Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Đại hội Thi đua yêu nước ngành tài chính

NDO -

Trong không khí phấn khởi, thi đua lập thành tích chào mừng các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành tài chính Việt Nam (28-8-1945 - 28-8-2020), chiều 31-10, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước ngành tài chính lần thứ V, giai đoạn 2021-2025; vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, dự và phát biểu ý kiến.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Độc lập hạng Nhất tặng ngành tài chính. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Độc lập hạng Nhất tặng ngành tài chính. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi lẵng hoa chúc mừng. 

Đại hội có chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, kỷ cương, đẩy mạnh phong trào thi đua, phấn đấu hoàn thành toàn diện nhiệm vụ chính trị xây dựng nền tài chính quốc gia hiệu quả, phát triển bền vững”.

Sự kiện được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa điểm cầu trụ sở Bộ Tài chính với 62 điểm cầu tại trên cả nước.

Đại hội cũng là dịp để tôn vinh, nhân rộng những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua (PTTĐ) yêu nước của ngành tài chính; chia sẻ những bài học kinh nghiệm, những cách làm hay, sáng tạo để áp dụng rộng rãi, tiếp tục làm cho PTTĐ của ngành ngày càng phát triển sâu rộng, thực sự là động lực thúc đẩy, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của ngành tài chính. 

Báo cáo chính trị và các ý kiến phát biểu tại Đại hội đã khẳng định, trong 5 năm qua, các PTTĐ yêu nước trong ngành tài chính đã có nhiều chuyển biến tích cực với nhiều nội dung, hình thức thi đua phong phú, mục tiêu thiết thực, bám sát các nhiệm vụ chính trị được giao và trở thành động lực to lớn góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị chung của ngành tài chính. Nhiều điển hình tiên tiến, nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo thông qua các phong trào thị đua đã được nhân rộng. 

Trong các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, có sức lan tỏa lớn, tạo động lực để cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành hăng hái thi đua lao động, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, qua đó góp phần quan trọng để ngành tài chính thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính ngân sách 5 năm giai đoạn 2016-2020 được Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao.

Trong giai đoạn 2016-2020, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, đất nước ta cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức, đặc biệt là dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn mọi mặt kinh tế - xã hội (KTXH). Trong bối cảnh đó, với vai trò khơi thông huyết mạch của nền kinh tế, toàn ngành tài chính đã phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực, thi đua phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. 

Ngành tài chính đã làm tốt vai trò tham mưu, chỉ đạo, điều hành tài chính ngân sách nhà nước (NSNN) bảo đảm hiệu quả; bội chi NSNN, nợ công được kiểm soát chặt chẽ trong giới hạn an toàn; tích cực phối hợp với các bộ, ngành quản lý, kiểm soát chặt chẽ giá cả thị trường, bảo đảm bình ổn giá, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện điều kiện kinh doanh; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Bộ Tài chính cũng đã đi đầu trong công tác đổi mới, sắp xếp tinh gọn bộ máy theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, qua đó đã góp phân nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ngành tài chính, đáp ứng và phục vụ kịp thời các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Những thành tích đạt được của ngành tài chính trong giai đoạn 5 năm vừa qua là “những bông hoa đẹp” trong các phong trào thi đua yêu nước của ngành tài chính, góp phần viết tiếp những trang sử mới, tô thắm thêm truyền thống của ngành tài chính.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của ngành tài chính là huyết mạch của nền kinh tế. Trong 5 năm qua, ngành đã đạt nhiều thành tích hết sức xuất sắc, có truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Đại hội này diễn ra trong bối cảnh nước ta đang tập trung hỗ trợ miền trung khắc phục hậu quả “lũ chồng lũ, bão chồng bão” chưa từng có 20 năm qua. Chính phủ đã thống nhất chỉ đạo ngành tài chính cùng các bộ, ngành tập trung mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cấp bách, giảm thiểu thiệt hại, sớm khôi phục cuộc sống của người dân, hoạt động KTXH. Cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân nỗ lực thực hiện mục tiêu kép: vừa phục hồi phát triển KTXH, vừa kiểm soát đại dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội, phấn đấu tăng trưởng dương, đặc biệt là chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Chúng ta cần tiếp tục hỗ trợ người dân. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, nhất là ngành tài chính nêu cao tinh thần trách nhiệm lo cho dân.

Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tài chính lần thứ V -0
(Ảnh: TRẦN HẢI) 

Thủ tướng nêu rõ, Đại hội này cũng là dịp ôn lại kết quả, thành tựu vẻ vang, khơi dậy truyền thống tốt đẹp, tinh thần quyết tâm vượt khó, niềm vinh dự tự hào, để toàn thể đội ngũ toàn ngành tài chính thi đua yêu nước bằng hành động thiết thực, không ngừng đổi mới sáng tạo, đóng góp cống hiến nhiều hơn nữa cho ngành, cho đất nước. Thực tế suốt 75 năm qua, ngành tài chính đã luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, thực hiện tốt các PTTĐ yêu nước, bảo đảm nguồn lực trong đấu tranh, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. 

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao nỗ lực, những thành tựu mà ngành tài chính đạt được trong thời kỳ 2016-2020, biểu dương những kết quả cụ thể, thiết thực của các PTTĐ đồng bộ, hiệu quả, trọng điểm, trọng tâm của ngành tài chính, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành và nền kinh tế nói chung.

Thẳng thắn nêu một số tồn tại, hạn chế của ngành, Thủ tướng mong muốn ngành tài chính rà soát, chấn chỉnh thái độ đạo đức công vụ; đẩy mạnh các PTTĐ yêu nước, từng lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức không ngừng nỗ lực phấn đấu, đổi mới sáng tạo, vượt khó vươn lên, hoàn thành tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa mọi nhiệm vụ được giao. 

Thủ tướng nêu rõ, chúng ta chỉ còn hai tháng nữa kết thúc năm 2020, bước vào năm 2021, năm đầu của thời kỳ chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2021-2030, kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025, cùng với cả nước, ngành tài chính có nhiều cơ hội, tiềm năng phát triển, nhưng bối cảnh quốc tế thời gian tới đặt ra nhiều khó khăn, thách thức, dự báo tình hình khu vực, thế giới phức tạp khó lường; đại dịch Covid-19 còn hoành hành, gây suy thoái nghiêm trọng, nhiều lĩnh vực có thể ngưng trệ kéo dài. Bối cảnh đó đòi hỏi ngành tài chính phải nỗ lực, đẩy mạnh các PTTĐ yêu nước, tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm, nhất là chú trọng bảo đảm nguồn tài chính khắc phục hậu quả thiên tai miền Trung, phòng chống dịch Covid-19, bảo đảm cuộc sống của người dân, thúc đẩy phát triển KTXH; chuẩn bị tốt từ bây giờ thực hiện hiệu quả các giải pháp theo kế hoạch phát triển KTXH và dự toán NSNN năm 2021, kế hoạch phát triển KTXH 2021-2025, chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thủ tướng nhấn mạnh tư duy vì dân phục vụ của ngành tài chính cần được làm rõ hơn nữa, tư duy phát triển đất nước cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa. Đừng nghĩ rằng quản lý tài chính quốc gia là thu càng nhiều càng tốt, đừng nghĩ rằng phân bổ chỉ tiêu là sự ban phát, thay vào đó, chúng cần có tư duy rằng, thu thuế là thể hiện sự tín nhiệm, ủy thác của người dân đối với Chính phủ về chất lượng các dịch vụ công mà Chính phủ cung cấp. Chúng ta chỉ có thể tự hào rằng tỷ lệ thu NSNN cao thể hiện sự tín nhiệm của người dân đối với Chính phủ chứ không phải Chính phủ tận thu. Chính phủ và Bộ Tài chính phải có trách nhiệm làm sao những đồng tiền thuế của dân được chi tiêu thiết thực, hiệu quả nhất; phải đổi mới tư duy cách nghĩ, cách làm của cán bộ tài chính hòa nhịp chung với các ngành, các cấp cùng cả nước vững bước tiến lên, hiện thực hóa khát vọng của dân tộc, thu hẹp khoảng cách thế giới. Tư duy chiến lược của ngành phải thể hiện tầm nhìn vĩ mô, vì lợi ích tổng thể của nền kinh tế, vì lợi ích của đất nước, quốc gia, dân tộc; tài chính phải biết huy động, sử dụng tiền hiệu quả, “tiền đẻ ra tiền”; tài chính là kinh tế, nguồn lực, tiềm lực của đất nước, tài chính phải vì mục tiêu  thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững.

