Chung tay tạo môi trường mạng an toàn

Việc trẻ em tham gia tương tác sớm trên môi trường mạng không chỉ mang đến những mất cân bằng về tinh thần mà còn khiến các em phải đối diện với nhiều rủi ro, tác động từ chính không gian ảo. Trước thực tế ấy, ngày 1/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 830/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025”.

Hai tháng sau đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký Quyết định số 1123/QĐ-BTTTT ngày 30/7, ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định nói trên của Thủ tướng Chính phủ. Điều đáng chú ý, Kế hoạch này đã đưa ra các khuyến nghị và tuyên truyền các kỹ năng số cơ bản cho trẻ em theo từng độ tuổi cũng như tập trung vào cách thức nhận diện, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; đồng thời triển khai các giải pháp, biện pháp kỹ thuật để phát hiện sớm, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, Bộ cũng xây dựng kế hoạch thúc đẩy việc nghiên cứu, xây dựng và triển khai hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng của Việt Nam trên môi trường mạng nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, giải trí của trẻ em trong trạng thái bình thường mới.

Từ đó đến nay, Quyết định số 1123 chưa thể được triển khai mạnh mẽ ngay trong thực tế. Tuy nhiên, từ những lời cảnh báo của giới chuyên gia về “sức khỏe tinh thần của học sinh đang ở mức đáng báo động” và từ chính những vụ việc nổi cộm xảy ra đối với các em trong quá trình học tập online kéo dài, đòi hỏi cần sớm có những giải pháp mạnh mẽ từ phía cơ quan chức năng.

Từ xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý đi đôi với các quy chế, quy trình phối hợp liên ngành rồi đến giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng và ban hành các biện pháp, giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực thực thi pháp luật…, là khối lượng công việc khổng lồ. Nhưng, để bảo vệ thế hệ kế tiếp, chúng ta phải hành động.