Chứng khoán lại “đỏ sàn”

Dòng tiền yếu, thiếu tin tốt làm bệ đỡ, nhóm cổ phiếu trụ không mang lại động lực dẫn dắt, trong khi khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất USD 0,75% treo lơ lửng… là những lý do khiến thị trường chứng khoán lại vừa trải qua một phiên giao dịch ảm đạm.

Nhà đầu tư còn thận trọng với những diễn biến của thị trường. Ảnh: BẮC SƠN
Nhà đầu tư còn thận trọng với những diễn biến của thị trường. Ảnh: BẮC SƠN

VN Index tiếp tục giảm

Sau bốn phiên giảm điểm liên tiếp từ ngày 9-13/6 khiến VN-Index “rơi” mất 80 điểm (tương đương 6,5%), ngày 14/6 chỉ số vừa hồi phục nhẹ ở mức 1.231,30 điểm (tăng 3,27 điểm) thì đến sáng 15/6 lại bất ngờ quay đầu giảm. Lực bán gia tăng trong khi lực cầu trong phiên chiều khá thận trọng khiến chỉ số trải qua nhiều pha trồi sụt mạnh, có lúc xuyên thủng mốc 1.200 và kết phiên ở mức 1.213,93 điểm (giảm 16,38 điểm), mức thấp nhất trong gần một tháng nay.

Đóng cửa, sàn HoSE có 93 mã tăng và 373 mã giảm (90 mã giảm sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 688,12 triệu đơn vị, giá trị 16.466,52 tỷ đồng, tăng 22,69% về khối lượng và 13,44% về giá trị so với phiên 14/6. Sàn HNX có 37 mã tăng và 172 mã giảm (32 mã giảm sàn), tổng khối lượng khớp lệnh đạt 69,35 triệu đơn vị, giá trị 1.412,22 tỷ đồng. Sàn UPCoM có 80 mã tăng và 217 mã giảm, tổng khối lượng khớp lệnh đạt 55,4 triệu đơn vị, giá trị 1.195 tỷ đồng.

Trong rổ VN30, chiếm áp đảo là 22 mã giảm, trong đó SSI và GVR nằm sàn, PLX và POW cùng giảm 4,9%, CTG và HPG giảm 3%...

Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán bị bán tháo ồ ạt khiến hàng loạt mã giảm kịch sàn: APG (7.130 đồng), BSI (24.950 đồng), HCM (18.450 đồng), SSI (22.650 đồng), VIX (10.250 đồng), VND (19.450 đồng)…

Cổ phiếu thép cũng không mấy khả quan: HSG, NKG, TLH đều trong trạng thái dư bán sàn; HPG để mất 3%, POM giảm 4,4%, DTL giảm hơn 3%... Nhóm cổ phiếu bất động sản DIG, HBC, LDG, DRH, VPH, VCG, DXG, KHG… đều đóng cửa tại mức giá sàn.

Nhóm ngân hàng ngoại trừ SSB tăng hơn 3%, TPB nhích nhẹ, VPB giữ tham chiếu, còn lại đều mất điểm.

Trong khi đó, bộ ba cổ phiếu bán lẻ “lội ngược dòng” tăng, gồm MWG 147.700 đồng/CP (+2,9%), PNJ và FPT đều tăng hơn 1,6%, đóng cửa ở mức giá 118.000 đồng/CP và 90.500 đồng/CP. Ngoài ra, SAB tăng 1,3% lên 152.000 đồng/CP, cùng TPB và VIC hồi nhẹ.

Cá biệt có THD vẫn tăng trần 46.000 đồng/CP (+9,8%), SKG 14.400 đồng/CP (+6,67%), HOT 31.900 đồng/CP (+6,87%), EMC 25.000 đồng/CP (+6,84%)...

