Từ mục tiêu "dân hưởng thụ" ở huyện Quỳnh Phụ

Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, đề cao nội dung dân tham gia và hưởng thụ đã giúp huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) góp phần đẩy nhanh đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo đà phát triển kinh tế-xã hội. Bài học quan trọng được Huyện ủy rút ra trong quá trình triển khai là để dân tin, làm theo thì trước hết cán bộ phải trách nhiệm, liêm chính.

Cựu chiến binh Phạm Văn Vạn (người thứ hai từ trái sang) trao đổi với các cán bộ huyện và tỉnh về kinh nghiệm vận động nhân dân hiến đất làm đường giao thông tại xã Quỳnh Ngọc.
Cựu chiến binh Phạm Văn Vạn (người thứ hai từ trái sang) trao đổi với các cán bộ huyện và tỉnh về kinh nghiệm vận động nhân dân hiến đất làm đường giao thông tại xã Quỳnh Ngọc.

Những tuyến đường "thần tốc"

Chào năm mới, bà con thôn Tân Mỹ, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ thêm niềm vui là tuyến đường huyện ÐH78 kết nối từ đê hữu sông Luộc đến đường tỉnh ÐT452 chạy qua thôn bước vào giai đoạn nghiệm thu. Ngắm dòng xe đi lại tấp nập trên tuyến đường dài tít tắp, trải nhựa phẳng phiu rộng đến chín mét, bác Nguyễn Văn Cường xúc động chia sẻ: Cách đây chỉ vài tháng, bà con nơi đây đi lại khó khăn lắm do tuyến đường hẹp lại xuống cấp nghiêm trọng. Nhà gần đường, con cái đi làm vất vả, chỉ mong Nhà nước sửa chữa thôi. Nhưng nay, chỉ trong thời gian ngắn đường được mở rộng, làm mới to đẹp. Cứ như một giấc mơ vậy.

Khi được hỏi về việc đền bù giải phóng mặt bằng, bác cho biết: Nếu theo chế độ thì gia đình bác với hơn 200 m2 đất phải thu hồi, trị giá bồi thường khoảng hơn một tỷ đồng. Nhưng gia đình không nhận đền bù mà tự nguyện góp đất theo phong trào nhân dân tự nguyện, thỏa thuận góp quyền sử dụng đất cho Nhà nước không đòi lại. Bác cũng giải thích luôn: Nếu mình đòi bồi thường, Nhà nước sẽ tốn kém và tuyến đường không biết bao giờ mới xong. Trong khi gia đình mình là những người đầu tiên được hưởng lợi từ tuyến đường. Vậy sao không đóng góp cùng với Nhà nước để đẩy nhanh tiến độ?!

Bí thư Huyện ủy Ðinh Trọng Xá chia sẻ: Giải phóng mặt bằng luôn là việc khó của địa phương nhiều năm qua. Thực tế cho thấy, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở mới coi trọng nội dung dân biết, dân bàn, dân kiểm tra. Trong công tác giải phóng mặt bằng lần này, huyện lấy mục tiêu "dân hưởng thụ" làm điểm nhấn. Cụ thể tháng 7/2021, Huyện ủy Quỳnh Phụ đã ra thông báo kết luận về việc vận động nhân dân tự nguyện, thỏa thuận góp quyền sử dụng đất cho Nhà nước không đòi lại để cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường huyện, đường liên xã do huyện làm chủ đầu tư. Quan trọng là tuyên truyền, giải thích để người dân trực tiếp liên quan thấy rõ mọi lợi ích được hưởng khi công trình hoàn thành. Từ đó, vận động nhân dân tự giác, tự nguyện chung sức tham gia… Với mục tiêu "dân hưởng thụ", huyện quyết định địa phương nào có 100% số hộ dân trên tuyến đường đồng thuận, tự nguyện góp quyền sử dụng đất để mở rộng đường huyện, đường liên xã thì được ưu tiên đầu tư xây dựng. Huyện hỗ trợ tài sản xây dựng và cây trồng hình thành hợp pháp trên đất tự nguyện góp quyền sử dụng đất để làm đường giao thông. Huyện cũng thực hiện tái định cư cho người dân có nhu cầu (nếu diện tích còn lại sau khi tự nguyện góp đất không bảo đảm xây dựng nhà ở, dưới 30 m2 ở đô thị và 40 m2 ở nông thôn).

Chủ trương khi đi vào cuộc sống đã nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của nhân dân trong huyện. Ðầu tiên là dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường huyện ÐH78 có tổng chiều dài 5,5 km, đi qua địa bàn ba xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Hoàng và Quỳnh Lâm với tổng nguồn vốn đầu tư 34,8 tỷ đồng do Ban quản lý dự án Ðầu tư xây dựng huyện Quỳnh Phụ làm chủ đầu tư. Trong năm ngày từ khi xã bắt đầu tổ chức tuyên truyền, vận động, toàn bộ 161 hộ trong xã có diện tích đất thu hồi phục vụ dự án đã đồng thuận, ký vào biên bản tự nguyện góp quyền sử dụng đất với diện tích 4.200 m2 đất, trong đó đất ở 2.200 m2, đất nông nghiệp 2.000 m2 và nhiều tài sản trên đất để mở rộng tuyến đường. Dự án đã lập kỷ lục về tiến độ giải phóng mặt bằng nhanh nhất tỉnh và giảm cho Nhà nước gần 10 tỷ đồng đầu tư.

