Cần mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn

Không quản lý được đội tàu, không truy xuất được nguồn gốc, không thực thi pháp luật tốt theo các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC), sẽ rất khó để chúng ta gỡ được "thẻ vàng", ông Trần Ðình Luân (trong ảnh), Tổng cục trưởng Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định trong cuộc trả lời phỏng vấn Nhân Dân cuối tuần.

Cần mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn

- Thưa ông, vì sao sau bốn năm chúng ta vẫn loay hoay chưa gỡ được "thẻ vàng"?

- Nguyên nhân mấu chốt chính là tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài mặc dù giảm, nhưng vẫn xảy ra.

Ủy ban châu Âu (EC) cũng bày tỏ quan ngại về tính hiệu quả trong công tác thực thi pháp luật, bảo đảm hiệu quả trong tổ chức triển khai thực hiện các quy định pháp luật về chống khai thác IUU tại Việt Nam trong thực tế như việc thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, đặc biệt là xử lý vi phạm hành chính đối với các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, vi phạm các hành vi nghiêm trọng. Kiểm soát nguyên liệu hải sản nhập khẩu vào Việt Nam bảo đảm tính hợp pháp và theo đúng quy định của Hiệp định về biện pháp quốc gia có cảng. Công tác kiểm soát tàu cá bảo đảm truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ khai thác, quản lý đội tàu khai thác theo hướng minh bạch và bền vững nguồn lợi thủy sản…

- Liệu có cơ sở cho lo ngại phía EC có thể sẽ áp "thẻ đỏ" đối với thủy sản Việt Nam không, thưa ông?

- Ðiều kiện tiên quyết để gỡ "thẻ vàng" cảnh báo của EC là không còn tàu cá khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài còn tiếp tục xảy ra. Bên cạnh đó, thông tin từ các quốc gia trong khu vực gửi cho Việt Nam gần đây cho thấy, không ít tàu cá Việt Nam khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài khi bị bắt không có số đăng ký xảy ra nhiều hơn, dẫn đến công tác xác minh, kiểm soát gặp nhiều khó khăn hơn... Tình trạng như vậy còn tiếp tục xảy ra chúng ta không những không khắc phục được "thẻ vàng" mà khả năng bị phạt "thẻ đỏ" là rất lớn.

- Thưa ông, nếu trường hợp xấu nhất xảy ra, ngành thủy sản Việt Nam sẽ chịu tác động như thế nào?

- Trường hợp bị áp dụng biện pháp "thẻ đỏ" thì tất cả sản phẩm thủy sản từ khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào Liên hiệp châu Âu (EU). Mỗi năm, ngành thủy sản Việt Nam sẽ tổn thất khoảng 350 - 400 triệu USD nếu mất thị trường EU. Tổn thất từ thủy sản khai thác sẽ bao gồm cá ngừ, cá kiếm, nhuyễn thể, mực, bạch tuộc và các loài sinh vật biển khác. Ðáng lo ngại nữa, do EU là thị trường tín chỉ nên các thị trường khác có thể sẽ áp dụng biện pháp tương tự với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

Tác động gián tiếp là việc giảm sút uy tín, gia tăng gánh nặng kiểm soát hải quan đối với sản phẩm nuôi trồng thủy sản xuất khẩu vào châu Âu và không tận dụng được hết thế mạnh của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Nếu lệnh cấm kéo dài có thể gây gián đoạn xuất khẩu thủy sản Việt Nam, ảnh hưởng đến đời sống của cộng đồng ngư dân ven biển và mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu hằng năm từ 7 - 9% và đạt 16 - 18 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu vào năm 2030. Ngoài ra, việc bị cảnh báo "thẻ vàng" cũng như việc khắc phục "thẻ vàng" chậm, không hiệu quả sẽ làm ảnh hưởng xấu đến uy tín, vị thế, quan hệ ngoại giao của Việt Nam nói chung và ngành thủy sản nói riêng trên các diễn đàn khu vực và thế giới.

- Trở lại vấn đề mấu chốt, tại sao chúng ta chưa chấm dứt được tình trạng vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài, thưa ông?

- Việc chưa chấm dứt được tình trạng vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài còn có nhiều nguyên nhân, khó khăn vướng mắc trong đó tập trung:

Vì lợi ích kinh tế cá nhân, một số ngư dân cố tình vi phạm hoặc qua môi giới, móc nối để đưa tàu cá đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Việc tìm chứng cứ, thông tin đối với hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài còn khó khăn cũng dẫn đến việc xử lý vi phạm đối với hành vi này còn ít và chậm. Chưa điều tra, xử lý các vụ việc môi giới, móc nối đưa tàu cá Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài để tuyên truyền răn đe.

Bên cạnh đó, công tác thực thi pháp luật cũng chưa thật sự hiệu quả. Một số quy định về chống khai thác IUU là quy định mới, người dân cần đầu tư nguồn lực, được đào tạo, tập huấn để nắm rõ quy định mới triển khai thực hiện đúng trong khi nhận thức của người dân còn hạn chế, trình độ của ngư dân cũng hạn chế do đó việc sử dụng các thiết bị hiện đại và thực hiện các quy định chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, vẫn còn tình trạng vi phạm xảy ra.

Hệ thống VMS và thiết bị VMS mới triển khai áp dụng do đó vẫn chưa bảo đảm tính ổn định, vì vậy trong quá trình vận hành còn một số trục trặc, tình hình tàu cá mất tín hiệu do lỗi bất khả kháng còn nhiều, do vậy chưa thật sự hiệu quả trong công tác chống khai thác IUU và sử dụng hình ảnh VMS phục vụ cho công tác xử phạt. Cần thực hiện nghiêm việc xử phạt các hành vi vi phạm nhằm thực thi hiệu quả công tác xử lý vi phạm hành chính.

- Xin trân trọng cảm ơn ông !