Điểm yếu của thế hệ sinh ra cùng công nghệ

Với năng lực số hiện tại, người học đang gặp khó khăn trong việc thích ứng với môi trường số và ứng dụng ưu điểm của công nghệ trong học tập. Đặc biệt, họ còn chưa chuẩn bị tâm thế chủ động và một nền tảng số cho cá nhân để tham gia một thị trường lao động có tính cạnh tranh cao và luôn biến động.

Giờ học môn tin học Trường THPT Phan Huy Chú, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Ảnh: ĐỨC ANH
Giờ học môn tin học Trường THPT Phan Huy Chú, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Ảnh: ĐỨC ANH

Khoảng cách số

Theo một số khảo sát thuộc Dự án nghiên cứu trẻ em châu Á-Thái Bình Dương trong kỷ nguyên số (Digital Kids Asia Pacific - DKAP) công bố năm 2019, năng lực số của học sinh phổ thông ở Việt Nam đang ở mức trung bình từ 2,74 đến 3,35 điểm (trên thang điểm 5). Trong đó, lĩnh vực "Đổi mới và sáng tạo số" đang ở mức thấp nhất với 2,74, điểm trung bình cao nhất là 3,35 về "An toàn và khả năng thích ứng số". Gần hơn là khảo sát năng lực số của sinh viên do Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội thực hiện năm 2021 cũng đưa ra đánh giá, năng lực số của sinh viên ở mức trung bình, cụ thể là vận hành thiết bị và phần mềm (3,46), khai thác thông tin và dữ liệu (3,45), giao tiếp và hợp tác trong môi trường số (3,40), sáng tạo nội dung số (3,37), an sinh và an toàn số (3,67), học tập và phát triển số (3,58), và năng lực số cho nghề nghiệp (3,82).

Chưa hết, hiện tồn tại một khoảng cách năng lực số lớn giữa học sinh thành phố với các học sinh ở các khu vực miền núi, nông thôn và các khu vực kém phát triển (trích từ bài báo "Giảm khoảng cách số trong giáo dục giữa các vùng miền", tác giả Trần Tiệp và Nguyễn Toàn, đăng trên báo điện tử Chính phủ). Bà Rana Flowers Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam cho rằng: "Khủng hoảng dịch bệnh đã cho thấy sự chênh lệch mang tên công nghệ số, giữa trẻ em có máy tính, truy cập internet với trẻ không có các trang thiết bị này để học tập trực tuyến".

Khi đại dịch diễn ra, nhà trường không kịp trang bị cơ sở hạ tầng số cần thiết để dạy và học trực tuyến, các học sinh, sinh viên không có điều kiện và cơ hội được đào tạo các kỹ năng số một cách bài bản. Sự thiếu hụt về thiết bị và truy cập internet cũng góp phần tạo ra sự bất bình đẳng trong tiếp cận giữa các học sinh, sinh viên ở các vùng miền và điều kiện hoàn cảnh khác nhau. Bên cạnh đó, hầu như các kỹ năng học tập trên môi trường số người học đều không được đào tạo, việc của họ hằng ngày là bật máy tính và ngồi nghe giảng. Các hoạt động hỗ trợ học tập sau giờ học giữa người học và người dạy rất hạn chế, một phần do thiếu nền tảng kỹ thuật hỗ trợ, một phần vì thiết kế nội dung học tập không có hoạt động này.

Nhìn nhận ở góc độ của đội ngũ giáo viên và giảng viên, có thể thấy, tất cả những kỹ năng họ có đến thời điểm hiện tại phần lớn là tích lũy kinh nghiệm cá nhân. Đại dịch Covid đã khiến giáo viên không có sự lựa chọn, họ bắt buộc phải sử dụng công nghệ để giảng dạy ở tâm thế thụ động, trong khi đó lại ít có cơ hội tham gia các khóa học đào tạo bài bản về giảng dạy trực tuyến cũng như chưa được trang bị kỹ năng số cần thiết để giảng dạy trực tuyến có sử dụng công nghệ số. Một điểm hạn chế nữa là nhận thức chưa đầy đủ của người dạy về đào tạo trực tuyến cũng tác động đến việc lựa chọn công cụ và phương pháp để triển khai giảng dạy.

Ðiều kiện quan trọng để đổi mới giáo dục

Để phát triển năng lực công nghệ thông tin toàn diện cho người học, ở các cấp học từ phổ thông đến đại học đã triển khai đào tạo tin học cơ bản như một môn học bắt buộc. Tuy nhiên như vậy là chưa đủ.

Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30/3/2021 đưa ra quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. Để triển khai thông tư này, yêu cầu quan trọng là giáo viên phải được tập huấn, bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng cần thiết về ứng dụng công nghệ thông tin và có năng lực để tổ chức các hoạt động giảng dạy trực tuyến.

Hằng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tổ chức cuộc thi xây dựng bài giảng điện tử dành cho giáo viên phổ thông, trong đó sử dụng các công cụ và phương tiện để thiết kế bài giảng điện tử. Các trường đại học cũng đang tích cực chuyển đổi sang hình thức đào tạo trực tuyến và đào tạo kết hợp. Trong đó chú trọng xây dựng hệ thống quản lý học tập (LMS) chuyên nghiệp và xây dựng hệ thống bài giảng điện tử. Song song với đầu tư trang thiết bị hạ tầng, các trường đại học đã chú ý nhiều hơn đến đào tạo và tập huấn cho giảng viên phương pháp, kỹ năng giảng dạy trực tuyến, trong đó có những kỹ năng số quan trọng để làm chủ phần mềm, trang thiết bị.

Để phát triển kỹ năng số toàn diện cần phải có chiến lược tích hợp năng lực số vào chương trình đào tạo với việc công nhận kỹ năng số trong chuẩn đầu ra. "Chương trình Tư duy thời đại số" do Facebook tài trợ đã phối hợp các đơn vị trong nước như Học Mãi và Vietnet ICT để triển khai đào tạo năng lực số cho học sinh phổ thông và sinh viên với các nội dung giúp người học tham gia an toàn trên không gian mạng. Trong đó, có phát triển năng lực số dành cho học tập với việc tìm kiếm và đánh giá và sử dụng thông tin số. Hàng nghìn học sinh đã được đào tạo kỹ năng số căn bản qua chương trình này. Facebook cũng phối hợp Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, để xây dựng khung năng lực số đầu tiên dành cho sinh viên tại Việt Nam. Khung năng lực này đang được triển khai thử nghiệm tại Khoa Thông tin - Thư viện và đang thu hút được sự quan tâm của cộng đồng. Khung năng lực số đề xuất bảy nhóm năng lực với 26 tiêu chí để phát triển kỹ năng số cho sinh viên.

Xây dựng được những chính sách đúng đắn về thúc đẩy năng lực số trong môi trường học tập sẽ tác động trực tiếp đến phát triển giáo dục và đào tạo, thúc đẩy đổi mới tư duy giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi triển khai mạnh mẽ công nghệ số trong các hoạt động dạy và học, kiểm tra đánh giá và quản lý giáo dục. Qua đó, thực hiện mục tiêu, mang cơ hội học tập đến cho mọi người thông qua công nghệ, và khẳng định phát triển năng lực số cho người dạy và người học là một trong những điều kiện quan trọng để thực hiện đổi mới giáo dục.

"Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" đặt mục tiêu phát triển năng lực số toàn diện cho người dân, với 70% dân số có kỹ năng số cơ bản vào năm 2030. Theo đó, phổ cập số là nội dung quan trọng trong chương trình giáo dục đào tạo, ngay từ bậc phổ thông.