Cái chớp mắt của lịch sử

Cách đây đúng 20 năm tôi được mời tham gia chương trình viết văn quốc tế tại Trường đại học Iowa, không ngờ lại chứng kiến một sự kiện long trời lở đất ở nước Mỹ.

Tác giả chụp ảnh với cảnh sát thành phố New York, phía sau là tòa Tháp đôi WTC bị khủng bố đánh sập ngày 11/9/2001 (ảnh chụp tháng 11/2001).
Tác giả chụp ảnh với cảnh sát thành phố New York, phía sau là tòa Tháp đôi WTC bị khủng bố đánh sập ngày 11/9/2001 (ảnh chụp tháng 11/2001).

Sáng 11/9/2001, chúng tôi đang ngồi trong phòng sinh hoạt cộng đồng tán gẫu, bỗng có ai đó chỉ vào màn hình ti-vi hét lên: “Cái gì thế này, trông kìa! Thật khủng khiếp!”. Thoạt tiên, chúng tôi vẫn nghĩ đang xem hình ảnh kỹ xảo trong một bộ phim hành động. Nhưng rồi nhanh chóng nhận ra đó là cuộc tấn công từ trên trời vào tòa Tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) tại New York, một biểu tượng thịnh vượng của nước Mỹ. Gần 3.000 người mang quốc tịch 80 nước trên thế giới đã thiệt mạng. Nỗi đau đó vẫn nhức nhối đến tận bây giờ dù chỗ này đã được xây dựng thành điểm du lịch tưởng niệm nổi tiếng thế giới.

Đầu giờ chiều, nhà thơ Christopher Merrill, giám đốc chương trình gặp chúng tôi buồn bã nói: “Nước Mỹ đang trải qua thảm họa chưa từng có trong lịch sử”. Chưa từng, vì nếu tính từ khi chấm dứt nội chiến bắc - nam (năm 1865), đã 136 năm qua không có cuộc chiến tranh nào xảy ra trong lòng nước Mỹ. 

Iowa vốn là một thành phố nhỏ thuộc miền trung nước Mỹ, có con sông vĩ đại Mississippi chảy qua. Đây là vùng nông nghiệp, khắp nơi trồng bạt ngàn ngô, yên tĩnh, hiền hòa. Thế mà ngay sau ngày 11/9, thành phố đã mang một “gương mặt” khác. Xe cảnh sát trước vốn chẳng thấy đâu, nay chạy vè vè khắp nơi. Những địa điểm đông người tự dưng xuất hiện các ông cảnh sát hộ pháp đeo kính râm, khí giới trang bị tận chân răng. Trong trường các buổi học bắt đầu bằng phút mặc niệm nạn nhân vụ khủng bố. Trên phố xuất hiện cả những cuộc biểu tình đòi tiêu diệt ngay Osama Bin Laden và Al-Qaeda lẫn phản đối việc khơi mào một cuộc chiến tranh mới.

Ngày 7/10, 26 ngày sau vụ tấn công khủng bố, ở Iowa có một trận bóng bầu dục quan trọng. Bóng bầu dục là môn thể thao “quốc hồn” của người Mỹ nên những người không thể đến sân vận động đều ngồi ôm chiếc ti-vi. Bỗng tất cả các kênh truyền hình dừng lại. Rồi Tổng thống G.Bush xuất hiện, tuyên bố đã ra lệnh cho quân đội tiến công Afghanistan. Lúc ấy, tôi ngồi uống cà-phê trong một quán trung tâm thành phố, rất ngạc nhiên khi thấy chẳng ai để ý tổng thống đang nói gì, lại tiếp tục dán mắt theo dõi những đường bóng hình quả trám. Trong tôi chợt dâng lên một nỗi buồn ghê gớm trước sự thờ ơ ấy. 

Những ngày tiếp theo, các nhà văn đến từ Việt Nam, Palestine, Israel, Nam Tư (trước đây), Indonesia, Malaysia… bỗng được “ưu tiên” hơn khi xếp tham gia các chương trình giao lưu, tọa đàm, thuyết trình về văn học, thiên chức nhà văn, gắn với chủ đề thời sự như: Viết từ đống đổ nát, Sống giữa điêu tàn hoặc Thử hình dung về nước Mỹ… Hẳn vì chúng tôi là những người đang hay đã từng có trải nghiệm chiến tranh hoặc đến từ những quốc gia Hồi giáo? 

Người dân có thể thờ ơ nhưng giới học thuật và một bộ phận không nhỏ trí thức Mỹ lại quan tâm đến những điều nhà văn nói, như muốn tìm dự báo cho tương lai mờ mịt phía trước. Khi tôi kể cho họ nghe, ngày không quân Mỹ ném bom Hà Nội, em gái tôi mới được mấy tháng tuổi đã phải theo bà nội đã ngoài 70 tuổi sơ tán về nông thôn. Đêm nào em tôi cũng khóc, bà tôi phải cho em bú từ bầu ngực khô héo để em bớt nhớ sữa mẹ. Một số người nghe đã khóc.

Etgar Keret, nhà văn Israel kể, ở nước Mỹ, anh ngỡ sẽ không phải nơm nớp lo sợ bị đánh bom mỗi lần vào siêu thị hay lên xe buýt như tại Israel, vậy mà những ký ức kinh hoàng ấy vẫn không chịu buông tha anh. Anh hy vọng, người Mỹ sẽ hiểu ra, những tên khủng bố không đại diện cho một hệ tư tưởng nào hết, đơn giản đó là tội ác. Chúng ta hãy cùng nhau vạch trần nó.

