Bạo lực gia đình

Có đánh trống, bỏ dùi?

Mặc dù đã có nhiều giải pháp cả về quy định luật pháp cũng như nhận thức xã hội, song bạo lực gia đình vẫn có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây, với số lượng và tính chất vụ việc ngày càng phức tạp. Sự tồn tại dai dẳng của thực trạng đáng lên án này đang tạo nên nhiều thách thức, hệ lụy cho sự an toàn của các cá nhân và đời sống tinh thần của cộng đồng.

Tăng cường nhận thức cộng đồng về bạo lực gia đình cũng là một phương cách tạo dựng nên những tổ ấm hạnh phúc, an bình. Trong ảnh: Gia đình cùng nhau tham gia hoạt động ngoại khóa tại khu vực phố đi b
Tăng cường nhận thức cộng đồng về bạo lực gia đình cũng là một phương cách tạo dựng nên những tổ ấm hạnh phúc, an bình. Trong ảnh: Gia đình cùng nhau tham gia hoạt động ngoại khóa tại khu vực phố đi b

Nỗi đau dai dẳng

Bạo lực gia đình (BLGĐ) đã làm tổn hại tinh thần, ảnh hưởng tới kinh tế và năng suất lao động. Các nghiên cứu về BLGĐ đối với phụ nữ ở nước ta cũng cho thấy, có tới 58% số phụ nữ đã kết hôn cho biết họ từng phải trải qua ít nhất một trong ba hình thức BLGĐ; gần 80% số vụ ly hôn hằng năm có nguyên nhân từ BLGĐ; 87% số phụ nữ bị chồng bạo hành về thể chất hoặc tình dục không tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ tư pháp hoặc các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu khác. Chỉ có 43% số vụ BLGĐ đã trình báo công an, nhưng chỉ có 12% trong số đó đã bị cáo buộc hình sự, và 1% trong số này bị kết án.

Thống kê của Tòa án Nhân dân tối cao về kết quả 10 năm thi hành Luật Phòng, chống BLGĐ cho thấy, từ ngày 1-7-2008 đến ngày 31-7-2018, tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 1.422.067 vụ án ly hôn, đã giải quyết 1.384.660 vụ. Trong số 1.384.660 vụ ly hôn đã giải quyết, có 1.060.767 vụ xuất phát từ BLGĐ.

Có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng BLGĐ vẫn còn dai dẳng, nhưng nguyên nhân lớn nhất theo nhiều ý kiến chuyên gia là do bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại trong xã hội. Trung tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) cho rằng, nguyên nhân chính là sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Khi văn hóa, đạo đức xuống cấp, nó sẽ làm phát sinh tâm lý dùng bạo lực để giải quyết những mâu thuẫn trong đời sống.

Lý giải nguyên nhân vì sao chúng ta đã và đang có nhiều chương trình phòng chống BLGĐ, nhưng tình trạng này vẫn gia tăng, thậm chí còn ở mức độ nguy hiểm hơn, chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn (Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn tâm lý, đào tạo phát triển cá nhân và cộng đồng) cho biết: Có nhiều lý do dẫn tới tình trạng càng chống, BLGĐ càng tăng. Thứ nhất, nhiều chương trình phòng, chống BLGĐ chỉ dừng lại ở những khẩu hiệu, phổ biến luật, thành lập ban bệ, chưa đi sâu vào những hoạt động cụ thể. Đa số người dân có nghe “loáng thoáng” về phòng, chống BLGĐ, nhưng cụ thể là cần phải làm gì để ngăn ngừa, đối mặt, đẩy lùi BLGĐ thì họ lại không biết. Thứ hai, phòng, chống BLGĐ không tách rời việc xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và nâng cao vị thế của người phụ nữ. Nhưng vẫn còn một bộ phận phụ nữ chưa được tuyên truyền, hướng dẫn phương thức trở thành người tự lập, tự tin, tự quyết, tự chủ. Thứ ba, pháp luật xử lý chưa nghiêm. Hiện tượng nạn nhân viết đơn tố cáo thủ phạm nhưng sau đó do tác động của nhiều yếu tố đã rút đơn, khiến cho thủ phạm không bị xử lý, thậm chí “vô tội”, vẫn còn khá phổ biến.

Quy định còn bất cập?

Tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cũng nhìn nhận thực trạng BLGĐ vẫn còn những hạn chế, bất cập và khó khăn trong quá trình triển khai thi hành các quy định của pháp luật. Dù đã triển khai nhiều giải pháp, nhưng nhận thức của cộng đồng nói chung, của nạn nhân và người gây ra bạo lực trên cơ sở giới, BLGĐ nói riêng vẫn còn thấp. Điều này một phần dẫn đến tâm lý e dè, cam chịu của nạn nhân, mà chủ yếu là phụ nữ, vẫn chưa dám lên tiếng. Phần lớn các nạn nhân bị BLGĐ thường che giấu, không cung cấp thông tin cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có yêu cầu, do đó các cơ quan chức năng (cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm công tác xã hội, cơ sở cung cấp dịch vụ việc làm...) khó nắm bắt thông tin để thực hiện các chính sách, biện pháp hỗ trợ nạn nhân cũng như người có nguy cơ cao gây BLGĐ.

