PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP ĐIỆN ẢNH

Điểm tựa định vị "sức mạnh mềm"

"Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030" đã được Chính phủ ban hành, năm 2016, trong đó trọng trách mũi nhọn được đặt lên vai ngành công nghiệp điện ảnh non trẻ. Có thể nói; ngành nghệ thuật thứ bảy - với những ưu thế mang tính toàn cầu vượt trội, luôn được kỳ vọng sẽ trở thành điểm tựa vững chắc giúp xác lập và định vị "sức mạnh mềm"cho công nghiệp văn hóa Việt Nam trong tương lai gần.

Phim Tiệc trăng máu đạt doanh thu gần 200 tỷ đồng.
Phim Tiệc trăng máu đạt doanh thu gần 200 tỷ đồng.

Xu hướng tất yếu

Trong bức tranh toàn cảnh "Định hình toàn cầu về công nghiệp sáng tạo" mà UNESCO đưa ra từ năm 2015, điện ảnh mang lại nguồn thu nhập ước tính 77 tỷ USD và xấp xỉ 2,5 triệu việc làm trên toàn thế giới. "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến 2020, tầm nhìn 2030" cũng đặt ra kỳ vọng, công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp tới 7% GDP, trong đó riêng ngành công nghiệp điện ảnh đạt ngưỡng 250 triệu USD vào năm 2030. Nói như ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI), "phát triển điện ảnh là phát triển ngành công nghiệp không khói có đóng góp quan trọng đến kinh tế, thúc đẩy dịch vụ du lịch phát triển, tạo ra nhiều công ăn việc làm, đóng góp lớn cho ngân sách quốc gia. Đó là còn chưa kể tác động chiến lược của điện ảnh khi góp phần tuyên truyền giá trị văn hóa dân tộc ra với thế giới".

Tuy nhiên, không chỉ đối với công chúng mà ngay cả với những người làm điện ảnh Việt Nam, "công nghiệp điện ảnh" vẫn là một thuật ngữ mới mẻ, so với những cụm từ quen thuộc xưa nay như "nền điện ảnh Việt Nam", hay "ngành điện ảnh Việt Nam". Khi đề cập tới một bộ phim, người ta vẫn coi nó là "tác phẩm điện ảnh" chứ hiếm khi nhìn nó dưới góc độ một sản phẩm của công nghiệp điện ảnh, càng không coi nó là một thứ hàng hóa đặc biệt. Bởi vậy, Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã phải dành riêng toàn bộ Điều 6 của chương I để đề cập tới nội dung "Phát triển công nghiệp điện ảnh", vốn được định nghĩa là "hoạt động điện ảnh nhằm tạo ra các giá trị văn hóa nghệ thuật, kinh tế và thị trường điện ảnh". Đáng chú ý, bảo đảm môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi, phát triển thị trường điện ảnh trong nước, chủ động hội nhập thị trường điện ảnh khu vực và thế giới là những nội dung được ưu tiên hàng đầu.

Những thách thức phải đối mặt

Hơn một thập niên qua, điện ảnh có thể coi là thị trường lớn mạnh nhất so với các ngành nghệ thuật khác, với mức doanh thu phòng vé tăng trung bình 20% - 25%/năm và thậm chí còn được xếp vào nhóm thị trường phát triển nóng trên thế giới. Theo con số mà CJ CGV Việt Nam cung cấp, nếu tổng doanh thu toàn thị trường đạt 302 tỷ đồng (khoảng 13 triệu USD) vào năm 2009 thì tròn 10 năm sau, kết quả thu được đã tăng 13,5 lần, lên mức 4.064 tỷ đồng (hơn 176 triệu USD).

Tiếc rằng, một thị trường điện ảnh phát triển bền vững là điều mà chúng ta vẫn chưa đạt được. Bởi phim nhập khẩu chiếm tới hơn 70% doanh thu khiến phim Việt ra rạp luôn chịu cảnh lép vế trước những đối thủ nặng ký, cả về số lượng (khoảng 40 phim nội đối đầu với hơn 200 phim ngoại nhập) lẫn mức độ đầu tư (phần lớn đều là phim "bom tấn"). Bởi thực trạng cạnh tranh không lành mạnh vẫn tồn tại, khi công ty nước ngoài sở hữu số lượng rạp lớn có biểu hiện thống lĩnh thị trường, chèn ép, áp đặt tỷ lệ chia giữa nhà phát hành và nhà sản xuất phim khiến các đơn vị sản xuất và phát hành phim Việt chịu nhiều rủi ro.

