham quan, làm marketing tốt, tạo nền tảng để kết nối và nâng cao nhận thức về văn hóa bản địa cũng như lưu trữ những giá trị lịch sử, khoa học, nghệ thuật…

- Ta nói nhiều về sự sáng tạo, đam mê, cảm hứng, mơ mộng. Nhưng còn về lợi nhuận của một không gian sáng tạo, theo quan điểm của anh? Và thực tế lợi nhuận từ các không gian sáng tạo ở Việt Nam mà anh biết thì có thể được miêu tả ngắn gọn như thế nào?

- Lợi nhuận là điều cần thiết để giúp một không gian sáng tạo tồn tại một cách bền vững. Nhưng theo quan sát cá nhân tôi, các không gian sáng tạo ở Việt Nam vẫn đang cần cách để có “lợi nhuận”.

Đà Lạt có thể là một không gian sáng tạo?

- Trở lại với Phố bên đồi, là một dự án nghệ thuật cộng đồng tại một thực địa cụ thể. Để phát huy được sức sáng tạo của mọi cá nhân tham gia, dự án phải đối diện những khó khăn căn bản nào? 

- Khó khăn căn bản ở chi phí thực hiện, mặc dù chúng tôi đã xác định ngay từ ban đầu, đây là một dự án mang tính cộng đồng nên đã có một tầm nhìn rõ ràng, nhiệm vụ và mục tiêu qua từng năm đều được lên kế hoạch cụ thể.

- Sau 5 năm, khó khăn căn bản ấy đã được giải quyết bao nhiêu phần rồi, thưa anh?

- Nó vẫn như ngày đầu vì mỗi năm ban tổ chức lại ngồi viết đề xuất ý tưởng và đi gõ cửa các doanh nghiệp, cá nhân để có kinh phí thực hiện.

Dù sao, Phố bên đồi có thuận lợi là qua từng năm, uy tín của dự án được nâng lên, thông tin về dự án được phổ biến rộng rãi hơn, nhóm vận hành cũng tích lũy thêm từng chút từng chút kinh nghiệm. Từ dự án của một cá nhân/nhóm cá nhân, từ năm 2018, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm của UBND thành phố, được tạo điều kiện thực hiện một số hoạt động quan trọng trong sự kiện văn hóa du lịch lớn nhất hằng năm- Festival Hoa Đà Lạt. Tháng 7- 2019, Phố bên đồi trở thành đại diện, trên cương vị đồng tổ chức sự kiện Engaging With Vietnam (Kết nối với Việt Nam - EWV), trong Hội thảo EWV lần thứ 11 với chủ đề “Vietnam in Europe, Europe in Vietnam: Identity, Transnationality and Mobility of People, Ideas and Practices across Time and Space” (tạm dịch: Việt Nam ở châu Âu, châu Âu ở Việt Nam: Bản sắc, tính xuyên quốc gia và chuyển dịch của con người, ý tưởng, thực hành xuyên thời gian và không gian), diễn ra tại thành phố Leiden, Hà Lan. Đây là những thuận lợi, thành quả ban đầu khích lệ chúng tôi vượt qua khó khăn. Chúng tôi đang hướng tới mục tiêu trở thành một nền tảng kết nối các nguồn lực trong xã hội, giúp Đà Lạt xây dựng thương hiệu để trở thành một “Thành phố nghệ thuật”  thay vì chỉ là một “Thành phố du lịch”.

- Có thể nói dự án như Phố bên đồi, nay thêm Global Shapers Community Hub là các lực đẩy giúp Đà Lạt trở thành một không gian đô thị sáng tạo. Nhưng từ cảm quan của cá nhân anh, còn cần thêm những điều kiện nào khác nữa?

- Chúng tôi dù sao vẫn chỉ là các nhóm cá nhân nhỏ bé. Để đưa Đà Lạt nói riêng, nhiều đô thị khác có chung ý hướng như Đà Lạt trở thành một không gian đô thị sáng tạo, chúng ta cần rất nhiều điều kiện quan trọng khác, cốt lõi là định hướng từ chính quyền, cùng sự chung tay góp sức từ các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn. 

- Chân thành cảm ơn anh!

Năm 2018, hơn 45 nghìn lượt khán giả từ khắp nơi trong nước và quốc tế đến với triển lãm nghệ thuật Phố bên đồi, diễn ra trong vòng bốn tháng, tại Nhà máy trà cổ Cầu Đất Farm, bao gồm nhiều chuỗi hoạt động mang tính hướng tới cộng đồng như triển lãm tranh, âm nhạc, workshop, hội thảo chuyên đề, với sự tham gia của đại diện nhiều trường đại học từ TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt. Sự kiện này được xem là mang ý nghĩa xã hội nổi bật của dự án Phố bên đồi.

Đầu năm 2021, Phố bên đồi vừa cho ra mắt dự án ArtTech Fusion (Phức hợp nghệ thuật - công nghệ), kết hợp cùng Viện Đô thị thông minh và Quản lý (ISCM) và Viện Đổi mới Sáng tạo (UII), thuộc Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh.