Chọn hướng đi đúng, khơi gợi được nguồn lực trong dân

NDO - Xuất phát điểm thấp, nhưng sau hơn 11 năm xây dựng nông thôn mới, giờ đây huyện Tân Yên (Bắc Giang) đã có chuyển biến rõ nét. Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành, sự nỗ lực, quyết tâm chính trị cao từ huyện đến cơ sở, Tân Yên đã thành công trong khơi dậy và phát huy vai trò chủ thể của người dân, sự tham gia của các doanh nghiệp vào quá trình đổi mới.
0:00 / 0:00
0:00
Đồi vải hứa hẹn mùa bội thu tại xã Phúc Hòa, Tân Yên, Bắc Giang.
Đồi vải hứa hẹn mùa bội thu tại xã Phúc Hòa, Tân Yên, Bắc Giang.

Đồng lòng nhất trí cao giữa chính quyền và người dân

Từ khi mới bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, số tiêu chí bình quân toàn huyện Tân Yên chỉ đạt 6,2 tiêu chí/xã. Nguồn lực cần đầu tư cho xây dựng lớn, trong khi đó nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh để các xã và huyện xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới lại không nhiều. Trong đó có một số tiêu chí khó, cần đầu tư kinh phí lớn như: Giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường. Thời điểm đó, đến bất kỳ làng quê nào trong huyện cũng có thể thấy những con đường đất, nhỏ hẹp, gồ ghề. Quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, cơ sở vật chất thiếu thốn, thu nhập của một số hộ dân ở nông thôn còn thấp… nên huy động nguồn kinh phí đóng góp từ người dân gặp nhiều khó khăn.

Nhờ chọn hướng đi đúng, phát huy hiệu quả lợi thế của địa phương, khơi dậy sự chung tay của người dân, nguồn lực từ con em trong huyện đi làm ăn xa ở mọi miền đất nước, Tân Yên đã có điều kiện thực thi, đạt được nhiều kết quả nổi bật, nhiều tiêu chí đạt kết quả cao, nổi trội hơn so bình quân chung của tỉnh. Tiêu biểu như, sản xuất nông nghiệp tạo được dấu ấn riêng, là huyện có sản phẩm nông nghiệp đa dạng, đặc trưng phát triển theo tiềm năng, lợi thế vùng.

Chọn hướng đi đúng, khơi gợi được nguồn lực trong dân ảnh 1
Vẻ đẹp vùng quê Tân Yên hôm nay.

Từ trung tâm huyện đến 22 xã, thị trấn, những gia trại, trang trại, những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao xuất hiện ngày càng nhiều. Giữa màu xanh ngút ngàn của vườn cây ăn quả là những khu đô thị đang được mở mang, cụm công nghiệp chạy dọc theo những cung đường trải nhựa, bê-tông. Tất cả hiện hữu cho một hướng đi đầy mạnh mẽ và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và người dân về triển vọng phát triển toàn diện đưa vùng đất này trở thành một miền quê đáng sống.

Theo lãnh đạo UBND huyện Tân Yên, giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020, Chương trình xây dựng nông thôn mới được các cấp ủy chính quyền và cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở quan tâm, thực hiện; huy động các nguồn lực với số tiền 2.342 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 915 tỷ đồng; tuyên truyền vận động 6.173 hộ hiến đất, tài sản trên đất xây dựng các công trình nông thôn mới với diện tích 148.000m2 (trong đó: đất ở 6.432m2, đất nông nghiệp 141.568m2), 1.125m tường rào; nhân dân đã đóng góp hàng chục nghìn ngày công tham gia xây dựng các công trình. Với kết quả đó, Tân Yên là một trong 3 huyện về đích nông thôn mới sớm nhất của tỉnh, tiếp tục phấn đấu trở thành vùng quê đáng sống.

Chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Thời gian tới, Tân Yên đã đề ra phương hướng đổi mới mạnh mẽ mô hình phát triển kinh tế của huyện theo hướng phát triển toàn diện cả công nghiệp, nông nghiệp, thương mại và dịch vụ; chú trọng hoàn thiện công tác quy hoạch vùng; tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, khu, cụm công nghiệp, tạo tiền đề đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ trong nhiệm kỳ và giai đoạn tiếp theo; kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa-xã hội, bảo vệ môi trường; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Trong đó huyện Tân Yên cũng đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Xác định phát triển sản xuất là yếu tố quan trọng nên huyện đã chú trọng đầu tư cải tạo hạ tầng giao thông, thủy lợi; thực hiện các chương trình, dự án thúc đẩy sản xuất, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế trong phát triển sản xuất, các địa phương áp dụng khoa học công nghệ, hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết vào sản xuất và khâu tiêu thụ. Hiện nay, Tân Yên đang duy trì sản xuất tại 78 vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô từ 5 ha/vùng trở lên (lúa chất lượng, lạc, rau quả thực phẩm), quy mô từ 2ha/vùng trở lên đối với rau quả chế biến. Mở rộng diện tích sản xuất đối với một số cây rau quả thực phẩm, rau quả chế biến có giá trị kinh tế cao như: Ngô ngọt, lạc, dưa lưới, dưa lê Hàn Quốc, dưa bao tử, ớt… cho giá trị thu nhập từ 140-520 triệu đồng/ha/vụ.

Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Tân Yên tuy quy mô còn nhỏ nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thực tế ở huyện. Nổi bật là mô hình trồng hoa ở xã Phúc Sơn, Ngọc Lý; sản xuất cây ăn quả tại xã Phúc Hòa, Hợp Đức; chăn nuôi lợn công nghệ cao tại các xã: Ngọc Châu, Ngọc Thiện, Ngọc Vân, Lam Cốt, Việt Ngọc; vùng nuôi gà ứng dụng công nghệ cao tại thị trấn Cao Thượng, xã Hợp Đức…

Thời gian qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của huyện đã phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ, Viettel Bắc Giang tạo mã QR truy xuất nguồn gốc cho 3 hợp tác xã là: Núi ông Vệ; sản xuất và tiêu thụ ổi lê Tân Yên; mật ong Phồn Nhi. Phòng Văn hóa và Thông tin huyện rà soát, lập danh sách đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ cấp chứng thư số cho 12 hợp tác xã, phục vụ giao dịch trên sàn thương mại điện tử.

Để đạt mục tiêu chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao, huyện Tân Yên xác định từ nay đến năm 2025 khối lượng công việc nhiều, khó khăn; tuy nhiên, với kế hoạch, lộ trình cụ thể, sự chung tay góp sức của nhân dân, huyện nỗ lực dồn sức để hoàn thành mục tiêu lớn, phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao bảo đảm lộ trình đề ra.