Báo chí với những thách thức hiện hữu

Suốt hàng trăm năm kể từ khi ra đời, báo chí có một vị trí vô cùng đặc biệt. Người ta từng gọi báo chí là "người gác cổng" - nghĩa là báo chí thích chọn thông tin nào đi qua cổng thì độc giả được đọc thông tin đó. Báo chí lên tiếng nghĩa là sự thật, ai cũng tin vào báo chí.

Nhưng báo chí của thế kỷ 21 đứng trước nhiều thách thức chưa từng thấy, mà nếu không giải quyết được thì báo chí sẽ mất niềm tin từ độc giả, khán thính giả - và thực tế là niềm tin đó đang giảm sút mạnh trong những năm qua. Theo báo cáo Edelman Trust Barometer 2022, niềm tin đối với truyền thông (bao gồm cả báo chí) đứng thấp nhất trong các thể chế của xã hội với 50 điểm, giảm 1 điểm so năm trước đó. Niềm tin đối với các nhà báo chỉ là 46 điểm, tuy tăng 1 điểm so năm 2021 nhưng vẫn nằm trong nhóm không được tin tưởng. Có đến hai phần ba trong số 36.000 người tại 28 quốc gia tham gia thăm dò ý kiến cho rằng họ bị lừa dối bởi các nhà báo, các lãnh đạo chính trị và lãnh đạo doanh nghiệp. Có rất nhiều thách thức khiến cho báo chí lâm vào tình thế khó khăn hiện nay.

Thách thức đầu tiên đối với báo chí trong kỷ nguyên kỹ thuật số chính là các nền tảng công nghệ. Các tập đoàn công nghệ khổng lồ như Facebook và Google - cùng với Amazon, Apple, Microsoft và một số công ty khác - đang ngày càng chiếm ưu thế trong việc định hình cách hoạt động của internet và từ đó gây ảnh hưởng đến cấu trúc của toàn bộ môi trường truyền thông kỹ thuật số.

Suốt 20 năm qua, dù luôn tâm niệm phải coi các nền tảng công nghệ vừa là bạn, vừa là thù với thuật ngữ "frenemy" để vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, thực tế là nhiều cơ quan báo chí ngày càng trở nên phụ thuộc các nền tảng công nghệ. Rốt cuộc, họ bị cuốn vào cuộc chơi do các công ty công nghệ sắp đặt, miệt mài chạy theo những thuật toán thay đổi liên tục, và đổi lại là chất lượng nội dung ngày càng giảm sút. Truyền thông đại chúng trong quá khứ cũng nỗ lực giành giật sự chú ý của người dùng, càng có nhiều người xem, người nghe thì càng tăng được doanh thu quảng cáo.

Nhưng báo chí ngày nay không thể nào cạnh tranh với mạng xã hội để giành sự chú ý của người dùng, thậm chí chính mạng xã hội với uy tín ngày càng giảm sút vì chất chứa quá nhiều thông tin độc hại đã làm cho uy tín chung của truyền thông ngày càng thê thảm. Thay vào đó, báo chí phải chủ động hợp tác với nhau để xây dựng cơ sở người dùng đủ lớn, duy trì mối quan hệ trực tiếp với độc giả, khán giả, thính giả, tranh thủ sự hợp tác với các nền tảng công nghệ nhưng không quá phụ thuộc vào họ để chịu thua thiệt trong công đoạn phát hành nội dung. Và kèm theo đó là thua thiệt về nguồn thu quảng cáo.

Thách thức thứ hai là tin giả tràn lan. Vấn đề này đã được cảnh báo nhiều năm qua, nhưng dường như các nỗ lực là chưa đủ để ngăn chặn cuộc khủng hoảng
fake news ngày càng trở nên nghiêm trọng, đặc biệt là trong thời gian hơn hai năm rưỡi đại dịch Covid-19 hoành hành toàn cầu. Sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ hiện đại, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo và các hệ thống robot tinh vi có khả năng viết bài, tạo hình ảnh và video sống động như thật (deepfake), thông qua sự phổ biến của mạng xã hội và xu hướng của người dùng dễ tin những nội dung tiếp cận qua mạng xã hội, dự báo sẽ khiến cho nạn tin giả còn nghiêm trọng hơn nữa trong thời gian tới.

Nhiệm vụ của báo chí không chỉ là nỗ lực đăng tải thông tin trung thực mà còn phải phát hiện và bóc trần tin giả, góp phần làm trong sạch môi trường thông tin trên internet. Báo chí phải chủ động tham gia nỗ lực nâng cao nhận thức của người dùng, đào tạo kỹ năng phòng tránh thông tin sai lệch, giả mạo, gây thù hận, đồng hành với cơ quan chức năng trong việc xây dựng khung pháp lý để hạn chế và xử lý việc phát tán tin giả của cả người dùng lẫn các nền tảng công nghệ.

Thách thức tiếp theo là tư duy công nghệ. Trong bối cảnh người dùng "di cư" sang các nền tảng digital và dần xa rời các nền tảng truyền thống, các chuyên gia đã khẳng định rằng báo chí bắt buộc phải "chuyển đổi số hay là chết". Nhiều lãnh đạo các cơ quan báo chí ở Việt Nam vẫn loay hoay với câu hỏi: có cần chuyển đổi số không, chuyển đổi số có tốn kém không, nên bắt đầu từ đâu? Có những cơ quan báo chí vẫn đang có thái độ "chờ xem", thậm chí yêu cầu các cơ quan chức năng phải có biện pháp hỗ trợ, trong khi chuyển đổi số muốn hiệu quả phải bắt nguồn từ chính nhu cầu tự thân của mỗi cơ quan báo chí.

Nhưng chuyển đổi số không đơn giản là đầu tư thiết bị công nghệ và phần mềm hiện đại mà phải tạo ra những sản phẩm mới, quy trình sản xuất nội dung và kinh doanh mới, thậm chí tạo ra cả văn hóa mới trong tòa soạn. Phải đào tạo đội ngũ nhân sự có thể sử dụng thành thạo các công nghệ mới với những kỹ năng mềm cần thiết.

Thách thức thứ tư là sự đổi mới sáng tạo - được coi là chân kiềng thứ ba cùng với nội dung và công nghệ để giúp báo chí tồn tại và phát triển bền vững. Báo chí trong kỷ nguyên hiện tại phải tạo ra những sản phẩm mới để thu hút người dùng, nghĩ ra những cách thức kể chuyện hấp dẫn, kết hợp sự sáng tạo của con người với những công nghệ độc đáo. Đổi mới sáng tạo phải được lan tỏa trong mọi thể loại báo chí, từ báo in, phát thanh-truyền hình cho đến báo chí kỹ thuật số, trong mọi đơn vị của một tòa soạn, và ở mỗi cá nhân từ lãnh đạo cho đến từng phóng viên, biên tập viên, nhân viên của một cơ quan báo chí.

Chủ động tìm ra giải pháp riêng cho mỗi tòa soạn để đối phó những thách thức hiện hữu chính là cách để tăng cường sức mạnh cho báo chí, giành lại niềm tin của công chúng, và phát huy hiệu quả sứ mệnh của báo chí là cung cấp thông tin trung thực, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, dẫn lối cho người dân trong công việc cũng như cuộc sống của họ.