Chống tham nhũng, cuộc chiến cam go với chính mình

Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) vừa qua để lại dấu ấn tốt đẹp. Qua đó càng thấy rõ quyết tâm, cách làm bài bản và công lao của Trung ương, các cấp, các ngành, trực tiếp là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người nhạc trưởng tiên phong trên mặt trận phức tạp, nhạy cảm này. Tư tưởng mà Tổng Bí thư chỉ đạo tại Hội nghị là thông điệp mạnh mẽ gửi tới toàn Đảng, toàn dân, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch bộ máy của Đảng, Nhà nước. Đây là một cuộc chiến cam go với chính mình.
0:00 / 0:00
0:00
Phiên tòa sơ thẩm xét xử 8 bị cáo trong vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai và một số đơn vị liên quan. Ảnh: LÊ TÚ
Phiên tòa sơ thẩm xét xử 8 bị cáo trong vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai và một số đơn vị liên quan. Ảnh: LÊ TÚ

Chống quyết liệt nhưng tham nhũng vẫn phức tạp

Thấy rõ tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh của quyền lực”, từ sớm Đảng ta đã chú trọng ngăn ngừa căn bệnh nguy hại này. Ngay sau khi giành chính quyền, trong Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng (đăng trên Báo Cứu quốc, ngày 17/10/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo các thói hư, tật xấu của cán bộ, như “cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy”; “ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn”; “thậm chí lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức”,... Trong công cuộc đổi mới đất nước từ năm 1986 đến nay, Đảng có nhiều nghị quyết, kết luận, quy định về công tác PCTNTC; Quốc hội nhiều lần sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng. Tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII, Đảng đã nhận rõ tham nhũng là một trong bốn nguy cơ phải ngăn chặn. Nguy cơ ấy ngày càng hiện hữu và trở thành căn bệnh dường như ngày càng bị “nhờn thuốc”, ngày càng phổ biến.

Khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị (1/2/2013) do Tổng Bí thư làm Trưởng ban được thành lập, nhiệm vụ này được đẩy lên với quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn. Chống tham nhũng đã trở thành xu thế, không ai có thể đứng ngoài; mọi vi phạm khi phát hiện đều bị xử lý, bất kể người đó là ai. Suốt 10 năm qua, trong số hơn 167.700 cán bộ, đảng viên bị các cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp kỷ luật thì có 7.390 trường hợp do tham nhũng. Cũng thời gian này, có 170 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó có 4 Ủy viên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, 29 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương, 50 tướng lĩnh...

Thật đau lòng, chưa bao giờ trong thời gian ngắn mà có nhiều cán bộ bị kỷ luật đến như vậy, nhưng tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp trên cả những lĩnh vực mà trước đây tưởng như thành trì vững chắc nhất, từ một số sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang đến cán bộ ngành giáo dục, y tế và gần đây lây lan cả sang chứng khoán, bất động sản. Không ít cán bộ có chức quyền, từng vang bóng một thời nhưng vì trục lợi cá nhân mà đánh mất tất cả, phải hầu tòa trong nhiều vụ án. Nhức nhối nhất là các vụ việc liên quan Công ty CP công nghệ Việt Á và việc đưa người Việt tại các tâm dịch Covid-19 về nước. Trong lúc Đảng, Nhà nước phải huy động mọi nguồn lực, gồng mình chống dịch; với nghĩa cử đồng bào là ruột thịt, người dân ở nhiều nơi góp nhặt từng bó rau, gói mì tôm, mở các “quán không đồng”, các ATM gạo,... chia sẻ với những người gặp khó khăn thì nhiều cán bộ đang tâm nhận 800 tỷ đồng tiền “hoa hồng” từ Việt Á, đẩy giá kit test lên một cách phi lý; vòi vĩnh, nhận tiền của kiều bào khi họ làm thủ tục về nước. Suy thoái đến thế là cùng, không còn cả nhân tính, nói gì là “công bộc của dân”!

Phải kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn để làm trong sạch bộ máy của Đảng, Nhà nước là lời kêu gọi mà Tổng Bí thư đưa ra tại Hội nghị vừa qua.

