NSƯT Thanh Tú:

Chúng ta cần dựng lại sân khấu bác học

Tôi được trò chuyện với NSƯT Thanh Tú (ảnh nhỏ) đúng trong những ngày giới sân khấu kỷ niệm dấu mốc 100 năm ra đời kịch nói Việt Nam, cũng là nơi bà đã gắn bó và cống hiến gần cả cuộc đời mình. Với bà, sân khấu là một thánh đường, ở đó, người nghệ sĩ đã cống hiến từng giây phút của cuộc đời bằng tình yêu, niềm đam mê dành cho nghệ thuật, cho cái đẹp.

Thế hệ chúng tôi sống chết với nghề (trong ảnh: NSƯT Thanh Tú và NSND Trọng Khôi trong vở Nữ ký giả).
Thế hệ chúng tôi sống chết với nghề (trong ảnh: NSƯT Thanh Tú và NSND Trọng Khôi trong vở Nữ ký giả).

Thế hệ chúng tôi sống chết với nghề

- 100 năm sân khấu kịch nói, hẳn sẽ gợi lại cho bà rất nhiều ký ức, bởi bà đã được sống và làm nghề trong thời điểm vàng son của sân khấu kịch nói Việt Nam. Và một trong những điều quan trọng làm nên dấu mốc vàng son ấy là sân khấu có một thế hệ diễn viên vàng như bà. Bà có thể cắt nghĩa được tình yêu của mình?

Chúng ta cần dựng lại sân khấu bác học -0
NSƯT Thanh Tú

- Thế hệ chúng tôi sống chết với sân khấu. 100 năm sân khấu Việt Nam thì tôi có 58 năm liên tục làm nghề, tôi yêu sân khấu, yêu nghệ thuật của tôi. Tôi đã đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu của mình. Tôi vào nghề từ năm 19 tuổi, có tên trong điện ảnh và bên sân khấu tôi cũng làm việc điên cuồng. Tôi có một vị trí nhất định trong nghệ thuật. Đến giờ phút này tôi vẫn chưa nghỉ. Hàng nghìn đêm diễn Tiền tuyến gọi, Âm mưu và tình yêu, Tanhia chỉ có một mình Thanh Tú lăn lóc trên sân khấu. Đồng nghiệp gọi tôi là "Võ Thị Sáu của sân khấu". Một sức làm việc khủng khiếp, chỉ vì đam mê. Tôi muốn chứng minh cho mọi người biết rằng, nghệ sĩ không phải là một bông hoa để cho đời thưởng thức mà họ làm việc thực thụ, cống hiến thực thụ bằng mồ hôi, nước mắt của mình và họ có tư cách thực thụ.

Chúng tôi yêu bằng cách trân trọng nghề của mình, đề cao nó lên ngang tầm cuộc sống. Ngày đó sân khấu là thánh đường còn nghệ sĩ là ông hoàng, bà chúa của sân khấu. Những nghệ sĩ đã làm nên "cơn địa chấn" của sân khấu Việt Nam như nghệ sĩ Trần Vân, Trần Kiếm, Hoàng Dũng, Minh Trang, Hoàng Cúc, Thanh Tú, giờ người còn, người mất... Cho nên tôi rất bất bình khi bây giờ, ai cũng có thể là diễn viên, danh hiệu nghệ sĩ cũng trở nên dễ dãi... Nhưng điều tôi buồn hơn vì bây giờ sân khấu chính kịch đã mất mát đi nhiều.

Tôi biết giữ và buông

- Theo bà, sân khấu chính kịch đang mất đi điều gì?

- Điều đáng buồn nhất là chúng ta đang mất khán giả, do cuộc sống đã thay đổi. Nhưng có lẽ, một phần, tôi thấy sân khấu bác học đã không còn mà nhường chỗ cho sân khấu đường phố, ngôn ngữ đường phố. Sân khấu đường phố và ngôn ngữ đường phố, lối nói nôm na mách qué đã du nhập vào sân khấu. Đó là điều khiến tôi trăn trở.

