Chọn lọc thông tin

Mặc dù ý kiến của các chuyên gia trên thị trường chứng khoán (TTCK) thường chỉ mang tính chất tham khảo, nhưng nhà đầu tư (NĐT) sử dụng kênh tham khảo này thế nào cho phù hợp cũng đòi hỏi những kỹ năng và sự tỉnh táo nhất định.
0:00 / 0:00
0:00

Hồi đầu tháng 7, thông tin một quỹ đầu tư trong nước bán ra khoảng 50% lượng cổ phiếu trong giai đoạn tháng 6 đã gây bất ngờ cho khá nhiều người. Chuyện quỹ bán ra là bình thường, thậm chí phải cắt lỗ, hay bán ngay đáy cũng không có gì ngạc nhiên. Nhưng trường hợp của quỹ này lại được quản lý bởi một chuyên gia có tiếng trên thị trường chứng khoán vì thường xuyên đưa ra các bình luận, nhận định. Đáng chú ý là vị chuyên gia này trong thời gian qua vẫn đưa ra những nhận định vô cùng lạc quan.

Một trường hợp khác là chuyên gia tư vấn kỳ cựu đang làm việc trong công ty chứng khoán ở tốp đầu. Vị chuyên gia này thường xuyên chia sẻ trên trang cá nhân những nhận định, khuyến nghị dành cho khách hàng mỗi khi thị trường có những biến động lớn và thường những gì đưa ra là... chính xác. Vấn đề lại nằm ở chỗ có lần vị chuyên gia này bị “lộ” việc tư vấn theo kiểu sáng khuyên giữ lại vì thị trường tạo đáy, chiều lại báo tin xấu nên cứ bán ra. Điều này cũng đồng nghĩa vị chuyên gia này chỉ công bố những khuyến nghị mình đúng và giấu nhẹm những lần sai.

Và gần nhất trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, một chuyên gia với hồ sơ ấn tượng, làm việc ở nước ngoài, có thâm niên hơn chục năm tham gia thị trường, được nhiều nhà đầu tư kỳ cựu biết đến, đã kể lại câu chuyện mua cổ phiếu theo kiểu canh số lượng phiên giảm sàn rồi mua, bất chấp định giá rẻ hay đắt. Nghe đến đây nhiều người tự hỏi liệu rằng, những phân tích nghe chừng rất bài bản của vị chuyên gia này, kể cả những kiến thức ông đã chia sẻ có tính chính xác, phù hợp đến đâu.

Cần nhấn mạnh rằng, người ta thường muốn tin những điều giống suy nghĩ của mình, tức là bản thân một số người đã suy nghĩ những kịch bản trong đầu và chỉ cần chuyên gia có ý kiến tương tự, bất chấp có phù hợp hay không là lập tức tin theo. Hệ quả là rất rõ ràng, nếu các ý kiến, dự báo của chuyên gia sai, thì lập tức nhà đầu tư có cơ sở để cho rằng vì chuyên gia nói, phân tích như vậy dẫn đến quyết định của mình sai. Tâm lý đổ lỗi thường mang tính tiêu cực và với nhà đầu tư chứng khoán thì hậu quả còn tai hại hơn. Bởi lẽ, mang tâm lý đổ thừa, nhà đầu tư sẽ không dành thời gian để nhìn lại chiến thuật, kế hoạch giao dịch của mình có điểm nào chưa phù hợp để chỉnh sửa. Điều quan trọng hơn cả, nhà đầu tư nên nhớ rằng, mình là người ra quyết định cuối cùng và chịu hoàn toàn trách nhiệm với túi tiền của mình chứ không phải ai khác.

Hơn nữa, nhà đầu tư cũng cần có bộ lọc của mình, tức là với những chuyên gia mà nhận xét thiếu cơ sở, bất nhất thì cần phải đưa vào diện thận trọng khi lắng nghe, hoặc thậm chí bỏ ngoài tai những nhận định của họ. Đây là cơ sở để những chuyên gia thận trọng hơn với những nhận định của mình. Có thể nói, với sự phát triển của các kênh thông tin, thống kê, thì việc những nhận định thiếu cơ sở, bất nhất sẽ sớm bị thanh lọc trên thị trường. Nhà đầu tư có thể dễ dàng đối chiếu, so sánh các nhận định của chuyên gia trong lịch sử để tìm được đâu là kênh để lắng nghe, tham khảo phù hợp nhất.