Chủ động, thay vì đối phó

Từ trước đến nay, các tuyển thủ Việt Nam luôn được đánh giá cao bởi sự khổ luyện và tinh thần vượt khó. Hơn thế, vận động viên khi giành thứ hạng cao thường sẽ lọt vào danh sách kiểm tra doping nên khả năng cố tình sử dụng chất cấm rất khó xảy ra. Mặc dù vậy, bất kể nguyên nhân là gì, một khi được đưa ra, các án phạt hoàn toàn có thể khiến họ đánh mất cả sự nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Đại hội Thể dục-Thể thao toàn quốc được tổ chức bốn năm một lần là sự kiện trong nước duy nhất thực hiện xét nghiệm doping, với số lượng vô cùng hạn chế.
Đại hội Thể dục-Thể thao toàn quốc được tổ chức bốn năm một lần là sự kiện trong nước duy nhất thực hiện xét nghiệm doping, với số lượng vô cùng hạn chế.

Thấp thỏm chờ đợi kết quả

18 giờ 30 phút ngày 13/5, hầu hết khán giả và đội ngũ tình nguyện viên tại Cung Thể thao Quần Ngựa đã ra về để theo dõi cuộc đọ sức giữa Đội tuyển U23 Việt Nam và Myanmar. Thế nhưng, không khó để nhận ra ở phía góc xa sàn thi đấu, một tuyển thủ khoác chiếc áo đỏ đang khư khư chai nước khoáng trên tay. Anh được lựa chọn ngẫu nhiên trong số các vận động viên để lấy mẫu kiểm tra doping. Dẫu vậy, hơn một giờ trôi qua từ thời điểm giành Huy chương vàng, chàng trai này vẫn chưa thể ra về mà phải cố gắng uống thêm nước với hy vọng sớm hoàn thành "nghĩa vụ". Ngay sát bên cạnh anh, đội ngũ nhân viên y tế kiên nhẫn chờ đợi...

Theo quy trình chuẩn của Tổ chức Phòng chống Doping Thế giới (WADA), vận động viên được chỉ định kiểm tra doping phải tự mình thực hiện việc lấy mẫu sau khi thi đấu, dưới sự giám sát chặt chẽ của nhân viên y tế. Công việc này đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối. Hai mẫu thử sẽ được niêm phong, dán nhãn và kiểm tra kỹ càng tên tuổi trước khi đóng gói gửi về địa điểm xét nghiệm. Tổng cộng hơn 900 mẫu thử đã được kiểm tra tại kỳ SEA Games 31 vừa qua.

Với những người làm thể thao, công tác phòng, chống doping vốn là nội dung trọng điểm được triển khai xuyên suốt, từ quá trình tuyển chọn, đào tạo cho tới huấn luyện. Bởi vậy, các trường hợp tuyển thủ nghi dương tính với chất cấm trong quá trình chuẩn bị và tham dự SEA Games 31 khiến làng thể thao nước nhà đặc biệt quan tâm, lo lắng.

Theo quy định, thời điểm trước và trong giai đoạn thi đấu, vận động viên phải tuân thủ quy tắc của đội ngũ y tế. Tất cả thuốc hay thực phẩm chức năng đều phải qua bộ phận chuyên trách đánh giá. Bởi vậy, cần phải làm rõ nguyên nhân tại sao vận động viên lại dương tính với doping, và trách nhiệm thuộc về ai?

Hiện tại, danh tính của các tuyển thủ sở hữu kết quả mẫu A dương tính với chất cấm vẫn được giữ kín. Một số cá nhân đã đề nghị phân tích mẫu B, nhưng vẫn phải chờ phòng thí nghiệm tại Thái Lan thực hiện công việc này vào tháng 11 tới.

Theo Phó Tổng cục trưởng Thể dục-Thể thao Trần Đức Phấn, thời điểm WADA thông báo chính thức, Tổng cục sẽ tổ chức họp báo về trường hợp các cá nhân "dính doping".

Từ nhận thức tới hành động

Cần phải nhấn mạnh, công tác xét nghiệm doping đòi hỏi phải có các trang thiết bị bảo đảm việc phân tích được tiến hành theo đúng quy chuẩn của WADA. Trên thế giới hiện có 29 trung tâm như vậy. Ở châu Á chỉ có Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan là những quốc gia sở hữu phòng thí nghiệm hiện đại, có hệ thống máy móc phát hiện được ít nhất từ 140 đến 160 chất cấm và đủ khả năng phân tích tối thiểu từ 300 đến 500 mẫu mỗi năm.

Thực tế, Trung tâm Doping và Y học thể thao ở nước ta chỉ có một thiết bị với khả năng phát hiện khoảng 40 chất cấm. Vì thiếu kinh phí, việc đầu tư hệ thống máy móc xét nghiệm cũng như công tác kiểm tra doping chưa được quan tâm sát sao. Đại hội Thể dục-Thể thao toàn quốc được tổ chức bốn năm một lần là sự kiện trong nước duy nhất thực hiện xét nghiệm doping, với số lượng vô cùng hạn chế. Mỗi năm, hàng trăm giải vô địch quốc gia đều bỏ ngỏ công tác kiểm tra chất cấm định kỳ.

Tổng Thư ký Liên đoàn Quần vợt Việt Nam Đoàn Thanh Tùng nhận định: "Công tác kiểm tra doping ở các giải quốc nội có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Chúng ta cần thực hiện việc này một cách thường xuyên để vừa tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức phòng, chống doping, vừa có khả năng phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm".

Bên cạnh đó, việc tăng cường giáo dục huấn luyện viên, vận động viên phải được tiến hành thường xuyên, không mang tính đối phó để tất cả luôn thật sự cảnh giác trong quá trình sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng. Hằng năm, WADA cũng liên tục bổ sung, cập nhật danh mục chất cấm và Việt Nam cần bám sát danh mục này để tuyên truyền tới thành viên các đội tuyển quốc gia.

Ở nhiều nước, các huấn luyện viên bắt buộc phải có chứng nhận tham gia khóa học phòng, chống doping mới được phép chỉ đạo tại các đấu trường lớn. Hay như Giải vô địch cầu lông trẻ thế giới cũng yêu cầu các vận động viên phải có chứng nhận đã hoàn thành lớp học truyền thông online về doping mới được tham gia tranh tài. Năm 2021, WADA đã có những hình thức xử phạt nghiêm khắc với Indonesia (không được phép tổ chức các đại hội thể thao lớn đến tháng 2/2022), do không thực hiện đầy đủ Bộ quy tắc chống doping. Thể thao Việt Nam nhiều khả năng sẽ nhận án phạt tương tự, nếu tiếp tục xem nhẹ vấn đề doping.

Thay vì cứ mãi bồn chồn, lo lắng mỗi khi thực hiện kiểm tra doping, thể thao Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua một cách đường hoàng, không chỉ bằng những giọt mồ hôi khổ luyện, mà đầu tiên là việc nâng cao nhận thức của bản thân mỗi cá nhân, đầu tư trang thiết bị, bổ sung nâng cao kiến thức cho đội ngũ nhân viên xét nghiệm doping, nhân viên y tế, huấn luyện viên… nhằm hạn chế đến mức thấp nhất mọi sai lầm.