Andrey Bychkov, nhà văn Nga nói, người ta gọi bức ảnh “Falling man” - người đàn ông nhảy ra khỏi tòa tháp cao cả trăm mét sắp sụp đổ là biểu tượng đau thương của nước Mỹ. Nhiếp ảnh gia đã chụp được bức ảnh để đời. Nhưng nhiệm vụ nhà văn thì khác, anh phải lý giải xem lúc rơi xuống đất, người đàn ông kia nghĩ đến ai hay điều cuối cùng ông muốn nhắn gửi đến người dân New York là gì. Nhà văn với tư cách sáng tạo phải giúp bạn đọc khám phá những địa tầng đời sống và tư tưởng chứ không phải những câu chuyện giật gân, những con số thống kê thiệt hại…

20 năm đã trôi qua. Có nhiều thứ thay đổi, nhưng cũng có những thứ dường như đang quay về vạch xuất phát. Cuối tháng 8 vừa rồi, những binh sĩ Mỹ cuối cùng rời Kabul ngay cả khi chưa hoàn thành sứ mệnh di tản. Cuộc chiến ở Afghanistan kéo dài 20 năm với hàng nghìn tỷ đô-la chi ra và gần 2.500 lính Mỹ thiệt mạng (tương đương với số nhân mạng trong trận Trân Châu Cảng năm 1941) rốt cuộc quay lại thời điểm chúng tôi nói về văn học chiến tranh ở Iowa khi những chiếc máy bay cường kích cùng những quả tên lửa hành trình của liên quân Anh - Mỹ đang lao vun vút đến vùng đất nước nghèo khó và điêu tàn ở Trung Á. Và ai có thể ngờ, chiếc khẩu trang bây giờ là vật bất ly thân với cả thế giới, còn kẻ thù có sức tàn phá khủng khiếp lại là một loại virus mà nguồn gốc của nó vẫn là điều bí ẩn.

Cái chớp mắt của lịch sử -0
Đêm 7/10/2001, Mỹ bắt đầu tiến công Afghanistan, người dân Mỹ xuống đường phản đối với khẩu hiệu “Đừng nhân danh chúng tôi ném bom”. 

Hình ảnh chiếc khẩu trang quen thuộc trong cuộc chiến chống Covid-19 hiện nay khiến tôi nhớ đến chuyến đi tới New York những ngày sau đó. Muốn đến Ground Zero (khu vực số 0), nơi tọa lạc tòa tháp đôi, thì nhất thiết phải đeo khẩu trang vì gần hai tháng đã trôi qua, nhưng vẫn còn thứ gì đó đang cháy, và hóa chất độc hại vẫn lửng lơ trong không khí. Tòa tháp đôi sừng sững khi xưa nằm giữa khu phố đông đúc, nay chỉ còn là một khoảng không ám khói xám xịt. Đâu đâu cũng có cảnh sát. Tôi thử trễ khẩu trang xuống, ngay lập tức mùi khét khác thường ập vào phổi. Không thể hình dung nổi, trên con phố nhỏ tôi đang đứng, hai tháng trước bụi khói bay đầy trời, từng đám đông hoảng loạn, la hét túa ra từ tứ phía. Viên cảnh sát, sau khi chụp ảnh chung với tôi, đã nói: Ngày trước, khi chia tay, người New York nói have a nice trip (chúc một chuyến đi vui vẻ) thì nay họ nói have a safe trip (chúc một chuyến đi an toàn). Chưa bao giờ hai chữ an toàn quan trọng đến vậy.

Rời Ground Zero, tôi quay lại Quảng trường Thời đại, trong lòng vô cùng trống trải vì những ký ức chiến tranh từ tuổi thơ, những ngày sơ tán ùa về. Giống như Etgar Keret, chiến tranh đuổi theo tôi sang tận nước Mỹ. Tôi đi dọc theo phố 42 ra phía bờ sông, gặp đại lộ số 1, nơi tọa lạc Trụ sở Liên hợp quốc. Ngước lên, tôi nhìn thấy cờ Tổ quốc tung bay trước tòa nhà. New York tháng 11, gió mạnh và lạnh, vậy mà trong lòng chợt thấy vô cùng ấm áp. Không quen ai ở New York/Tôi thường phố dài một mình/Lúc nhớ nhà tìm đến đường số 1/Thấy lá cờ Tổ quốc/Như gặp lại người thân… 

Trên bức tường công viên Ralph Bunch đối diện với Trụ sở Liên hợp quốc có khắc câu nói của nhà tiên tri Isaiah: they shall beat their swords into ploughshares, and spears into pruning hooks; nation shall not lift up sword against nation; neither shall they learn war anymore (tạm dịch: họ sẽ rèn đao kiếm thành lưỡi cày, lưỡi bừa và những ngọn giáo thành lưỡi liềm, lưỡi hái; các dân tộc sẽ không vung gươm chém giết nhau; sẽ chẳng ai phải chịu bài học chiến tranh thêm nữa). 
 
Nhà tiên tri Isaiah sống ở thế kỷ thứ bảy trước Công nguyên, cách đây 2.700 năm. Bài học 20 năm ta đang nói đến, so với ước vọng của ông chỉ là một chớp mắt của lịch sử.