Các thị trường chờ đợi phiên họp của Fed

NDO -

Hiện sự chú ý của các thị trường  tập trung vào cuộc họp chính sách trong hai ngày 15 và 16-6 của Fed nhằm làm rõ hơn quan điểm của các nhà hoạch định chính sách về lạm phát gia tăng và chính sách tiền tệ trong tương lai.

(Ảnh minh họa: Reuters)
(Ảnh minh họa: Reuters)

Giá vàng châu Á giảm gần 1% trong phiên chiều ngày 14-6 (giờ địa phương) xuống mức thấp nhất trong hơn một tuần do đồng USD mạnh lên trong khi giới đầu tư chờ đợi kết quả cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến công bố trong tuần này khi giá cả tiêu dùng tăng gần đây được xem là yếu tố tạm thời.

Khép phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,9% xuống 1.860,44 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 4-6. Giá vàng kỳ hạn Mỹ giảm gần 1% xuống 1.862,20 USD/ounce.

Đồng USD tiếp tục ở gần mức cao nhất của một tuần so với giỏ tiền tệ chính, khiến vàng trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao tại sàn giao dịch OANDA, cho hay giá vàng có sự hỗ trợ ở mức 1.856 USD/ounce, song vàng cần được giữ trong phạm vi 1.840-1.845 USD/ounce để có thể giữ cho đà tăng đi đúng hướng.

Trong phiên giao dịch ngày 14-6 (giờ địa phương), giá dầu thô tại Mỹ đã có thời điểm tăng lên mức cao nhất trong gần 3 năm khi nhu cầu tiêu dùng đang phục hồi và các hạn chế nhằm phòng chống dịch Covid-19 được dỡ bỏ.

Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đã tăng lên mức 71,50 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 10-2018 và cao hơn khoảng 23 USD/thùng so với mức giá của tháng 1-2021.

Giá dầu thô đã gia tăng đều đặn kể từ đầu năm nay khi nhu cầu đi lại tăng trở lại.

Đến 6 giờ 15-6 (giờ Việt Nam), giá dầu WTI giao tháng 7 tăng 0,24 USD (0,34%), lên mức 71,12 USD/thùng.

Giá khí đốt trung bình ở Mỹ cũng đã tăng trong 8 tuần liên tiếp, đạt 3,07 USD/gallon trong phiên giao dịch 14-6.

Theo ông Patrick De Haan, trưởng bộ phận phân tích xăng dầu của trang web theo dõi nhiên liệu GasBuddy, giá khí đốt trung bình trên toàn nước Mỹ tiếp tục nhích lên khi giá dầu đạt 71 USD/ thùng, cao nhất kể từ năm 2018 và khi nhu cầu tiêu thụ xăng tiếp tục phục hồi.

Chuyên gia này cũng cho biết thêm rằng nhu cầu xăng tăng mạnh khi các bang và thành phố mở cửa trở lại có thể sẽ tiếp tục là yếu tố chính khiến giá xăng tăng, ngay cả khi sản lượng dầu tăng cao trong những tháng tới, đồng thời dự báo rằng với hầu hết nguồn cung bổ sung đang được tiêu thụ rất nhanh, giá khí đốt có thể sẽ ở mức cao trong tương lai gần.

Trong khi đó, người phát ngôn của Hiệp hội ô-tô Mỹ (American Automobile Association - AAA) Jeanette McGee, nhận định giá cả trong những tháng còn lại có thể sẽ đắt hơn, song nếu sản lượng dầu thô tăng như dự báo, thì có khả năng sẽ giảm nhẹ vào cuối mùa Hè này.

Bà McGee lưu ý rằng các tài xế Mỹ đang trả thêm trung bình 37% để đổ đầy bình so với hồi đầu năm 2021.

Trong tuần trước, số liệu cho thấy giá tiêu dùng tháng 5-2021 của Mỹ tăng mạnh, song các quan chức Fed đã nhiều lần nhấn mạnh rằng diễn biến lạm phát hiện tại chỉ là tạm thời.