Chờ đợi “tín hiệu mới” từ hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở

Bạn đọc viết:
0:00 / 0:00
0:00

Nguyễn Phương Liên (Quận Ba Đình, TP Hà Nội)

Thời gian qua, UBND thành phố Hà Nội đặt mục tiêu “làm mới” hệ thống truyền thanh ở thôn, tổ dân phố, khu dân cư, hay nói đơn giản là hệ thống loa phường. Trong thời gian thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống đại dịch Covid-19, hệ thống loa phường đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ. Qua đây, người dân có thể tiếp cận thông tin cần thiết một cách nhanh chóng, nhất là những kiến thức phòng, chữa bệnh cũng như các thông báo khẩn cấp tại nơi sinh sống. Ở khu dân cư của tôi, loa phường từng là công cụ đắc lực hỗ trợ chính quyền, người dân trong các vụ việc tìm người già, trẻ em đi lạc.

Hiệu quả của loa phường, đặc biệt đối với những người cao tuổi ít khi ra ngoài, lại không sử dụng internet là không thể phủ nhận. Thế nhưng, để những chiếc loa phường “thế hệ mới” thật sự trở thành cầu nối thông tin giữa chính quyền và người dân, các cơ quan chức năng cần đặc biệt quan tâm đến chất lượng, nội dung truyền tải qua hệ thống này. Trước kia, cũng không ít lần tôi và hàng xóm vô cùng bức xúc vì những bài hát rất “tùy hứng”, không có chủ đề, chủ điểm rõ ràng, phụ thuộc hoàn toàn vào sự điều hành của cán bộ quản lý hệ thống. Không những vậy, việc lựa chọn thời điểm phát loa cũng là vấn đề cần quan tâm hơn. Tại nơi tôi sinh sống, từng có trường hợp loa phường phát oang oang nhạc tình yêu đôi lứa đúng thời điểm một gia đình trong khu đang tổ chức đám hiếu. Hoặc đơn giản hơn, nhiều khu dân cư thường phát đi phát lại những nội dung trùng lặp, chưa đúng nhu cầu thực tế của người dân.

Trong ký ức tuổi thơ của tôi, loa phường là vật dụng không thể thiếu, làm nên hình ảnh về một Hà Nội với những khu dân cư gần gũi, gắn bó. Vì vậy, chúng tôi kỳ vọng hệ thống loa phường “thế hệ mới” sẽ thật sự hiệu quả, hiện đại, phục vụ đúng, trúng nhu cầu thực tế của nhân dân trong bối cảnh mới.