80 năm viết báo, một kỷ lục

Năm nay bước sang tuổi 97, có lẽ ông là một trong những nhà báo cao niên nhất hiện nay. Sắp chạm ngưỡng trăm năm nhưng ông vẫn minh mẫn, sắc bén trong lập luận, hài hước, hóm hỉnh khi trò chuyện với một trí nhớ phi thường. Hằng ngày, ông tự sinh hoạt cá nhân, đọc báo, lên mạng xem tin tức... Ông là nhà báo Thái Duy.

Ảnh: Trần Hải
Ảnh: Trần Hải

Tôi may mắn được biết ông Thái Duy khi còn là một cậu bé vì ông là một trong những người bạn thân thiết nhất của cha tôi; là người góp phần tác thành cho cha mẹ tôi nên duyên vợ chồng. Tôi cũng sớm biết ông là nhà văn Trần Đình Vân, tác giả truyện Sống như Anh mà thời chúng tôi ai cũng được học. Nhưng biết ông Thái Duy là nhà báo nổi tiếng thì phải đến sau này, khi tôi đã dấn thân vào nghề báo.

Nhà ông ở đầu phố Lý Thường Kiệt, cách tòa soạn Báo Nhân Dân không xa nên thi thoảng tôi lại chạy sang chơi với ông. Đặc biệt từ sau khi cha tôi qua đời, tôi đến ông thường xuyên hơn. Nghe ông nói chuyện nghề, chuyện đời, hỏi ông những việc chưa biết, chưa rõ về thế hệ của các ông trong quá khứ, mà nếu không hỏi ông thì cũng chẳng biết hỏi ai.

Ông kể mình ham thích viết báo từ bé. Là tự viết, nghĩ sao viết vậy chứ không được học hành gì cả. Ngày ấy muốn vào nghề báo ngoài năng lực cá nhân thì lý lịch gia đình phải thuộc thành phần "cơ bản". "Bố tôi từng là công chức chế độ cũ, bản thân chẳng có vai vế hay quen biết ai, nên tôi chỉ biết tích cực viết bài gửi các báo. Tôi viết cả bằng tiếng Pháp và tiếng Việt. Ban đầu, chẳng báo nào chịu đăng. Mãi rồi vận may cũng đến. Người phụ trách trang phóng sự - bút ký báo Cứu Quốc bấy giờ là nhà văn Nam Cao. Báo Cứu Quốc lập thêm nhà xuất bản, ngoài in báo còn in cả sách. Tôi biết tin, bèn viết ngay một bài nhan đề là "Gặp gỡ", gửi đến cầu may. Nào ngờ bài được chọn đăng trang đầu tiên, tên bài còn được lấy làm tên cho cả cuốn sách! May thế! Ông Nam Cao gặp tôi, bảo: "Khi tao đã đăng bài của mày, thì từ nay mày cứ đến đây mà làm việc, không phải xin xỏ gì nữa!". Ông coi tôi như đứa em nên mới xưng hô thân mật như vậy".

Suốt chiến tranh chống thực dân Pháp rồi chống đế quốc Mỹ, ông là phóng viên chiến trường, đi hết chiến dịch này đến chiến dịch khác, cho đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Tính ra ông làm báo Cứu Quốc, rồi báo Giải Phóng gần 30 năm. Năm 1977, Cứu Quốc và Giải Phóng hợp nhất thành báo Đại Đoàn Kết, ông lại cống hiến thêm gần 20 năm nữa mới nghỉ hưu. Nghỉ hưu nhưng không nghỉ bút, ông tiếp tục làm "phóng viên dự thính" các kỳ họp Quốc hội. Cùng với những bài báo sắc sảo, trước mỗi kỳ họp Quốc hội, ông thường có thư ngỏ gửi các đại biểu về những vấn đề quốc kế dân sinh từ góc nhìn của một nhà báo dày tuổi nghề và từng trải đời sống. Thật khâm phục khi biết thời gian gần đây dù tuổi sắp chạm ngưỡng trăm, nhưng ông vẫn viết, chỉ có điều thưa hơn thôi. Như vậy, ông đã cầm bút liên tục khoảng 80 năm, một kỷ lục.

Trong lúc trò chuyện, ông hay kể về thời gian viết đề tài khoán "chui", cách gọi khoán sản phẩm cuối cùng đến hộ gia đình trong sản xuất nông nghiệp, vì thời ấy bị cấm nên nông dân phải làm chui. Để viết đề tài này, ông dành ra gần hai năm, đi khắp các tỉnh phía bắc như Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình… qua các tỉnh miền trung, vào tới tận Cà Mau. "Lúc ấy nhà tôi nghèo lắm. Mẹ tôi ốm mà tôi không có tiền đưa cho vợ. Vợ tôi có những hôm không dám vào viện thăm bà vì không có tiền mua nổi đồng quà. Khổ thế. Nhưng tôi cứ đi. Tình hình căng lắm, nhưng lúc này không bỏ rơi người nông dân được. Khi ấy tôi đã thấy, chỉ có ủng hộ khoán "chui" thì dân mới được no...". Người mà ông đặc biệt gắn bó thời kỳ này là nhà báo Hữu Thọ (nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân), bấy giờ là Trưởng ban Nông nghiệp của báo. "Hễ cứ gặp nhau là chúng tôi chỉ nói chuyện khoán chui". Hai ông cùng mối quan tâm chung về đổi mới nông nghiệp và đấu tranh cho sự ra đời chính sách khoán sản phẩm thay vì khoán việc cho người nông dân.

