Chữ an bền vững cho người lao động

Tết Nguyên đán đang đến gần, nhưng theo đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện có 25 địa phương, đơn vị, ngành báo cáo tình trạng người lao động bị cắt giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động ảnh hưởng đời sống. Lúc này, rất cần những chính sách cụ thể, thiết thực nhằm ổn định thị trường lao động, dung hòa quyền lợi người lao động cũng như doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Cần nhiều biện pháp hỗ trợ, chăm lo cho người lao động.
Cần nhiều biện pháp hỗ trợ, chăm lo cho người lao động.

Gặp khó vì giảm giờ làm, thất nghiệp

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Long An, đến ngày 9/11/2022 toàn tỉnh có 41 doanh nghiệp sản xuất trong các ngành nghề: may mặc, giày da, gỗ nội thất, điện tử, bao bì, chế biến và bảo quản rau quả xuất khẩu... giảm đơn hàng, ảnh hưởng đến 15.174 công nhân, trong đó có 10.290 công nhân bị giảm giờ làm, 1.250 công nhân bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Cụ thể, tại Khu công nghiệp Phúc Long, huyện Bến Lức, doanh nghiệp may gia công hàng xuất khẩu có khoảng 760 người lao động. Do thiếu đơn hàng gia công, nên doanh nghiệp đã phải chấm dứt hợp đồng lao động 710 người. Công ty Sản xuất gỗ nội thất hoạt động trong Khu công nghiệp Thuận Đạo, huyện Bến Lức có hơn 1.200 công nhân, cũng đã chấm dứt hợp đồng lao động với 260 người. Tương tự, doanh nghiệp chuyên sản xuất cơ khí kim loại hoạt động tại Khu công nghiệp Hòa Bình (huyện Thủ Thừa) đã phải chọn giải pháp giảm giờ làm của 720/830 công nhân. Còn doanh nghiệp sản xuất giày da trong Khu công nghiệp Tân Đô, huyện Đức Hòa đã giảm giờ làm toàn bộ gần 470 công nhân lao động.

Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng và Môi trường Trí Việt Lê Mạnh Hưng cho biết: "Doanh nghiệp hoạt động ở ba lĩnh vực gồm tư vấn môi trường, xử lý nước thải và sản xuất phân hữu cơ hiện có 300 cán bộ, công nhân viên và người lao động. Đến thời điểm này doanh nghiệp đã phục hồi, tuy nhiên đang bị ảnh hưởng từ các cuộc xung đột và tình hình lạm phát trên thế giới… nên đang tập trung phòng thủ, ổn định lại tổ chức, ổn định tài chính, tập trung xây dựng chiến lược để chờ thời cơ mới đầu tư phát triển".

Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, dự báo trong quý IV/2022 các doanh nghiệp trên địa bàn chỉ tuyển dụng khoảng 5.000-10.000 lao động, giảm nhiều so các năm trước khi dịch Covid-19 diễn ra. Còn theo Công đoàn cơ sở Khu chế xuất, khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn có 51 doanh nghiệp báo cáo giảm đơn hàng, ảnh hưởng đến gần 6.000 người lao động.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có 441 doanh nghiệp chịu tác động. Đáng chú ý, có 562.400 người lao động bị giảm giờ làm; 31.370 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động; 31.012 người lao động nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ hưởng lương ngừng việc…

Ðể tránh đứt gãy chuỗi sản xuất

Đồng cảm với khó khăn của công nhân phải nghỉ việc, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh đang tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp thiếu hụt lao động để có phương án kết nối giữa doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với những lao động vừa phải nghỉ việc, nhanh chóng tạo việc làm phù hợp. Để ổn định tình hình lao động-việc làm, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là vào thời điểm cuối năm và giáp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh đã xây dựng nhiều giải pháp cụ thể hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp. Tại tỉnh Đồng Nai, nhiều doanh nghiệp bị giảm đơn hàng đang tính toán áp dụng phương án cho người lao động có nhiều ngày nghỉ hơn trong tuần, trong tháng để giãn việc, bảo đảm ai cũng có việc làm. Doanh nghiệp và các cấp công đoàn nỗ lực không cắt giảm lao động; giữ nguyên chế độ phúc lợi để giữ chân công nhân.

Trước khó khăn của doanh nghiệp ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của công nhân, lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh Long An, các tổ chức Công đoàn đang phối hợp các ngành chức năng và các địa phương hướng dẫn cho doanh nghiệp làm phương án sử dụng lao động và thanh toán đầy đủ các chế độ cho người lao động theo quy định khi cắt giảm lao động. Hướng dẫn người sử dụng lao động và người lao động thực hiện đúng pháp luật lao động, bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Công đoàn các khu công nghiệp vận động xã hội hóa để chăm lo cho những công nhân lao động không may bị mất việc, giới thiệu tìm việc mới để người lao động được hưởng cái Tết sum vầy bên gia đình và người thân.

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, dự báo đến cuối năm 2022, các doanh nghiệp sẽ khởi sắc và tuyển dụng trở lại nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực sản xuất đầu năm 2023. Nhiều vị trí việc làm trống vẫn chờ người tìm việc như thợ kỹ thuật cơ khí, điện, công nhân có tay nghề gỗ, nhân viên kinh doanh, kế toán... Lĩnh vực tuyển dụng chủ yếu là chế tạo, chế biến, dịch vụ thương mại, kho bãi. Một số khu vực có nhu cầu tuyển dụng như Tân Uyên, Bắc Tân Uyên, Thủ Dầu Một, Dĩ An. Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương Nguyễn Kim Loan cho biết, cơ quan sẽ trích 40 tỷ đồng và đề nghị UBND tỉnh trích quỹ 25 tỷ đồng, đồng thời vận động các cấp, các ngành chung tay chăm lo cho người lao động dịp cuối năm, tiếp tục tìm giải pháp hỗ trợ người lao động một cách tốt nhất.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Lê Quang Trung, nguyên Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, doanh nghiệp cần chủ động tìm nguồn hàng để bố trí việc làm đều đặn cho người lao động. Cùng với đó, tăng cường đào tạo nghề dự phòng, lên kế hoạch chuẩn bị, sắp xếp, bố trí nhân sự sau khi tiếp nhận các đơn hàng trong tương lai.

Thêm nữa, nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo, người lao động cần có sự chia sẻ với doanh nghiệp trong bối cảnh bị giảm đơn hàng, như chủ động tìm đến các Trung tâm dịch vụ việc làm để được sắp xếp, bố trí việc làm tại những doanh nghiệp vẫn còn thiếu lao động. Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm: "Làm lụng cả năm, giờ mỗi người lao động đều muốn có được một cái Tết êm ấm. Để vừa bảo đảm quyền lợi của người lao động, vừa ổn định sản xuất, việc chăm lo, giữ chân, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất sau Tết là việc cần được tính toán".

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động chương trình "Tết sum vầy - Xuân gắn kết" và các hoạt động chăm lo Tết Nguyên đán 2023 đến các cấp công đoàn để cùng hướng về người lao động; yêu cầu các cấp công đoàn tăng cường phối hợp cơ quan hữu quan giúp người lao động bị mất việc làm sớm tìm được công việc mới.