Phòng ngừa từ xa, trị mạnh tận gốc

Phòng, chống tham nhũng là chống “giặc nội xâm”, là sự đối diện với chính mình trước mọi thói hư, tật xấu, cám dỗ của đồng tiền hay quyền lực. Cái khó trên trận tuyến này là kẻ thù không lộ rõ hình hài, không gươm, không súng mà ẩn nấp trong mỗi con người, có khi nhiễm vào máu thịt, chỉ một tích tắc dao động là bị nó quật ngã. Theo Tổng Bí thư, căn nguyên sâu xa của tình trạng này là do cán bộ, nhất là người có chức quyền không chịu rèn luyện thường xuyên dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Vì suy thoái mà quên mất bổn phận, trách nhiệm của mình trước Đảng, trước dân; chưa làm được gì đã nghĩ đến “chấm mút”, dùng quyền lực nhân dân trao cho để dối dân, thao túng, vun vén, trục lợi; vi phạm, thậm chí là đánh mất tư cách của người cán bộ.

Cán bộ là cái gốc, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Và tham nhũng chỉ có thể bị đẩy lùi khi ngăn chặn được tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên. Muốn chống tham nhũng hiệu quả phải gắn liền với chống suy thoái về đạo đức, lối sống mà giải pháp trước tiên là phòng ngừa từ xa, không để loại “vi rút” nguy hiểm ấy nhiễm vào cán bộ; ai bị nhiễm rồi mà không chữa trị được thì kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy. Cần làm một cách quyết liệt, thực chất hơn việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII; Kết luận 21 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Quy định 37 của Trung ương về những điều đảng viên không được làm. Trọng tâm là rà soát, đổi mới các quy trình công tác cán bộ, như đánh giá, luân chuyển, bổ nhiệm, quản lý,... Đánh giá phải rõ, thực chất làm cơ sở cho bổ nhiệm cán bộ; dự báo được chiều hướng phát triển để không còn chuyện trước bổ nhiệm là cán bộ tốt, nhưng chỉ sau một vài năm có chức, có quyền lại trở nên hư hỏng, hoặc khi đó mới phát hiện những việc làm sai trái trước khi bổ nhiệm. Vì thế, cần một cơ chế mạnh, kiểm soát bằng được quyền lực trong công tác cán bộ, kịp thời phát hiện và ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay, can thiệp, tác động đến tổ chức, cá nhân để bản thân hoặc người thân, được tiếp nhận, tuyển dụng, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, đề cử, ứng cử,... Thực hiện nghiêm quy định cho từ chức đối với những người có sai phạm, không còn đủ uy tín, năng lực làm việc; không cần đợi đến hết nhiệm kỳ hoặc đến thời hạn bổ nhiệm lại. Đây cũng là cách xây dựng môi trường lành mạnh, bình đẳng, tạo động lực để cán bộ có năng lực thật sự cống hiến cho đất nước. Xây dựng được đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên là giúp cho cán bộ có đủ sức đề kháng với loại “vi rút” tham nhũng, không bị tha hóa, biến chất.

Đi liền với đó là tích cực hoàn thiện các cơ chế chính sách, bịt các kẽ hở để đối tượng tham nhũng không thể lợi dụng, đồng thời coi trọng các hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Cứ có dấu hiệu vi phạm là kiểm tra, kết luận rõ đến đâu xử lý đến đấy; kiểm tra có trọng tâm trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực, thời điểm nhạy cảm dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực. Kiểm tra và giám sát đi liền với nhau, kết hợp đồng bộ với thanh tra, kiểm toán để phòng ngừa từ xa, ngăn chặn kịp thời khi có dấu hiệu của hành vi tham nhũng, trị mạnh tận gốc, không để nó xảy ra là tốt nhất.

Chống tham nhũng, tiêu cực là việc khó. Với quyết tâm mới, các địa phương đã thành lập ban chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh mà thành viên là những cán bộ chủ chốt của cấp ủy, một số cơ quan có chức năng, nhiệm vụ PCTNTC. Khi các thành viên ban chỉ đạo, trước hết là người đứng đầu thật sự liêm chính, mẫu mực sẽ là “thanh bảo kiếm” sắc bén của Đảng trên mặt trận này để đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực.

Chống tham nhũng, cuộc chiến cam go với chính mình ảnh 1

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Sơn La bắt tạm giam Lò Văn Chiến, Trưởng Khoa Dược Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La, về hành vi nhận hối lộ liên quan đến việc đấu thầu mua kít xét nghiệm Covid- 19 của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á. Ảnh: BÁO SƠN LA