Chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị của di tích

Ban Văn hóa-Xã hội của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa có cuộc khảo sát một số di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan kiến trúc… trên địa bàn thành phố. Tại di tích khảo cổ học cấp quốc gia Lò gốm Hưng Lợi ở phường 16, Quận 8, đoàn khảo sát đã hết sức bàng hoàng khi nhìn thấy hiện trạng tại đây.
0:00 / 0:00
0:00

Di tích Lò gốm Hưng Lợi được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận di tích khảo cổ học quốc gia vào tháng 4/1998 với tổng diện tích khoảng 50 nghìn mét vuông. Tuy nhiên, hiện tại khu vực lõi bảo vệ nghiêm ngặt (rộng khoảng 836m2) và khu vực bao quanh (rộng khoảng 10.000m2) đã bị đào bới, san lấp, trồng cây xanh và hơn 100 căn nhà của người dân đang tồn tại. Cùng với đó, mái che khu vực khai quật đã bị sập, nền di tích mọc nhiều cỏ dại và trong tình trạng ngập úng…

Nhiều di tích khác cũng lâm cảnh tương tự. Đình Tân Túc (thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh), di tích văn hóa-lịch sử cấp thành phố đang đối mặt nguy cơ sập bất cứ lúc nào. Hiện, phần lớn cấu trúc cột, kèo, rui, tường ngăn, mái ngói… của ngôi đình hơn 100 tuổi này đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng; nền đình thường xuyên bị ngập sâu trong nước khi trời mưa lớn hoặc thủy triều sông Chợ Đệm dâng lên (do nền đình thấp hơn mặt đường gần 1m)…

Có thể nhận thấy, tình trạng xuống cấp, thiếu tu bổ, bị lấn chiếm, xâm hại… ở các di tích lịch sử, văn hóa… chủ yếu do chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan thiếu quan tâm, buông lỏng quản lý. Cùng với đó, do để xảy ra tình trạng lấn chiếm, khiếu nại kéo dài hoặc chưa thực hiện được công tác giải tỏa, đền bù cho nên các cơ quan, đơn vị chức năng không triển khai được dự án trùng tu, tôn tạo di tích như mong muốn.

Ở không ít di tích, dù đã được cơ quan chức năng công nhận nhiều năm nhưng vẫn chưa thành lập được ban quản lý di tích và lập dự án để trùng tu, bảo tồn. Hệ lụy là công tác quản lý, lập và triển khai dự án bảo tồn, phát huy giá trị di tích gặp nhiều khó khăn, trở ngại hoặc gần như không có kết quả tích cực gì.

Những di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan kiến trúc… là những di sản vô giá và cần được gìn giữ, bảo tồn cho hôm nay cũng như tương lai. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần sớm thống kê, phân loại, đánh giá… qua đó, xác định được bức tranh toàn bộ hệ thống di tích, cảnh quan kiến trúc… trên địa bàn thành phố từ đó có phương án quản lý, bảo tồn hiệu quả.

Để khắc phục những bất cập, tiêu cực và làm tốt hơn công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa…, trước hết cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan và chính quyền địa phương. Cùng với đó, cần xử lý nghiêm những cơ quan, đơn vị và cá nhân có trách nhiệm, liên quan việc để xảy ra tình trạng xuống cấp, xâm hại, lấn chiếm… di tích. Đồng thời, cần tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan, nhất là người đứng đầu, trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.

Đối với những di tích đang bị người dân xâm hại, lấn chiếm, các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương liên quan cần sớm thực hiện các giải pháp phù hợp, khả thi để giải quyết dứt điểm; trả lại hiện trạng ban đầu đầy đủ và triển khai dự án khôi phục, tu bổ, tôn tạo. Công tác bảo tồn cần phải được gắn kết chặt chẽ với việc phát huy giá trị của di tích thông qua các hoạt động như tham quan, du lịch, quảng bá bằng nhiều hình thức và phương thức… ■