Chủ rừng mòn mỏi đợi... tiền rừng!

Mấy năm nay, hàng trăm chủ rừng ở huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã bỏ công bảo vệ, chăm sóc hơn 10 nghìn ha rừng, nhưng chưa nhận được tiền công từ dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Điều này không chỉ khiến các chủ rừng thiếu nguồn lực đầu tư trang, thiết bị, dụng cụ tuần tra, bảo vệ rừng mà còn đẩy nhiều trưởng bản, tổ trưởng tổ bảo vệ rừng vào tình cảnh trớ trêu, khi mỗi ngày người trong bản gặp họ đều hỏi: “Khi nào có tiền rừng về…?”!
0:00 / 0:00
0:00
Trưởng bản Mường Pồn 2 Quàng Văn Trưởng cung cấp thông tin cho phóng viên.
Trưởng bản Mường Pồn 2 Quàng Văn Trưởng cung cấp thông tin cho phóng viên.

Ngày nào bà con cũng hỏi… tiền rừng!

Đón chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ ở cuối bản Cò Chạy 2 thuộc xã biên giới Mường Pồn, Trưởng bản Tòng Văn An buồn bã nhắc số tiền công bảo vệ rừng tồn quỹ nhiều năm qua. Vừa đưa cho chúng tôi cuốn “Hồ sơ rừng cộng đồng, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên”, ông Tòng Văn An, vừa nói: Theo Quyết định số 2742/QĐ-UBND ngày 23/10/2008 của UBND huyện Điện Biên, bản Cò Chạy 2 được giao quản lý, bảo vệ 408,5ha; kèm theo Quyết định, bản được nhận “Hồ sơ rừng cộng đồng” trong đó có thống kê đặc điểm khu rừng giao cho cộng đồng ghi rõ diện tích, loại rừng, trạng thái rừng và trữ lượng… Khi chính sách hỗ trợ công bảo vệ từ quỹ DVMTR có hiệu lực thì từ năm 2012-2017, khu rừng bản Cò Chạy 2 được hưởng tiền công bảo vệ từ quỹ rừng, số tiền trung bình hơn 200 triệu đồng/năm. Với bà con dân bản Cò Chạy 2, số tiền ấy được sử dụng vào nhiều việc có ý nghĩa.

Tiếp lời ông An, Tổ phó tuần tra bảo vệ rừng bản Cò Chạy 2 Lò Văn Yên, nói chi tiết cách phân chia, sử dụng tiền bảo vệ rừng. Ông Yên cho biết: Dân bản thống nhất, mỗi năm trích lại 10% phục vụ hoạt động của tổ tuần tra bảo vệ rừng; phần còn lại chia theo công đóng góp của từng gia đình trong bản. Tính trung bình, mỗi gia đình được nhận từ 3-5 triệu đồng/năm. “Dù không nhiều, nhưng nhờ số tiền ấy bà con có điều kiện mua thêm vật dụng phục vụ sinh hoạt và mua thêm đồ dùng học tập cho trẻ nhỏ. Cũng nhờ có tiền rừng, người dân bản Cò Chạy 2 đã tự nguyện góp sức chăm sóc, bảo vệ rừng, không tùy tiện vào rừng đào măng, đốt lửa lấy ong hay phá rừng làm nương nữa”, ông Yên cho biết thêm.

Nhưng từ năm 2017, người dân bản Cò Chạy 2 nhận thông tin là tạm thời chưa được nhận tiền rừng vì… chưa có bản đồ giao đất, giao rừng. Trưởng bản Tòng Văn An nhiều lần ra xã hỏi bản đồ giao đất giao rừng thì được trả lời: “Việc này do huyện”. Mỗi lần đại biểu HĐND huyện về xã tiếp xúc cử tri, ông An đều kiến nghị cơ quan chức năng của huyện sớm giải quyết hồ sơ thủ tục để dân bản Cò Chạy 2 được nhận tiền rừng như các bản lân cận. Cứ như thế, năm này qua năm khác, đại biểu về rồi đại biểu lại đi mà kiến nghị của người dân bản Cò Chạy 2 còn nguyên đó. Để rồi, suốt từ năm 2017 đến hết 2021, tiền công bảo vệ rừng của bản Cò Chạy 2 tồn quỹ đã lên tới 724 triệu đồng, trong khi hàng trăm người dân đã góp công bảo vệ rừng ngày ngày vẫn… đỏ mắt mong!