Có đánh trống, bỏ dùi? ảnh 1

Việc đưa vụ việc BLGĐ lên mạng xã hội cũng đồng nghĩa thông tin liên quan nạn nhân không được giữ kín.

Chúng ta chưa xây dựng hệ thống thu thập số liệu về bạo lực trên cơ sở giới, BLGĐ để làm căn cứ cho việc hoàn thiện chính sách, pháp luật và dịch vụ hỗ trợ. Trong khi, đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội thực hiện nhiệm vụ trợ giúp cho nạn nhân thiếu về số lượng và hạn chế về kiến thức, kỹ năng để tiếp cận, tư vấn và hỗ trợ cho cả nạn nhân và người có hành vi gây bạo lực. Kinh phí cho công tác bình đẳng giới, phòng, chống BLGĐ còn hạn chế, dẫn đến việc triển khai các nhiệm vụ còn hình thức, chưa hiệu quả.

Đặc biệt, một số quy định của Luật Phòng, chống BLGĐ chưa phù hợp với thực tiễn cuộc sống, tính khả thi không cao. Thí dụ như Quy định về phạt tiền đối với những người có hành vi gây bạo lực lại dẫn đến tình trạng nạn nhân thường che giấu để tránh làm tổn thất kinh tế của gia đình; Quy định công tác hòa giải trong nhiều trường hợp dẫn đến việc nạn nhân tiếp tục phải chịu đựng bạo lực từ người chồng của mình; Quy định về biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân không khả thi và không phù hợp với thực tế cuộc sống...

Thực tiễn công tác xét xử các vụ án liên quan đến BLGĐ từ tòa án các cấp cũng cho thấy vẫn còn một số vướng mắc trong quá trình áp dụng các quy định của pháp luật, cụ thể như: Khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống BLGĐ quy định về các hành vi BLGĐ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay lại xuất hiện nhiều loại hành vi có tính chất BLGĐ chưa được quy định trong Luật, như: hành vi ép buộc lựa chọn giới tính thai nhi…

Kiểm soát việc thực thi

Rõ ràng, BLGĐ đang là một vấn đề nhức nhối, tiềm ẩn gây nên những bất ổn trong nhiều hạt nhân cơ bản của xã hội - gia đình. Để có thể giảm và tiến tới xóa bỏ thật sự thực trạng đáng lên án này, nhiều chuyên gia đề xuất nên sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành, như Luật Phòng, chống BLGĐ; Bộ luật Tố tụng dân sự theo hướng quy định bổ sung các hành vi BLGĐ; trình tự, thủ tục, điều kiện áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp “Cấm tiếp xúc với nạn nhân BLGĐ” để ngăn chặn, bảo vệ kịp thời các nạn nhân BLGĐ. Bổ sung một số tình tiết định khung tăng nặng “Phạm tội đối với vợ, chồng, con cái” vào nhóm tội “Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người”, “Xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân” để xử phạt nghiêm minh đối với những đối tượng có hành vi nêu trên xảy ra nhiều trong thời gian gần đây và răn đe chung.

Cơ quan chức năng và chính quyền các cấp cần tăng cường trách nhiệm trong việc phối hợp tổ chức triển khai các chương trình, đề án của Chính phủ nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của phụ nữ; thường xuyên tiến hành giám sát, thanh tra, xử lý nghiêm và kịp thời những hành vi vi phạm quyền của phụ nữ.

Cần kiên quyết thực thi pháp luật một cách nghiêm minh, có tính răn đe, giáo dục thật sự chứ không phải chỉ dừng ở hình thức, giáo điều. Sau khi xử lý các vụ việc bạo lực, cơ quan có thẩm quyền cần giám sát chặt chẽ đối tượng gây bạo lực trong thời gian dài để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho nạn nhân.

Hạn chế và kiểm soát được tình trạng BLGĐ, trên thực tế, chính là một chỉ số quan trọng trong một xã hội văn minh và hạnh phúc.

- Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới được tổ chức hằng năm từ ngày 15-11 đến ngày 15-12 trên phạm vi toàn quốc. Tại buổi Lễ phát động Tháng hành động năm 2019 với chủ đề “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”, sáng 9-11, Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, nhấn mạnh: Một xã hội bình đẳng là một xã hội không có bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Mục tiêu đó sẽ trở thành hiện thực nếu tất cả các cấp, các ngành và toàn thể cộng đồng cùng chủ động cam kết và có các hành động cụ thể, thiết thực.

- Ngày 25 -11 hằng năm được Liên hợp quốc lấy là Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ.

Tổ chức chuyên đề:

Vũ Mai Hoàng, Phương Thảo, Nguyễn Văn Học.