Để tiếp tục đi tiên phong, đóng góp nhiều hơn nữa, hiệu quả hơn cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, Thủ tướng đề nghị ngành tài chính tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và triển khai hiệu quả Chỉ thị số 34 của Bộ Chính trị, tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng; các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua khen thưởng; tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng đối với các PTTĐ; nâng cao trách nhiệm của cấp uỷ đảng, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, đẩy mạnh các PTTĐ yêu nước, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, hướng đến thực hiện mục tiêu thắng lợi toàn diện, nhiệm vụ tài chính, NSNN được giao, xây dựng nền tài chính quốc gia hiệu quả, phát triển bền vững.  

Trên tinh thần đó, Thủ tướng nêu những công việc trọng tâm mà ngành tài chính cần phấn đấu trong PTTĐ thiết thực, hiệu quả: 

Tiếp tục cải cách mạnh mẽ thể chế tài chính, NSNN, trong đó, tập trung hơn nữa cho công tác nghiên cứu, xây dựng chiến lược, chương trình đổi mới cơ chế, chính sách tài chính quốc gia phù hợp yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới; chú trọng xác định phù hợp các mục tiêu về tỷ lệ động viên và phân bổ hiệu quả các nguồn lực tài chính gắn với cơ cấu lại tài chính NSNN và nợ công, bảo đảm lợi ích tổng thể của đất nước trước mắt, trong trung và dài hạn.

Tập trung nghiên cứu, sớm đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi cơ chế phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi NSNN theo hướng bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách T.Ư theo đúng tinh thần Hiến pháp, các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội; phấn đấu đưa tỷ trọng của thu ngân sách T.Ư lên trên 60% tổng thu NSNN và tăng tỷ lệ chi NSNN, đặc biệt là chi đầu tư phát triển để dành nguồn lực cho hạ tầng trọng điểm quốc gia.

Có cơ chế phù hợp, khuyến kích tinh thần chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của chính quyền địa phương; tăng cường vai trò điều tiết, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương; xây dựng cơ chế tài chính phù hợp trình độ phát triển của các đô thị trung tâm, các vùng kinh tế trọng điểm, phát huy vai trò của các đầu tàu kinh tế của các trung tâm này. Thủ tướng giao nhiệm vụ cho ngành tài chính và các bộ, ngành liên quan sớm có cơ chế, chính sách phù hợp để khai thác và sử dụng nguồn lực tài chính từ đất đai, tài nguyên. Đây là nguồn lực rất lớn, cần có cơ chế tạo nguồn, huy động và sử dụng phù hợp với đổi mới phân cấp NSNN, để tạo nguồn lực, động lực nhất là kết cấu hạ tầng KTXH cấp quốc gia và địa phương.

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý tài chính, tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, chú trọng thúc đẩy xã hội hóa phù hợp, hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách, tạo môi trường bình đẳng, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa dịch vụ.

Ngành tài chính và các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ, quyết liệt, chỉ đạo đẩy nhanh sắp xếp, cổ phần hoá DNNN, thoái vốn, xử lý dứt điểm các dự án lớn thua lỗ kéo dài; nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động của các DNNN. Tiếp tục rà soát, nghiên cứu có cơ chế sử dụng hiệu quả, phù hợp các nguồn lực từ cổ phần hóa, thoái vốn, đầu tư trở lại phù hợp để hệ thống nhà nước giữ vị trí then chốt trong những ngành lĩnh vực trọng yếu.

Tiếp tục phát triển thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, các lĩnh vực dịch vụ kế toán, kiểm toán…; chú trọng các yếu tố thị trường, nâng cao hiệu quả kết nối thị trường, tăng cường cơ chế quản lý, giám sát công khai, minh bạch; mở cửa thị trường tài chính một cách hiệu quả, phù hợp công ước quốc tế.

Tiếp tục cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính, nhất là các ngành thuế, hải quan.

Tập trung thực hiện thiết thực các PTTĐ yêu nước; nhân rộng những tấm gương, điển hình tốt, nhân rộng toàn ngành, đổi mới công tác thi đua khen thưởng.

* Tại Đại hội, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Độc lập hạng Nhất tặng ngành tài chính.

Nhân dịp này, một số tập thể, cá nhân ngành tài chính vinh dự được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Nhất, hạng Nhì.