Bạn có nghiện like không?

Nghiện mạng xã hội hay “nghiện like” không phải một cách nói tu từ. Đó là một dạng rối loạn hành vi được nhiều quốc gia nghiên cứu nghiêm túc, và đưa ra phác đồ điều trị.

“Giữ cái đầu lạnh” trước khi chia sẻ một thông tin trên mạng xã hội.
“Giữ cái đầu lạnh” trước khi chia sẻ một thông tin trên mạng xã hội.

Khi nói đến “nghiện”, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến ma túy hoặc rượu cồn. Nhưng chỉ cần mở rộng suy nghĩ thêm một chút, ta phát hiện ra rằng “nghiện hành vi” là một thứ khá phổ biến. Có khả năng rất cao bạn quen biết một ai đó nghiện cờ bạc. Đó không phải là sở thích hay đam mê, mà là một dạng rối loạn. Họ không thể thoát khỏi vòng xoáy của những “con đề” hay lá bài, dù hoàn toàn nhận thức được nó hủy hoại cuộc đời mình như thế nào. Các nghiên cứu thần kinh chỉ ra chức năng não của họ đã bị biến đổi, và nó phụ thuộc vào các hành vi cờ bạc.

Mạng xã hội cũng có thể gây nghiện. Đáng tiếc là các nghiên cứu tâm thần ở nước ta còn quá mỏng, chưa chỉ ra được có bao nhiêu người Việt Nam đang “nghiện mạng xã hội”. Nhưng tỷ lệ này, theo nhiều ước tính, đang là 10% dân số Mỹ. Và các thống kê chỉ ra rằng dân Việt Nam cũng chẳng ngồi cắm mặt vào YouTube, Facebook hay TikTok ít hơn dân Mỹ bao nhiêu.

Nghiện mạng xã hội cũng giống nghiện chất kích thích hoặc nghiện cờ bạc. Nó dẫn đến biến đổi tâm trạng; các triệu chứng xa lánh xã hội; lặp đi lặp lại việc vào mạng; các vấn đề xung đột nội tâm… và ảnh hưởng đến cả ba khía cạnh sức khỏe của con người: sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần và sức khỏe xã hội. Chẳng ai có đời sống xã hội lành mạnh, nếu cứ cắm mặt vào cái điện thoại tám giờ mỗi ngày.

Để đáp ứng cơn nghiện, người ta có thể làm những việc gây hại. Trong xã hội Việt Nam, những câu chuyện về “bọn nghiện hút” đi trộm cắp của hàng xóm và chính gia đình, từ nồi niêu xoong chảo cho đến bát hương tổ tiên vốn đã trở thành truyền thuyết. Nhưng, chúng ta đang chuẩn bị hình thành những truyền thuyết mới, về “người nghiện like” sẵn sàng đăng bất kỳ cái gì miễn là có được tương tác trên mạng xã hội.

HỌ có thể chia sẻ tin giả. Người nghiện có thể không dành đủ thời gian hay lý trí để “tư duy phản biện” hoặc cân nhắc lợi hại trước khi bấm nút chia sẻ. Nếu nhìn thấy một thứ có thể tăng tương tác cho mình, cứ dẹp lý trí qua một bên mà “hít một bi” cho sảng khoái đã.

Họ có thể bịa đặt. Khi cơn nghiện lên cao, một người nghiện sẵn sàng làm những việc phi lý nhất miễn là đáp ứng nhu cầu của não bộ trước. Chúng ta không xa lạ điều này với những người nghiện cờ bạc hay ma túy.

Khi cơn nghiện lên cao, chia sẻ tin giả và bịa đặt tin giả có thể bất chấp cả luân thường. Hầu hết người tỉnh táo đều có thể nhận định: Việc đưa tin sai về F0, về những cái chết trong dịch Covid-19, về vaccine, về các lệnh giãn cách, có thể tạo ra ảnh hưởng tiêu cực thế nào đến cộng đồng - khi mà xã hội đang gặp nhiều khó khăn. Nhưng ở đây, trước cơn thèm tương tác mãnh liệt, rất ít người còn tỉnh táo. Gần đây nhất, người ta phát tán cho nhau thông tin về “một F0 có 5.000 F1 ở quận Đống Đa, Hà Nội” - khiến một thành phố đang nín thở và cố duy trì cuộc sống được thêm một lần hoảng loạn. Bao nhiêu người có thể mất thêm việc làm, trở nên cơ cực hay ra những quyết định không an toàn dựa trên các thông tin đó?