Chung tình cảnh với bản Cò Chạy 2, cũng từ năm 2017 đến nay, người dân bản Mường Pồn 2 chưa được nhận số tiền hơn 1,3 tỷ đồng. Ông Quàng Văn Trưởng, Trưởng bản Mường Pồn 2, cho biết: Theo Quyết định 2741/QĐ-UBND ngày 23/10/2008, bản Mường Pồn 2 được giao quản lý bảo vệ 786,89ha rừng phòng hộ; kèm theo Quyết định 2741 bản Mường Pồn 2 cũng được giao “Hồ sơ rừng cộng đồng” có đầy đủ thông tin chi tiết về khu rừng được giao bảo vệ. Trước năm 2017, người dân trong bản đều được nhận tiền công bảo vệ rừng khoảng 6-7 triệu đồng/gia đình/năm, bà con phấn khởi lắm. Nhiều gia đình đã tự nguyện bỏ sản xuất trên nương để có thời gian tuần tra bảo vệ rừng. Vậy nhưng từ năm 2017 đến nay người dân bản Mường Pồn 2 chưa được nhận tiền rừng, rất khó khăn.

Trưởng bản Mường Pồn 2 Quàng Văn Trưởng nói thêm như để giãi bày: Đất nương không, đất ruộng ít, 16 gia đình nghèo và cận nghèo trông đợi tiền rừng để mua lương thực trong tháng ba ngày tám. Mấy năm nay không có, nhiều gia đình rất khó khăn. Bởi thế, ngày nào gặp tôi bà con cũng hỏi: “Có tiền rừng chưa?”, “Sao lâu thế?”… Bà con vì quá thiếu thốn, khó khăn mới hỏi nhiều như thế. Nhưng khi tôi đi hỏi tiền rừng, có ai hiểu cho đâu!

Chủ rừng mòn mỏi đợi... tiền rừng! ảnh 1

Thành viên Tổ bảo vệ rừng bản Cò Chạy 2 bàn thảo kế hoạch tuần tra, bảo vệ rừng.

Vướng mắc vì đâu?

Đem những băn khoăn, trăn trở của người dân các bản Cò Chạy 2, Mường Pồn 2 trao đổi với cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Điện Biên, chúng tôi được biết không riêng cộng đồng hai bản này, mà trong huyện Điện Biên hiện còn… 356 chủ rừng chưa được nhận tiền DVMTR; số tiền tồn quỹ tính lên đến hơn 5,2 tỷ đồng.

Ông Lò Văn Hùng, cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên, cho biết: Trong số 356 chủ rừng chưa được nhận tiền rừng ở huyện Điện Biên có 271 chủ rừng chưa mở tài khoản; 73 chủ rừng chưa được điều chỉnh tên thôn, bản theo Quyết định số 768/QĐ-UBND ngày 15/8/2019 của UBND tỉnh về việc sát nhập, đổi tên thôn, bản; 2 chủ rừng chưa đúng đối tượng; 3 chủ rừng chưa có quyết định và bản đồ giao đất, giao rừng; 261 chủ rừng có sai khác thông tin giữa quyết định và bản đồ giao đất, giao rừng. Trường hợp bản Mường Pồn 2, Cò Chạy 2 là thuộc nhóm chủ rừng chưa có quyết định và bản đồ giao đất, giao rừng.

