Ngay sau đó, bức tranh về một góc phố rực rỡ nắng và sắc mầu kèm bài viết “Nơi tuổi 17 hẹn” của Trương Quý được trưng bày trong triển lãm “Tranh minh họa trên Nhân Dân hằng tháng” tổ chức ngay dưới bóng rợp của cây đa cổ thụ ở sân 71 Hàng Trống ngày cận Tết đầy sức cám dỗ, hút ánh nhìn.
Nhân Dân hằng tháng từ khi làm bộ mới đã đặt mục tiêu trước hết phải Đẹp. Cái mới dễ nhận diện nhất là hình thức, và cũng y như con người, đã qua thời có thể tự xuề xòa ve vuốt theo lối tư duy dễ dãi kiểu “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, trang báo đẹp sẽ níu mắt độc giả dừng lại ở các bài viết hay... Nhân Dân hằng tháng đã kết nối, quy tụ được đội ngũ các họa sĩ đúng nghĩa “hot” bậc nhất đương thời cùng cộng tác, chăm chút cho mỹ thuật từng số báo. Ngay các số báo đầu tiên bắt đầu của hành trình thay đổi, các họa sĩ Vy Kiến Thành, Thành Chương, Lê Thiết Cương, Hoàng Phượng Vỹ... đã đồng hành, sâu sát và đồng tâm đến tận giờ. Họa sĩ Lê Thiết Cương, dù đắt “sô”, bận rộn, vẫn nhiệt tình hết mức. Không chỉ cáng đáng một chuyên mục khá có “gu” - Thấy, họa sĩ Lê Thiết Cương đôi khi còn ngồi cùng họa sĩ trình bày, tư vấn sâu sát từng chi tiết nhỏ, giúp trang báo đẹp nhất có thể. Những họa sĩ vốn kín tiếng, ít xuất hiện trong đám đông, luôn từ chối sự đề nghị “lên báo”, “lăng xê” như Phạm Luận, Hồng Việt Dũng, Đặng Xuân Hòa... cũng bước ra khỏi nguyên tắc của mình để vẽ cho Nhân Dân hằng tháng. Và các họa sĩ, dù nức tiếng tới đâu, dù giá tranh được thị trường định mức kỷ lục tới đâu, vẽ cho Nhân Dân hằng tháng cũng đều nghiêm ngắn đường hoàng trên giấy, với bút và mầu chứ ít ai tiện thể cậy nhờ các tiện ích công nghệ để chỉ hiện hình trên máy tính. Cũng ít ai chối từ khi ấn phẩm ngỏ lời mời, dù công việc sáng tạo thường ngày của những họa sĩ hàng đầu luôn quá là bộn bề ngồn ngộn.
![]() |
Minh họa : Đặng Tiến
Chủ quan theo đánh giá của nhiều người, Nhân Dân hằng tháng đã ngày một vào mắt hơn, ưa nhìn hơn, và mỗi lúc lại một kết giao được với nhiều hơn các họa sĩ gạo cội. Ngay cả bậc lão làng mai danh ẩn tích nhiều năm Nguyễn Tư Nghiêm cũng vẽ tranh ngựa cho ấn phẩm trong số Tết Giáp Ngọ 2014. Sự xuất hiện trở lại của người duy nhất còn với đời trong tứ đại danh họa “Nghiêm, Liên, Sáng, Phái” tạo nên những râm ran nho nhỏ ngay trong giới mỹ thuật. Nhiệt tình vô điều kiện, họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ, một người bạn của Nhân Dân hằng tháng, luôn có mặt khi nhận được lời đề nghị, bất kể vẽ bìa, một sự rụt rè may mắn được Ban Biên tập bật đèn xanh, đưa tranh vẽ lên bìa báo, hay làm đẹp cho các trang thơ và thật nhanh gọn khẩn trương vẽ bù cho một minh họa nào đó bị đổ. Hoàng Phượng Vỹ còn nồng nhiệt buộc Phạm Luận phải “lộ sáng” hay kéo Đỗ Hoàng Tường xích từ TP Hồ Chí Minh gần hơn Hà Nội, chung sức tạo nên một thế giới minh họa không lẫn vào đâu của Nhân Dân hằng tháng: Chững chạc, sang trọng và tươi mới. Họa sĩ Đinh Quân sẵn sàng vẽ cả ba, bốn phiên bản cho chỉ một truyện ngắn để “tòa soạn chủ động lựa chọn”. Họa sĩ Đặng Tiến (ở Hải Phòng), Đào Hải Phong, Phạm An Hải, Nguyễn Thị Hiền, Bùi Mai Hiên, Lê Trí Dũng, Lý Trực Dũng và những tên tuổi trẻ hơn, đang dồi dào sức vóc như Doãn Hoàng Lâm, Trương Tiến Trà... tề tựu, cùng làm nên những trang báo đẹp.
Bốn năm đổi mới, Nhân Dân hằng tháng vẫn nhọc nhằn trên con đường định vị mình trở thành một “giai phẩm đáng đọc”, như lời chúc phúc, gửi gắm của lão họa sĩ tài danh Nguyễn Tư Nghiêm. Đáng đọc, đáng để trân trọng lưu thành bộ sưu tập, đóng quyển gác trên giá sách gia đình, Nhân Dân hằng tháng được hình thành và nên tấm nên hình chính nhờ sự cộng tác góp thành của các cộng tác viên, những văn sĩ trí thức, những gương mặt đang làm nên diện mạo của đời sống văn hóa nghệ thuật đương đại. Và cũng nhờ cái tình, sự cầu thị, biết nâng niu, tôn lên những giá trị đích thực trong đời của chính những người thực hiện đổi mới ấn phẩm, theo chỉ đạo sát sao của Ban Biên tập, đã kích thích trở lại cho sự nhiệt tâm cùng sáng tạo...
Nhân Dân hằng tháng
được hình thành và nên tấm nên hình chính nhờ sự cộng tác góp thành của các cộng tác viên, những văn sĩ trí thức, những gương mặt đang làm nên diện mạo của đời sống văn hóa nghệ thuật đương đại.