Nỗ lực phát triển ngành công nghiệp điện ảnh non trẻ còn phải đối mặt khá nhiều thách thức. Theo phân tích của PGS,TS Nguyễn Thị Thu Phương - Phó Viện trưởng Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, những thách thức này được cụ thể hóa bằng hàng loạt thực trạng cần khẩn trương tháo gỡ. Như hệ thống cơ chế chính sách liên quan việc thúc đẩy trao quyền, tăng cường kết nối các nhà làm phim chưa theo kịp với tốc độ phát triển thực tế của thị trường điện ảnh nội địa và nhu cầu tham gia vào thị trường điện ảnh thế giới. Như tình trạng văn bản luật chồng chéo, chính sách không rõ ràng và sự thiếu hiểu biết về luật của đội ngũ làm phim khiến họ chưa thể chủ động áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền tác giả và quyền liên quan. Như chất lượng đội ngũ nhân lực làm phim còn hạn chế, đang thiếu và yếu một cách trầm trọng. Hay sự mơ hồ và bất cập của quy trình kiểm duyệt, dán nhãn phim đang cản trở sự đa dạng biểu đạt văn hóa trong hoạt động điện ảnh…

Bài học kinh nghiệm quý giá

Chặng đường hóa giải những thách thức ấy còn rất nhiều gian nan, danh sách những đầu việc phải làm để công nghiệp điện ảnh trở thành đòn bẩy hữu hiệu giúp định vị và từ đó, lan tỏa "sức mạnh mềm" của công nghiệp văn hóa ra ngoài biên giới còn rất dài. Nhưng ở những bước đi khởi đầu khó khăn, lộ trình và bí quyết thành công của điện ảnh Hàn Quốc - vốn mang nhiều nét tương đồng với chúng ta cần được nhìn nhận, học hỏi nghiêm túc, với tinh thần hết sức cầu thị.

Một dự án cải tổ điện ảnh toàn diện được Bộ Văn hóa - Thông tin đệ trình vào giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, trong đó nhấn mạnh vai trò quan trọng của điện ảnh như một công cụ quảng bá hình ảnh của "con rồng châu Á" với thế giới. Và khi chính phủ coi đó là một trong những quyết sách hàng đầu, đường hướng phát triển cụ thể về hạ tầng cơ sở, ngân sách và đầu tư nguồn lực con người theo mô hình của điện ảnh Mỹ đã làm nên sự lột xác ngoạn mục, vượt xa mong đợi cho đời sống phim ảnh xứ Hàn.

Gần hai năm trước, cơn lốc Ký sinh trùng quét qua những ngày hội điện ảnh uy tín hàng đầu thế giới đã mang lại cho tác phẩm điện ảnh dán nhãn đạo diễn Bong Joon Ho những chiến thắng lịch sử cho nghệ thuật thứ bảy xứ kim chi. Một năm trước, Minari mang lại tượng vàng Oscar cho Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất.

Không dừng lại ở điện ảnh, truyền hình Hàn Quốc cũng đang lập nên những kỳ tích. Chỉ sau một tháng công chiếu, loạt phim truyền hình Trò chơi Con mực (Squid Game) mang lại "giá trị tác động" 891 triệu USD cho nền tảng trực tuyến Netflix, gấp 40 lần so với khoản đầu tư khiêm tốn 21,4 triệu USD. Và trong top 10 phim hấp dẫn nhất mà nền tảng trực tuyến hàng đầu này cung cấp có tới ba cái tên "made in Korea". Mới đây nhất, BTS là nhóm nhạc đầu tiên trên thế giới được góp mặt trong phiên họp của chương trình Mục tiêu phát triển bền vững, và cũng chính họ là nhóm nghệ sĩ đầu tiên được trình diễn ca khúc ngay trong khuôn viên Trụ sở Liên hợp quốc tại thành phố New York (Mỹ). Không chỉ là hình mẫu phát triển kinh tế năng động bậc nhất khu vực, đất nước này đã lọt top 10 quốc gia xuất khẩu văn hóa hàng đầu thế giới. Làn sóng Hanlyu đã trở thành sức mạnh mềm lan tỏa thông điệp văn hóa Hàn Quốc độc đáo, hấp dẫn trên khắp toàn cầu.

Việc đặt ra quy định về hạn ngạch nhằm bảo vệ điện ảnh nội địa phát triển, tạo hành lang kiểm duyệt thông thoáng, áp dụng hình thức phân loại phim giúp mở ra không gian sáng tạo vô biên cho giới làm nghề… Ngoài ra, việc ưu tiên khai thác đề tài lịch sử, văn hóa, đánh vào lòng tự hào dân tộc hay kết hợp với yếu tố gia đình gây xúc động rồi sau đó mở rộng biên độ bằng nhiều thể loại hấp dẫn như giả tưởng, kinh dị, lãng mạn, hành động… vừa giàu tính bản địa, vừa hợp gu quốc tế đã tạo nên những cơn sốt phòng vé cả ở trong lẫn ngoài nước.

Những kinh nghiệm quý giá này đã được người làm luật tham khảo kỹ lưỡng trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Hy vọng một sự khởi sắc cho điện ảnh Việt, khi vai trò và tác động của công nghiệp điện ảnh, trong dòng chảy phát triển công nghệ văn hóa được định vị chuẩn xác. Để trong tương lai gần, sức mạnh mềm văn hóa sẽ bắc được nhịp cầu để vươn xa, nhờ những khuôn hình điện ảnh.

Theo nhận định của Giáo sư Joseph S. Nye – nguyên Hiệu trưởng Trường hành chính John F. Kennedy, "những điểm làm nên sự hấp dẫn lớn nhất của sức mạnh mềm Việt Nam hiện nay là tinh thần tự chủ, độc lập dân tộc, chính sách phát triển kinh tế và nền văn hóa, trong đó văn hóa của các bạn luôn hấp dẫn và có sức lôi cuốn các nước phương Tây".