Hỏi thêm ông Lò Văn Hùng: “Vì sao trước năm 2017 bản Mường Pồn 2, Cò Chạy 2 đều được nhận tiền DVMTR, nhưng từ năm 2017 trở lại đây không được nhận nữa?”, chúng tôi được giải thích: Trước năm 2017, một chủ rừng được nhận tiền DVMTR chỉ cần có quyết định giao đất, giao rừng và xác nhận rừng đủ điều kiện của Hạt Kiểm lâm. Song từ khi Nghị định 156/2018/NĐ-CP, ngày 16/11/2018 của Chính phủ được ban hành thì điều kiện hưởng DVMTR với chủ rừng thay đổi. Theo quy định cụ thể tại khoản 1, Điều 61 Nghị định 156/2018/NĐ-CP, ngày 16/11/2018 của Chính phủ, chủ rừng phải có quyết định giao đất, giao rừng và bản đồ giao đất do cơ quan có thẩm quyền cấp mới được hưởng tiền DVMTR. Với trường hợp của bản Cò Chạy 2, Mường Pồn 2 và ông Mùa A Sấu ở xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên) là các chủ rừng được giao đất, giao rừng, nhưng thời điểm giao không có quy định buộc việc giao đất, giao rừng phải có tờ bản đồ, nên đối chiếu theo Nghị định 156, các trường hợp này lại không đủ điều kiện.

Như vậy tình trạng trên là do vênh quy định pháp luật giữa các thời điểm; đồng thời hoàn thiện thủ tục chi tiền DVMTR cho cộng đồng bản Cò Chạy 2, Mường Pồn 2 và các chủ rừng khác do sai khác thông tin giữa quyết định và bản đồ giao đất, giao rừng trong địa bàn huyện Điện Biên. Để tháo gỡ vướng mắc, ngày 13/9/2021, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã làm việc với lãnh đạo UBND huyện Điện Biên và đại diện các đơn vị: Hạt Kiểm lâm, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Quản lý đất đai huyện Điện Biên. Các bên đã thống nhất UBND huyện Điện Biên sẽ báo cáo UBND tỉnh cho ý kiến giải quyết các vướng mắc về hồ sơ do các quy định của pháp luật về giao đất, giao rừng và chính sách chi trả DVMTR chưa đồng nhất.

Ngày 9/11/2021, ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên đã ký Văn bản 2407/UBND-TNMT báo cáo UBND tỉnh Điện Biên về việc không đồng nhất giữa quy định giao đất, giao rừng (thời điểm năm 2013 trở về trước) với quy định chi trả DVMTR. Đến ngày 29/11/2021, UBND tỉnh Điện Biên đã có Công văn 3998/UBND-KTN, yêu cầu UBND huyện Điện Biên phải khẩn trương rà soát số liệu gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thống nhất tham mưu bổ sung nhiệm vụ vào nội dung Kế hoạch 2783/KH-UBND ngày 20/9/2019 của UBND tỉnh nhằm tổ chức thực hiện xây dựng bản đồ giao đất, giao rừng và cập nhật số lô, khoảnh, tiểu khu… bảo đảm theo quy định.

Chỉ đạo của UBND tỉnh Điện Biên rõ ràng là vậy, nhưng không hiểu vì lý do gì mà từ đó đến nay, việc đo đạc, làm bản đồ diện tích rừng của bản Mường Pồn 2, Cò Chạy 2 vẫn chưa hoàn thành. Trao đổi tiến độ đo đạc, lập bản đồ giao đất, giao rừng ở xã Mường Pồn với chúng tôi, ông Đặng Văn Tuấn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Điện Biên, nói rằng: Khó khăn lắm! Kinh phí đo đạc, lập bản đồ chưa được giao cụ thể nhưng Phòng vẫn đang cho đơn vị tư vấn đo đạc, lập bản đồ, sau đó kiểm tra, thẩm định rồi mới trình ký, ban hành.

Vậy là, hiện tại và rất có thể thêm nhiều tháng nữa, các chủ rừng ở huyện Điện Biên vẫn chưa được cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để nhận tiền DVMTR. Việc này không chỉ đáng tiếc mà còn rất đáng trách!