Xây dựng bộ máy hành chính chuyên nghiệp, hiện đại

Những năm gần đây, Ðà Nẵng là một trong những địa phương sớm chủ động thực hiện việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Kết quả này tạo cơ sở từng bước xây dựng bộ máy hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Ðà Nẵng là thành phố hiện đại, văn minh và đáng sống.
Ðà Nẵng là thành phố hiện đại, văn minh và đáng sống.

Có thể khẳng định, việc xây dựng bộ máy hành chính nhà nước ở Ðà Nẵng trong những năm qua cơ bản đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, kết quả về cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, xây dựng đội ngũ cán bộ là một trong những dấu ấn của Ðà Nẵng trong công tác xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền, xây dựng bộ máy hành chính trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại.

Tăng cường sắp xếp, giảm đầu mối

Ông Lê Phú Nguyện, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Ðà Nẵng chia sẻ, cuối năm 2016, trước khi Trung ương ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, TP Ðà Nẵng đã chủ động nghiên cứu, lập phương án và thực hiện sáp nhập chín Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng trực thuộc các sở, ngành thành sáu ban quản lý dự án trực thuộc UBND thành phố. Ở mỗi quận, huyện, chỉ còn một Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng trực thuộc UBND quận, huyện. Việc sắp xếp các ban quản lý dự án đã giải quyết được yêu cầu tinh gọn bộ máy trong điều kiện khối lượng công việc chỉnh trang, phát triển đô thị đang giảm dần. Công tác quản lý, điều hành, tổ chức, hoạt động của các ban quản lý dự án sau sắp xếp mang tính chuyên nghiệp hơn, từng bước khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, đưa hoạt động các Ban quản lý đi vào nền nếp. Thành phố thí điểm hợp nhất năm đơn vị sự nghiệp y tế dự phòng, thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trực thuộc Sở Y tế, sáp nhập 10 Trung tâm giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp và dạy nghề thuộc Sở Giáo dục và Ðào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành bốn trung tâm ở các cụm đô thị, 15 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao được sắp xếp lại chức năng, nhiệm vụ, sáp nhập thành chín đơn vị... Sau sắp xếp, sáp nhập, các đơn vị sự nghiệp công lập của Ðà Nẵng đã nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng tính tự chủ, thu nhập, đời sống của viên chức, người lao động được cải thiện rõ rệt. Từ đầu năm 2016 đến nay, Ðà Nẵng đã hoàn thành sắp xếp 71 đơn vị sự nghiệp công lập, qua đó, giảm 37 đơn vị sự nghiệp công lập, 124 đơn vị cấp phòng, 178 vị trí lãnh đạo, quản lý; giảm 207 chỉ tiêu biên chế công chức và 2.316 chỉ tiêu biên chế sự nghiệp; giải quyết cho 608 trường hợp nghỉ hưu trước tuổi, dôi dư, không đạt chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ... Chi ngân sách cho đơn vị sự nghiệp công lập giảm so với giai đoạn trước khoảng 280 tỷ đồng/năm.

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Ðà Nẵng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy khẳng định: Giai đoạn 2009 - 2016, Ðà Nẵng đã thí điểm không tổ chức HÐND quận, huyện, phường. Thực tế cho thấy mô hình này rất gọn, phù hợp với tính chất, quy mô, biện pháp quản lý đô thị hiện đại, thông minh, cùng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, tận tình với nhân dân đã làm nên thương hiệu "Thành phố đáng sống".

Xây dựng tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

Song song với sắp xếp tổ chức, bộ máy Ðảng bộ, chính quyền các cấp tập trung làm tốt công tác xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị có cách làm hay, sáng tạo và hiệu quả. Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Hoàng Sơn Trà cho biết, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, nhiều đợt, người dân Sơn Trà, Ðà Nẵng đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng tránh, trong đó có việc không tập trung đông người, hạn chế tiếp xúc xã hội… Tuy nhiên, bên cạnh nhu cầu đi làm và mua nhu yếu phẩm thì người dân còn nhu cầu thực hiện các thủ tục hành chính. Ðể giúp nhân dân, hầu hết các phường tiến hành thực hiện các thủ tục hành chính tại nhà với sự phối hợp của Ðoàn Thanh niên. Người dân chỉ cần gọi điện thoại và chuẩn bị các giấy tờ theo hướng dẫn và nhận lịch hẹn. Bác Lê Thanh Ny, phường An Hải Bắc cho biết: "Các bạn thanh niên hoặc dân quân tự vệ đến tận nhà hướng dẫn chuẩn bị và nhận hồ sơ mang đi. Khi hoàn thành thủ tục, các bạn ấy sẽ mang về nhà trao cho người dân mà không mất tiền phí vận chuyển. Ðúng là chính quyền phục vụ, nhất là lúc dịch bệnh đang căng thẳng và nguy hiểm như hiện nay".

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Thành ủy Ðà Nẵng xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân. Tiếp tục tổ chức thực hiện chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 theo hướng toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, từng bước hiện đại đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng và hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Theo tinh thần Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Ðà Nẵng, Ðảng bộ, chính quyền thành phố đang tập trung chỉ đạo, thực hiện việc xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở tổ chức hợp lý các cơ quan tham mưu giúp việc, khắc phục triệt để những chồng chéo, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các sở, ban, ngành; bảo đảm nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính. Xây dựng và vận hành mô hình chính quyền đô thị có đủ năng lực thực tiễn trong điều hành quản lý theo hướng hiện đại, tạo sự tương tác thân thiện với xã hội, người dân, với thị trường và doanh nghiệp; tạo ra và chia sẻ sự phát triển.

Theo Bí thư Thành ủy Ðà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, trong công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ này, Ðà Nẵng sẽ tập trung tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn cấp ủy và các tổ chức đảng trực thuộc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để ủy ban kiểm tra các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ. Ðồng thời, Trung ương cần có cơ chế để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, đơn vị trong việc khắc phục hậu quả những sai phạm, khuyết điểm của cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, sớm triển khai thực hiện cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Ðể từ đó, khơi dậy tinh thần cống hiến vì đất nước, xây dựng được bộ máy hành chính trong sạch, vững mạnh, từng bước chuyên nghiệp hóa theo hướng hiện đại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.