Bỏ ngắn để nuôi dài

Sẽ thật dễ dàng để tán đồng với ý kiến của đông đảo dư luận, về sự thất bại khi các đơn vị lính Mỹ cuối cùng phải triệt thoái trong hỗn loạn, sau 20 năm hiện diện quân sự tại Afghanistan. Tuy nhiên, những lời chỉ trích nước Mỹ “đầu hàng khủng bố” từ ngay trong lòng nước Mỹ có lẽ là quá khe khắt, và dường như cũng hàm chứa nhiều thiên kiến chính trị.

Bất chấp nỗi lo ngại của tướng Mark Milley, các chuyên gia vẫn cho rằng việc quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan sẽ đem lại những lợi ích dài hạn. Ảnh: news.yahoo.com
Bất chấp nỗi lo ngại của tướng Mark Milley, các chuyên gia vẫn cho rằng việc quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan sẽ đem lại những lợi ích dài hạn. Ảnh: news.yahoo.com

Điều không thể khác

Ngày 4/9, theo Fox News, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ - tướng Mark Milley - tô đậm thêm những nỗi bất an, khi đăng đàn bày tỏ nỗi lo ngại, rằng: “Theo tôi, khả năng cao xảy ra một cuộc nội chiến có quy mô rộng hơn. Điều này sẽ tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của Al-Qaeda, hay sự lớn mạnh của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS), hoặc nhiều tổ chức khủng bố khác”. 

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden, khi bị “bao vây” bởi các cơn bão chất vấn từ giới báo chí, từng trả lời rằng nước Mỹ sẽ tiếp tục chống khủng bố dựa trên các cuộc không kích, chứ không phải những nhiệm vụ mặt đất.
 
Song, một cách công bằng, nếu thật sự ông chủ hiện tại của Nhà trắng phải chịu trách nhiệm về việc lên kế hoạch triệt thoái binh sĩ còn thiếu tỉ mỉ, kém chu toàn, để đến nỗi chính quyền Kabul dễ dàng sụp đổ như vậy, thì cũng không nên quên: Người đầu tiên ý thức rõ ràng và hành động cụ thể nhằm đạt được một thỏa thuận với Taliban, qua đó mở đường “rút chân khỏi vũng lầy” bằng một “giải pháp danh dự” lại là người tiền nhiệm Donald Trump, với bản hòa ước ký ngày 29/2/2020.
 
Nghĩa là, dù đối nghịch với nhau về đường lối đối ngoại nói chung, song chiến lược cho riêng vấn đề Afghanistan của vị cựu Tổng thống Mỹ thuộc đảng Cộng hòa với tổng thống đương nhiệm thuộc đảng Dân chủ lại trùng hợp. Nguyên nhân then chốt của điều này - điều khiến chính quyền Mỹ hiện tại thúc đẩy quá trình rút quân còn vội vã hơn những gì diễn ra trong nửa cuối năm ngoái - không thể là gì khác, ngoài lợi ích cốt lõi của nước Mỹ.  

Mục tiêu trọng điểm

Hai mươi năm qua, xuất phát từ những hạn chế ngay từ cách tiếp cận vấn đề đã bị giới quan sát quốc tế mổ xẻ khá kỹ lưỡng, nước Mỹ tiêu tốn quá nhiều nhân lực, vật lực và thời gian. Hiện tại, với những hệ lụy kinh khủng của đại dịch Covid-19 toàn cầu dồn xuống nền kinh tế, với những sự phân rã trong xã hội Mỹ - điều thể hiện rất rõ quanh diễn biến của cuộc bầu cử tổng thống cuối năm ngoái, và với những thách thức địa chính trị ngày một lớn hơn, khi thế giới ngày càng phẳng đi, ngày càng phân cực rõ nét, ngày càng bất định, những nguồn lực lại càng cần phải được tập trung nhiều hơn vào các mục tiêu trọng điểm.

Song, trong một chiến lược đối ngoại toàn cầu mới, kết nối với nhiều quốc gia liên quan trực tiếp hơn, nhất là trên phương diện chia sẻ tin tức tình báo, và để lại nhiều quyền tự quyết (trên lý thuyết) cho người dân Afghanistan hơn, thì vẫn có cách để ưu tiên cho nhiệm vụ chống khủng bố, với ít phí tổn hơn. 

Trong khi đó, “xoay trục” về trọng tâm địa chính trị của thế kỷ 21 - khu vực châu Á - Thái Bình Dương - lại là một mục tiêu hàng đầu, được để lại từ chính sách của người tiền nhiệm đảng Dân chủ, cựu Tổng thống Barack Obama. Đây mới chính là điểm then chốt trong cương lĩnh tranh cử của đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden. Nó đã nhanh chóng được cụ thể hóa trong thực tế, bằng hàng loạt những bổ nhiệm nhân sự ngoại giao thích hợp ngay sau khi ông tiếp nhiệm, thí dụ như Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan, Bộ trưởng Ngoại giao Anthony Blinken hay Điều phối viên chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Kurt Campbell. Đó toàn là những chuyên gia hàng đầu, đủ cứng rắn và cũng đủ mềm mỏng, để tiếp nối tiến trình “xoay trục” còn dang dở. 

Và như một bài viết trên tờ Asian Times ngày 19/8/2021 của tác giả David Hutt, “khi lớp bụi lắng xuống, việc rút lui khỏi Afghanistan là cần thiết, và sẽ tạo cơ hội cho Mỹ tập trung mạnh mẽ hơn vào việc duy trì vị thế của mình trong tương lai ở Đông Nam Á, cũng như Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung”.

Bởi khi ấy, “tham vọng của Mỹ trong khu vực cũng phù hợp với nguyện vọng của Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, cũng như các đồng minh quan trọng khác. Chưa bao giờ có một sự đồng thuận quốc tế tương tự như vậy về các mục tiêu của Mỹ ở Trung Đông, điều này cản trở các chính sách và thành công của Mỹ ở đó”.

Dĩ nhiên, đó là chưa kể đến những lợi ích to lớn, khi Mỹ thật sự hiện diện để tham dự vào khu vực kinh tế năng động bậc nhất toàn cầu.