Đấu tranh với quan điểm bảo thủ, cũ kỹ, lạc hậu ở thời quan liêu, bao cấp vào "đêm trước đổi mới" cách đây hơn 40 năm là cuộc đấu tranh cam go đòi hỏi sự can trường, dấn thân mà bây giờ chúng ta khó có thể hình dung được. Vậy mà người đàn ông đã ngoài năm mươi tuổi, trong túi không có tiền lo cho mẹ ốm, vẫn hăng hái đi như thời trai trẻ, để viết hàng trăm bài báo về người nông dân và vấn đề cấp bách phải đổi mới cách làm nông nghiệp. Chỉ riêng về Thái Bình, ông viết ba bài! Nhà báo Hữu Thọ đánh giá: "Nhà báo hăng hái xông pha trận mạc, viết nhiều nhất trong số chúng tôi là Thái Duy". Một phần trong số những bài viết về thời kỳ ấy sau này được tập hợp in thành cuốn sách Khoán "chui" hay là chết (NXB Trẻ, 2013) mà ông vô cùng tâm đắc, "làm nhớ lại khúc mở đầu một chặng đường rất lý thú và cũng đầy sóng gió của những người làm báo đồng hành với công cuộc đổi mới đất nước" (Hữu Thọ, Nhân Dân hằng tháng số 192-4/2013).

Một nhà báo nữa ở Báo Nhân Dân mà Thái Duy có quan hệ công tác gần gũi là Thép Mới (nguyên Phó Tổng Biên tập báo). Khi tờ Giải Phóng của Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam ra đời (1964), ông và nhà báo Thép Mới được điều vào công tác tại tờ báo này. Một thời gian ngắn ông làm Phó Tổng Biên tập khi Thép Mới làm Tổng Biên tập báo Giải Phóng. Đây cũng là chức "quan báo" duy nhất của ông, còn cả đời làm báo ông chỉ giữ một "chức" phóng viên mà thôi. Ông nhiều lần nói với tôi: "Về nghề, tôi rất phục Thép Mới. Ông ấy không chỉ là niềm tự hào của riêng Báo Nhân Dân mà phải nói là của cả làng báo Việt Nam mới đúng".

Có lần tôi hỏi ông: "Sao ông không làm nhà văn?". Ông đáp ngay theo lối tự trào quen thuộc: "Trước hết vì tôi kém, tôi không có tài!". Tôi không chịu: "Chỉ với một Sống như Anh đã cho thấy điều ông nói không đúng". Ông trầm ngâm: "Nói thật, nếu tôi làm nhà văn thì tôi lo nông dân sẽ khổ. Vì tôi chỉ viết bênh vực người nông dân. Nông dân vĩ đại lắm, họ là những người ít chữ nhưng đã làm những người nhiều chữ phải thay đổi".

"Thưa ông, phẩm chất nào quan trọng nhất với người làm báo?" - "Nói và viết sự thật." - "Nhưng có những lúc viết sự thật thì chưa chắc đã được đăng?" - "Biết thế. Những vẫn phải viết. Sự thật."

Tôi lại hỏi ông điều mà có lẽ nhiều người còn chưa biết: "Trần Đình Vân là tên khai sinh của ông ạ?" - "Không. Bố tôi là Trần Duy Bích, tên tôi là Trần Duy Tấn. Thời chống Mỹ, trước khi đi B (tức vào chiến trường miền nam) ai cũng phải đổi tên, nên tôi lấy tên là Trần Đình Vân". "Thế còn bút danh Thái Duy?" - "Có một chiến sĩ bộ đội tên Duy, chiến đấu rất gan dạ, dũng cảm. Tôi rất thích anh này nên lấy tên viết báo là Duy, còn tên đệm Thái thì không có lý do gì đặc biệt."

Tầm này năm ngoái, tôi nhận được điện thoại của ông: "Cậu tìm giúp tôi tờ Nhân Dân hằng tháng được không? Mọi khi tôi vẫn mua ở sạp báo gần Thông tấn xã. Nhưng bây giờ Covid-19, phố xá bị phong tỏa hết rồi. Các tờ báo tháng ở ngoài này, tôi chỉ đọc mỗi tờ đó thôi!". Tôi hiểu đây là một lời khen. Ông than phiền: "Làng báo của ta thừa báo ngày mà lại rất thiếu các tờ báo tháng! Báo ngày thì phải cuống quýt theo thời sự, báo tháng mới có thời gian viết, đọc những điều kỹ lưỡng, ngẫm ngợi chứ". Tôi lễ phép thưa, ngày nào mình còn công tác ở báo thì mỗi tháng xin được gửi biếu ông một tờ hằng tháng. Ông bảo "thế thì quý hóa quá" rồi lại đùa: "Nhưng cậu cứ yên tâm, tôi năm nay 96 rồi!".

Tôi tò mò hỏi: "Những lúc không đọc, viết ông làm gì?" - "Nghe nhạc". Tôi ngó quanh, không thấy đài hay máy hát đâu. Ông hiểu ý, cười khà khà, mở máy laptop ra: "Đây nhé, mỗi hôm tôi nghe một loại, có khi nghe vài tiếng đồng hồ". Ông thành thạo nhấp chuột. Những làn điệu dân ca đồng bằng Bắc Bộ mượt mà vang lên, tiếp đến là những bài hát thời kháng chiến. Ơ, thì ra ông xài cả YouTube!

Tôi nhớ có lần ông gọi điện thoại cho tôi. Sau khi hỏi thăm sức khỏe mẹ tôi, ông bảo: "Năm nay tôi cũng đã 95 tuổi, 5 năm nữa tôi sẽ lại gọi điện thoại cho cậu!". Ông thường hài hước những câu ghê gớm như vậy! Đó là lời hẹn mà tôi tin rằng một người ngay thẳng như ông luôn nói thật.