Nguyên nhân được cho là sau phiên bắt đáy khá tích cực hôm thứ hai 13/6 với thanh khoản 20,3 tỷ đồng, dòng tiền đã thận trọng trở lại, phản ánh tâm lý hồi hộp chờ thông tin FED điều chỉnh lãi suất. Theo dự báo, việc FED tăng lãi suất là điều khá chắc chắn trong bối cảnh lạm phát của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất 40 năm. Vấn đề chỉ là lần này FED sẽ tăng lãi suất 0,5% như mọi lần hay tăng lên 0,75%.

Nếu mức tăng 0,5%, thị trường hai ngày cuối tuần này có thể không quá u ám vì rủi ro đã được phản ánh phần nào trong các phiên giảm điểm vừa qua. Còn nếu mức tăng là 0,75% (cao nhất trong lịch sử 28 năm của FED) thì nhiều khả năng thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ sụt giảm mạnh.

Ngày 15/6, thị trường cũng đã có phản ứng đồng pha với rủi ro tăng lãi suất khi tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 9,37 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 171,51 tỷ đồng.

Trong nước, việc lãi suất huy động tăng trở lại khiến dòng vốn rẻ không còn dồi dào, thị trường lại thiếu động lực dẫn dắt như tin tốt vĩ mô, dòng tiền lớn, mã tốt kéo trụ… cũng khiến chỉ số nhanh chóng đuối sức.

Đề phòng rủi ro ngắn hạn

Trước diễn biến tiêu cực của thị trường, hàng loạt công ty chứng khoán đã phát đi thông điệp cảnh báo rủi ro trong ngắn hạn, khuyến nghị nhà đầu tư hạn chế bắt đáy, giữ trạng thái phòng thủ.

Theo đó, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đề nghị nhà đầu tư hạn chế mua dàn trải trong giai đoạn hiện tại. Theo VDSC, tâm lý của nhà đầu tư còn thận trọng, tín hiệu tốt và xấu đan xen, vùng 1.240-1.250 điểm nhiều khả năng vẫn sẽ gây sức ép cho đà hồi phục trong phiên tới. Do đó, nhà đầu tư vẫn nên quan sát kỹ động thái hỗ trợ cũng như áp lực bán của các dòng tiền và chờ đợi vùng bán với mức giá tốt hơn. Phương án được khuyến nghị là phòng vệ với tỷ trọng cổ phiếu thấp hơn 50%.

Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) và Công ty Chứng khoán MB (MBS) đều bảo lưu quan điểm thận trọng với diễn biến ngắn hạn và nhà đầu tư cá nhân nên chọn phương án phòng vệ với tỷ trọng cổ phiếu dưới 50% tài khoản. MBS dự báo, thông điệp của dòng tiền là ưu tiên lựa chọn các cổ phiếu riêng lẻ, các nhóm cổ phiếu tăng ở phiên này có thể là địa chỉ của dòng tiền trong bối cảnh thị trường vẫn còn chịu tác động từ chứng khoán thế giới.

Trong khi đó, nhóm quan điểm trung dung hơn gồm Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) và Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) để ngỏ hai kịch bản cho VN-Index và khuyến nghị nhà đầu tư theo sát diễn biến thị trường trước khi ra quyết định.

Theo VCBS, trong kịch bản tích cực thì VN Index sẽ tích lũy trở lại, tạo xu hướng điều chỉnh theo dạng sóng phẳng và dao động trong vùng điểm 1.230-1.300 điểm. Ngược lại, nếu diễn biến tiêu cực vẫn tiếp diễn, VN Index sẽ có khả năng lui về vùng đáy cũ 1.170 điểm.

KBSV thì cho rằng, diễn biến hiện tại để ngỏ cơ hội mở rộng nhịp hồi phục trong những phiên tới, nhưng chưa đủ để loại bỏ rủi ro quay xuống test lại hoặc chớm phá đáy một lần nữa, nhìn chung nguy cơ giảm trở lại vẫn khá lớn.

BSC khuyên nhà đầu tư cần theo dõi quyết định của FED sau cuộc họp hai ngày 15-16/6. Theo đó, tốc độ tăng lãi suất hơn mức dự kiến trước đây là 0,5% được coi là tín hiệu tiêu cực với thị trường.