" Chống dịch là phải xuống với dân!

Trò chuyện với PGS, TS, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, tôi hình dung về những vị chỉ huy chiến trường không tiếng súng, không mấy ai biết đến họ. Nhưng nếu không có họ, cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 sẽ thất bại…

PGS, TS, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu chỉ đạo phòng, chống dịch tại Bình Dương.Ảnh: Thu Vân
PGS, TS, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu chỉ đạo phòng, chống dịch tại Bình Dương.Ảnh: Thu Vân

Phóng viên (PV): Đợt dịch thứ tư, kẻ thù là biến thể Delta có sức công phá dữ dội, Bình Dương trở thành điểm nóng của cả nước. Ông được Bộ Y tế giao giúp đỡ tỉnh điều trị bệnh nhân và chống dịch. Trong thời gian ngắn, Bình Dương đã giảm nhanh số ca tử vong và ca mắc mới, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch tại địa phương này?

PGS, TS, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu: Ngay sau khi vào Bình Dương, chưa đến một tuần, các thầy thuốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã khẩn trương phối hợp địa phương thiết lập Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) Bình Dương 300 giường và có thể mở rộng lên 500 giường khi cần thiết. Tôi nhận trách nhiệm là Giám đốc Y khoa của Trung tâm Hồi sức tích cực ICU Bình Dương đặt tại Bệnh viện quốc tế Becamex Thuận An.

Vào thời kỳ đỉnh dịch, con số bệnh nhân mắc Covid-19 lên đến 10 nghìn ca, tỷ lệ tử vong có thể lên đến hàng trăm, nhưng chúng tôi vẫn bình tĩnh xử lý, luân chuyển bệnh nhân giữa các tầng điều trị. Các tầng hồi sức cấp cứu chỉ chữa bệnh nhân nặng. Khi bệnh nhân bắt đầu nhẹ đi, giảm hỗ trợ hô hấp, thở máy thì chúng tôi chuyển xuống các bệnh viện tuyến huyện hay các bệnh viện dã chiến.

Thời gian sau, số ca mắc mới dù vẫn tăng nhưng chúng tôi cũng đã có phương án mới để thích ứng, không giống như trước đây nữa. Chúng ta không còn ba tầng điều trị rõ rệt như thời gian trước vì bệnh viện dã chiến đã đóng cửa, chỉ còn bệnh viện tỉnh và huyện. Bệnh viện tỉnh được chúng tôi nâng cao năng lực, xây dựng khu điều trị mới có sức chứa thở máy xâm lấn lên đến 1.000 bệnh nhân. Còn ở các bệnh viện huyện đều triển khai các trung tâm Covid nằm tách rời khỏi bệnh viện huyện và đến nay chúng tôi đã có khoảng bảy trung tâm Covid như vậy ở Bình Dương. Những ca nặng, không di chuyển được, chúng tôi cho thở máy và hồi sức ngay tại bệnh viện huyện. Điều khác so trước đây, bệnh viện huyện hiện nay có chức năng cả tầng 2, 2 + và tầng 3. Các bệnh nhân nhẹ, chúng tôi để ở nhà theo dõi thông qua hệ thống y tế lưu động từ các phường, xã.

Với cách làm như vậy, cuộc sống vẫn diễn ra bình thường. Nếu bạn ghé thăm Bình Dương, sẽ thấy Covid không còn tàn phá, không ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế, xã hội.

" Chống dịch là phải xuống với dân! ảnh 1
Nhân viên y tế đi từng ngõ, gõ từng nhà để phát kit test nhanh cho người dân tự làm xét nghiệm. Ảnh: TUẤN KIỆT 

Chống dịch là phải xuống với dân. Phải bám sát tình hình, thống kê chính xác, theo dõi kiểm tra đôn đốc việc thực hiện tại tuyến y tế gần dân, nhất là y tế cơ sở. Đấy chính là mục tiêu chúng tôi đặt ra khi về Bình Dương. Khi chúng ta nắm chắc thực tế, những con số ấy có đúng không và lý do gì tạo ra những con số ấy thì mới giải quyết được.

PV: Từ kinh nghiệm Bình Dương, ông có những bài học gì trong phòng, chống dịch Covid-19?

PGS, TS, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu: Việc chính nhất là phải bám sát thực địa, phải đến tận cùng của câu trả lời. Chúng ta không thể ngồi trên bàn giấy để chống dịch được. Không thể dùng những lý thuyết dịch tễ học, kinh nghiệm phòng dịch trước đây để áp dụng cho việc phòng, chống Covid được. Bởi Covid và những biến chủng của nó khác xa những dịch bệnh chúng ta đã gặp. Thí dụ, Bình Dương hay TP Hồ Chí Minh, giai đoạn bùng phát dịch, chúng ta không biết chính xác tổng số ca nhiễm là bao nhiêu và do vậy, không thể biết tổng số ca tăng nặng là bao nhiêu và chúng ta cứ máy móc chia từ số ca lây nhiễm/xét nghiệm PCR dương tính ra được số giường hồi sức cấp cứu để phòng, chống dịch. Hậu quả là tất cả các bệnh viện tầng 3 đều bị quá tải. Con số tử vong không còn chỉ là do Covid gây ra mà tử vong do quá tải y tế gây ra. Các bệnh nhân không phải tử vong do Covid mà do không chữa được bệnh nền, không chữa được bệnh cấp cứu thông thường.