Họ có thể cư xử rất tiêu cực. Một người hiền như cục đất, nhưng trên mạng bỗng trở thành một kẻ hung hăng, đi bắt nạt, thóa mạ người khác, tham gia vào các “phiên tòa” kết tội ai đó trên mạng mà không cần biết bằng chứng. Trên mạng xã hội Việt Nam ngày nay, có thể gặp ngay cả những luật sư tên tuổi sẵn sàng viết bài thóa mạ cá nhân người khác - cho dù ngày thường, trên giảng đường hay trong phiên tòa, họ là người giữ các nguyên tắc khách quan của công lý. Lý do: vẫn là tương tác, vẫn là phải làm gì đó trên mạng. Làm gì cũng được.

Bản thân người viết bài này cũng là một người có hàng chục nghìn “người theo dõi” trên mạng. Và trong khoảng sáu năm qua, số lượt “like” trung bình cho mỗi bài viết luôn ở mức từ một nghìn đến một nghìn rưỡi. Khi bạn đã có nhiều tương tác như vậy, bạn cảm thấy mình quan trọng, cơ thể bạn tiết ra các hormone tốt, và cảm thấy sảng khoái, được xoa dịu. Trong cảm nhận cá nhân của người viết, nó giống hệt với cảm giác một người nghiện thuốc lá (chất kích thích) hút một điếu thuốc. Và thoát khỏi ham muốn có thêm tương tác là một việc cực kỳ khó khăn, nếu không muốn là đau khổ.

Bạn hẳn biết đến hình ảnh một người nghiện thuốc lá đi lục thùng rác giữa đêm khuya để tìm đầu mẩu còn sót lại, rít một hơi cho đỡ thèm. Cơn nghiện like cũng như vậy: Bạn muốn viết gì đó, đăng gì đó, muốn được tương tác với mọi người. Và trong cơn nghiện like, thì lục thùng rác vẫn còn là nhẹ. Người ta có thể làm những việc lố bịch hơn rất nhiều. Nói dối là bố mình chết để có like, cũng đã có bạn thanh niên thử qua.

TẠI nhiều quốc gia, đây là một dạng rối loạn được thăm khám và cần phác đồ điều trị. Các cơ sở “cai nghiện” được hình thành. Việc chăm sóc sức khỏe tinh thần tại Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu, nên việc mỗi người tự nhận thức về hành vi của mình và điều chỉnh nó là rất quan trọng.

Thách thức lớn nhất mà nhiều người trong chúng ta đang trải qua hằng ngày, lại không phải là tiền bạc hay các mối quan hệ xã hội, mà là việc làm sao đừng cầm cái điện thoại lên và lướt, bấm trong một trạng thái xuất thần.

Thách thức lớn nhất đôi khi chỉ là “không làm gì cả”. Có rất nhiều bi kịch với xã hội và bản thân có thể tránh được, nếu chúng ta tập luyện cách “không làm gì” trên mạng, ngừng nuông chiều cơn nghiện của bản thân.

Có một kinh nghiệm được nhiều người hút thuốc chia sẻ: Khó nhất, chỉ là nhịn 15 phút đầu tiên. Trong 15 phút đó, nếu cưỡng được cảm giác buộc phải hút ngay, lùng sục trong nhà hay chạy ra đầu ngõ, thì cơn thèm sẽ giảm bớt, và ta có thể sẽ không hút trong nhiều giờ đồng hồ tiếp theo. Như khi đã ngồi trên một chuyến bay dài mười mấy giờ của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam chẳng hạn.

Nếu trước mỗi thông tin trên mạng, hay là trước mỗi cơn “vật”, bạn có thể dừng lại dù chỉ 15 phút để làm việc khác thôi, điều đó có thể tạo ra thay đổi. Bạn nhìn lại, và thấy rằng đúng là cái tin này có vấn đề, mình không nên chia sẻ nó. Bạn ngẫm nghĩ, và thấy rằng điều kia là không nên viết ra vì nó gây hại cho bản thân và người khác, và bạn không làm nữa.

Đối mặt khó nhất là với bản thân mình. Hãy tự hỏi, rằng mình có nghiện like không?