Bộ chỉ số và bức tranh toàn cảnh

Là lĩnh vực quan trọng trong sự phát triển của toàn xã hội, nhưng đến nay, văn hóa vẫn chưa xây dựng được bộ chỉ số riêng. Hạn chế này được các nhà quản lý văn hóa nêu rõ, đã làm hạn chế việc đánh giá đúng thực trạng cũng như đóng góp của văn hóa trong quá trình phát triển của đất nước.

Sự đóng góp của văn hóa thể hiện ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các ngành công nghiệp văn hóa. Ảnh: Thanh Trúc
Sự đóng góp của văn hóa thể hiện ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các ngành công nghiệp văn hóa. Ảnh: Thanh Trúc

Khó định lượng

PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nhận định, những luận điểm xương sống về văn hóa đều đã có. Nhưng thực tế là, đầu tư về văn hóa, cho văn hóa trong thời gian qua chưa tương xứng. Và, một trong nguyên nhân là do thiếu định lượng cụ thể về sự phát triển ở từng lĩnh vực, dẫn đến việc chưa xác định được đúng thực trạng phát triển và giải pháp.

Tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê trình Quốc hội xem xét, ông Bùi Hoài Sơn chỉ rõ, danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia về văn hóa chỉ có chỉ tiêu "số di sản văn hóa cấp quốc gia". Trong khi, văn hóa là lĩnh vực rộng, bao gồm tổng thể các yếu tố văn hóa vật thể, phi vật thể, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, môi trường văn hóa, hoạt động văn hóa, hưởng thụ văn hóa... Văn hóa không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc đem lại sự phát triển kinh tế mà còn là nền tảng gắn kết xã hội, bảo đảm sự phát triển bình đẳng, nhân văn, có bản sắc và bền vững. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, cần xác định rõ các chỉ số, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa ở từng giai đoạn để văn hóa thật sự trở thành nguồn lực nội sinh cho
quá trình phát triển đất nước.

Lấy thí dụ, khi chúng ta xây dựng hồ sơ Hà Nội - Thành phố sáng tạo thì một trong những khâu khó khăn nhất chính là xác định đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển của Hà Nội. Hoặc khi tham gia viết báo cáo quốc gia về việc thực hiện Công ước 2005 của UNESCO về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, các chuyên gia Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn khi thiếu định lượng về sự phát triển của các lĩnh vực văn hóa.

Đồng nhất nhận định cần sớm xác định và xây dựng bộ chỉ số về văn hóa, các chuyên gia cho rằng, sự đóng góp của văn hóa trong bức tranh phát triển chung của đất nước không chỉ thể hiện ở lĩnh vực di sản, mà còn ở nhiều lĩnh vực khác nữa, đặc biệt là các ngành công nghiệp văn hóa, từ điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn đến mỹ thuật, du lịch văn hóa, quảng cáo, thời trang... Chúng ta sẽ không thể có được những giải pháp phát triển, sự đầu tư đúng tầm khi không biết lĩnh vực nào đang mạnh, lĩnh vực nào đang yếu, nguyên nhân vì sao.

Nhu cầu hợp xu hướng

Trong việc triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nhu cầu xác định đóng góp của các lĩnh vực phát triển công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển kinh tế nói riêng và sự phát triển chung của đất nước lại càng bức thiết. Việt Nam cũng đang triển khai thí điểm Bộ chỉ số văn hóa quốc gia vì sự phát triển bền vững do UNESCO khởi xướng để thực hiện chương trình nghị sự về mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. "Chúng ta được lựa chọn là một trong số tám quốc gia thực hiện thí điểm. Việc định lượng sự phát triển văn hóa rất quan trọng, qua đó để chứng minh đóng góp của lĩnh vực văn hóa vào sự phát triển chung của đất nước, từ đó có những quan tâm, đầu tư xứng đáng…", ông Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Như vậy, việc xây dựng bộ chỉ số văn hóa riêng của Việt Nam vừa là một nhu cầu quan trọng cho sự phát triển bền vững đất nước; vừa phù hợp xu hướng chung của thế giới. Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước cũng đã nhấn mạnh mục tiêu đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa. Chúng ta muốn chứng minh sức mạnh kinh tế từ văn hóa theo đúng tinh thần của Nghị quyết thì việc xây dựng bộ chỉ số văn hóa riêng của Việt Nam là một yêu cầu quan trọng.

Nhấn mạnh sự cần thiết phải lấp đầy những khoảng trống, các chuyên gia văn hóa cũng lưu ý, vì đây là những chỉ số thống kê ở quy mô quốc gia, nên không thể chia ra quá chi tiết. Do vậy, cần xác định một số chỉ tiêu quan trọng đối với sự phát triển của ngành, đồng thời cũng là những chỉ tiêu quan trọng đối với sự phát triển chung của nền kinh tế quốc gia. Bên cạnh danh mục thể hiện chi tiết việc sửa đổi, bổ sung chỉ tiêu quốc gia thì phải có thêm danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia phản ánh chính sách pháp luật trong thời gian gần đây cho lĩnh vực công nghiệp văn hóa.

Hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê của ngành. Theo đó, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Hà Nội xây dựng và thí điểm Bộ chỉ số văn hóa quốc gia vì sự phát triển bền vững. Ở quy mô địa phương thì đang triển khai thí điểm tại Thừa Thiên Huế. Đây là những tiền đề để xây dựng bộ chỉ tiêu thống kê riêng của Việt Nam, vừa đáp ứng nhu cầu của ngành, vừa phù hợp xu hướng chung của thế giới.