Không phải các trung tâm hồi sức Covid ở tuyến cuối là “chìa khóa” mà chính hệ thống y tế cơ sở cấp quận, huyện, phường, xã quyết định kết quả cuộc chiến với đại dịch. Chính các nhân viên y tế cơ sở sẽ không còn làm nhiệm vụ phát hiện, truy vết, khoanh vùng mà sẽ tham gia chẩn đoán, phân loại và điều trị sớm F0. Có như vậy, chúng ta mới yên tâm dần mở cửa, kinh tế mới phục hồi và xã hội sẽ bình an. Cải thiện năng lực y tế cơ sở là mắt xích quan trọng để giải quyết dần những khó khăn, bất cập của ngành y.

PV: Nhân lực được ông đánh giá là một trong ba chìa khóa quyết định thành bại của cuộc chiến chống Covid-19. Tuy nhiên, ông đã trăn trở rất nhiều về vấn đề này?

PGS, TS, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu: Đến thời điểm này, tôi vẫn rất trăn trở. Sau khi đại dịch xảy ra, chúng ta mới thấy nhân lực y tế Việt Nam vẫn rất yếu. Những bác sĩ giỏi, những điều dưỡng có kinh nghiệm không còn ở y tế cơ sở nữa, do đó, khi đại dịch xảy ra, chúng ta bộc lộ rõ những lúng túng rất rõ ràng. Không chỉ miền nam, ngay ở miền bắc và tại Hà Nội, thực trạng chung là y tế cơ sở rất yếu.

Khó khăn hơn nữa chính là con người. Tôi lo lắng về con người trong hệ thống chính trị, con người trong hệ thống y tế. Trong hệ thống y tế thì chúng tôi có thể giúp được. Thí dụ, như Bình Dương, chúng tôi đã đào tạo khẩn trương rất nhiều lớp trong việc chẩn đoán, phân loại, điều trị bệnh nhân Covid. Nhưng việc thay đổi về tư duy trong hệ thống chính trị, đặc biệt ở địa phương rất khó khăn. Mỗi nơi ra một chính sách khác nhau, mỗi nơi ra một hướng dẫn khác nhau. Đặc biệt là việc sợ trách nhiệm đã tạo nên hình ảnh, một ấn tượng không tốt trong đại dịch Covid.

Nên tôi mong rằng, đây cũng là cơ hội rất lớn cho đất nước, ngoài thiệt hại do Covid gây ra, cũng là đòn bẩy để chúng ta xốc lại cỗ xe quản lý hành chính cho nó vận hành trơn tru hơn.

PV: Hiện nay, cuộc chiến chống Covid-19 đã chuyển sang một giai đoạn mới? Những suy nghĩ và ý kiến đóng góp của ông cho giai đoạn Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 là gì?

PGS, TS, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu: Theo tôi, quan trọng nhất là thay đổi tư duy. Đặc biệt là tư duy chống dịch. Chúng ta đừng sợ Covid nữa. Trước sau, Covid cũng sẽ trở thành một căn bệnh truyền nhiễm và trở thành một chuyên khoa chữa bệnh như tất cả các chuyên khoa khác. Khi chúng ta đã hiểu về nó, chữa nó thì hãy để ngành y làm việc đúng chuyên môn của mình.

Điều chúng ta cần làm là xây dựng, cải tổ hệ thống y tế cơ sở, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men đến con người. Để làm được việc này, trước tiên, cần nhanh chóng sửa đổi Luật Khám chữa bệnh nhằm nâng cao vai trò của y tế cơ sở.

PV: Thời gian qua, ông được phân công phụ trách Bệnh viện điều trị Covid-19 Hà Nội với số giường điều trị lớn nhất miền bắc. Bệnh viện chỉ phục vụ bệnh nhân Covid nặng và nguy kịch. Dịch bệnh tại Hà Nội lại có diễn biến phức tạp, ông có nhận xét gì khi số ca bệnh nặng, tử vong lại gia tăng?

PGS, TS, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu: Tại Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid Hà Nội thời gian gần đây, điều mà chúng tôi muốn chia sẻ với cộng đồng là số bệnh nhân trở nặng nằm trong hai nhóm: Nhóm người già có bệnh nền. Bệnh nền ở đây là bệnh nền không ổn định như tiểu đường, huyết áp, mới tai biến mạch máu não, mổ gan, thận… không ổn định thì nếu chúng ta phát hiện muộn sẽ khó điều trị. Trong trường hợp bệnh nhân có bệnh nền không ổn định như thế thì chúng ta phải chăm sóc kỹ hơn, hệ thống y tế cơ sở phải chăm sóc kỹ hơn để phát hiện ra trước khi chuyển nặng đưa lên chúng tôi.

Nhóm thứ hai là bệnh nhân chưa tiêm vaccine. Đến 80% bệnh nhân phải đặt ống thở máy là chưa tiêm, nên đề nghị các chính quyền địa phương phải rà soát cho những đối tượng nguy cơ cao, suy giảm miễn dịch, bệnh nền không ổn định để tiêm, thậm chí tiêm mũi 3.

Tại bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid Hà Nội, trang thiết bị đầy đủ, thuốc men cung cấp không thiếu. Những trường hợp nào cứu được là chúng tôi quyết tâm không quản ngại. Đừng để đến với chúng tôi quá muộn. Đừng để bệnh nền diễn biến không ổn định. Đừng chậm trễ tiêm vaccine!

PV: Xin cảm ơn bác sĩ! Chúc ông mạnh khỏe!

PGS, TS, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu là chuyên gia tim mạch đầu ngành. Ông có nhiều cống hiến cho nền y học Việt Nam. Đặc biệt, với việc phát triển hệ thống khám, chữa bệnh từ xa, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu đã đưa Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trở thành một trong những cơ sở y tế tiên phong trong phát triển Telehealth ở Việt Nam. Năm 2016, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu trở thành đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV. Năm 2021, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu tiếp tục tái cử đại biểu Quốc hội khóa XV.