Ngày xưa, khán giả đến nghe và xem kịch. Bây giờ không còn là thời của Ánh sáng và Cổ điển nữa, nhưng ít nhất những lời lẽ của các tác giả phải được giữ lại. Ngôn ngữ văn học khác hẳn ngôn ngữ đời thường. Kịch của Lưu Quang Vũ viết có những đoạn rất buồn cười và đạo diễn Doãn Hoàng Giang đã rất duyên khi dựng những đoạn cười bông lơn như thế, nhưng là để chuyển tải tư tưởng của vở diễn, đó là một cách chơi, để người ta xem đã. Bây giờ, sân khấu kịch kiểu đó gần như vắng bóng. Cái sân khấu ngồi im phăng phắc, nuốt từng lời một không còn nữa, diễn viên diễn kiểu đó cũng không còn nữa. Riêng Nhà hát kịch Hà Nội vẫn còn giữ được ít nhiều chất hàn lâm, Nhà hát kịch Trung ương là sự khấp khểnh không nhất quán trong phong cách, còn Nhà hát Tuổi trẻ thì theo đường phố mất rồi. Buồn thay. Dần dần, diễn viên, rồi khán giả không còn biết thế nào là một tác phẩm sân khấu chuẩn mực.

- Nhưng nhiều người cho rằng, thời gian đã thay đổi, nhu cầu thưởng thức của khán giả cũng thay đổi. Sân khấu nếu không thay đổi sẽ chết?

- Mọi thay đổi là cần thiết, nhưng vẫn phải trên một nền tảng của chuẩn mực sân khấu, bởi nó thật sự là một thánh đường linh thiêng. Chúng ta không thể dễ dãi. Tôi nghĩ ngày nay cũng rất cần những nhân vật điển hình của văn học và sân khấu, như ngày xưa, khi nói đến trí thức ra trận, người ta nhắc đến Hương Giang trong Tiền tuyến gọi. Đặng Thùy Trâm ra trận cũng vì Hương Giang, Nguyễn Văn Thạc cũng nhắc đến Tiền tuyến gọi... Chúng ta vẫn có những diễn viên tài năng nhưng tác phẩm không đủ lớn, mặt khác, diễn viên không đủ kiên nhẫn làm nghề, họ muốn nổi tiếng ngay và luôn trong khi sân khấu đòi hỏi sự bền bỉ, phải có thời gian để ngấm.

- Vậy theo bà, để giữ lại sân khấu bác học ấy, chúng ta phải làm gì?

- Sân khấu kịch nói của chúng ta có lịch sử 100 năm, tôi khẳng định không có kiểu diễn ấy của sân khấu đường phố. Tôi đau đáu với tất cả những điều đó. Tôi nghĩ, rất cần sự chỉ đạo nghệ thuật chặt chẽ của nhà hát. Chúng ta có thể đi theo con đường của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, gây cười cho khán giả, nhưng đó là những tiếng cười sâu cay, có tư tưởng.

- Đến bây giờ bà vẫn làm việc say mê, điều gì khiến bà tận hiến cho sân khấu đến thế?

- Tôi sinh ra để làm nghề này. Vì thế, còn sức khỏe tôi vẫn còn làm việc. Tôi vẫn mang giấc mộng nuôi lại sân khấu bác học để khán giả xem và cảm thấy nó đẹp như thế nào. Ngoài ra, tôi vẫn đi đóng phim. Tôi luôn bận rộn và ơn trời, vẫn cho tôi sự minh mẫn để làm việc. Có thể ngoài đời, tôi là người lơ đễnh nhưng trong công việc, tôi không bao giờ phải học kịch bản, có những đoạn thoại từ xa xưa đến giờ tôi vẫn nhớ nằm lòng. Cho đến hôm nay, tôi tự hào đã sống độc thân một đời nhưng không phải dựa dẫm vào ai. Tôi vượt qua tất cả những khó khăn trong cuộc sống do yêu nghề, trân trọng nghề của mình. Và điều quan trọng nữa, tôi biết số phận của mình. Cuộc đời tôi có 10 số, tổng không đổi, cuộc đời không cho mình số về chồng, chỉ cho 5 số về con, 5 số về sức khỏe, sắc đẹp và tài năng. Vậy hãy chăm sức khỏe và tài năng đi, những cái kia mình buông.

- Xin cảm ơn cuộc trò chuyện của bà!