Tiếp đến là tuyến đường ÐH76, cũng đã có 49 hộ dân góp quyền sử dụng đất để huyện có mặt bằng sạch thi công dự án. Theo Ủy ban nhân dân huyện Quỳnh Phụ việc triển khai hai dự án đường giao thông trên địa bàn thời gian qua, nhân dân đã góp đất, tài sản trị giá hơn 30 tỷ đồng, bằng mức đầu tư một công trình giao thông cấp huyện. Cách làm sáng tạo đã phát huy hiệu quả, huyện không những hoàn thành sớm các công trình giao thông quan trọng mà còn tiết kiệm được nguồn kinh phí khá lớn để đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi khác.

Vai trò của "đầu kéo"...

Những ngày đầu triển khai vận động nhân dân góp quyền sử dụng đất tại Quỳnh Phụ cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, một số hộ chưa đồng tình. Huyện ủy chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nắm bám người dân để tuyên truyền, vận động, giải thích. Ðặc biệt, Huyện ủy đề nghị cán bộ đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong thực hiện để tạo sức lan tỏa. Tại thôn Ðông Châu, xã Quỳnh Ngọc, cựu chiến binh Phạm Văn Vạn, thương binh hạng ¾, tiên phong vận động gia đình tự nguyện góp 200 m2 đất ở và đất nông nghiệp mà không đòi hỏi hỗ trợ hay bồi thường. Từ đây, nhiều gia đình khác đã học theo, không thắc mắc, đòi hỏi.

Huyện ủy Quỳnh Phụ nhận thấy nơi nào cán bộ tâm huyết, trách nhiệm, hết lòng vì dân thì nơi đó nhân dân luôn đồng thuận cao và ngược lại. Trong thực tiễn, vẫn còn cán bộ chưa thật sự gương mẫu làm giảm lòng tin của nhân dân. Ðây cũng là nguyên nhân khiến nhiều người dân còn chần chừ, ngần ngại khi tham gia phong trào. Vì vậy, lãnh đạo huyện yêu cầu cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa khắc phục hạn chế, khuyết điểm không chỉ trong công tác giải phóng mặt bằng mà trên tất cả các mặt nhằm củng cố lòng tin trong nhân dân. Tháng 10/2021, Huyện ủy có công văn về việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn huyện.

Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, các đơn vị, địa phương đã kiên quyết xử lý một số cán bộ, công chức, viên chức vi phạm. Ðiển hình như các xã Quỳnh Khê, An Thái, An Cầu, An Vũ, An Dục, An Ninh, địa phương đã phê bình, khiển trách một số cán bộ, công chức mắc sai phạm cả trong công việc lẫn tư cách đạo đức ở một số lĩnh vực nhạy cảm như: địa chính, tư pháp, quân sự, lao động-thương binh và xã hội. Thường trực Huyện ủy, lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Quỳnh Phụ đã kiểm điểm, phê bình và điều động một số công chức nêu trên sang công tác ở các địa phương khác. Cùng với đó, Ủy ban nhân dân huyện kiểm điểm hai lãnh đạo cấp phòng; kiểm điểm một thủ trưởng đơn vị sự nghiệp của huyện. Ðối với các địa phương để mất đoàn kết kéo dài, vi phạm đất đai nghiêm trọng, bỏ ruộng hoang, tuyển quân không bảo đảm chỉ tiêu, đốt pháo, giải phóng mặt bằng chậm tiến độ... huyện cũng đã xem xét trách nhiệm người đứng đầu giao cho Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy uốn nắn, nhắc nhở, cần thiết sẽ điều động, thay đổi vị trí công tác. Từ việc xử lý các sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức, công tác cải cách hành chính trên địa bàn huyện có chuyển biến rõ rệt. Việc chấp hành giờ làm việc, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức đối với người dân đã theo đúng chuẩn mực quy định; cán bộ địa chính ở một số địa phương đã chủ động tham mưu lãnh đạo địa phương trong công việc; cán bộ thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công không còn tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu; việc phát ngôn đã được kiểm soát; hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được phối hợp nhịp nhàng... Từ việc xử lý kiên quyết, triệt để những vi phạm trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã tạo hiệu ứng tốt trong quần chúng nhân dân, là cơ sở để người dân hiểu và tin vào sự lãnh đạo của người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương.

Những sáng tạo và các giải pháp đồng bộ của huyện Quỳnh Phụ không những giải quyết tốt "nút thắt" trong triển khai các dự án đầu tư xây dựng, kết cấu hạ tầng mà còn góp phần hoàn thành nhiều nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 song huyện cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh, kinh tế tiếp tục phục hồi và tăng trưởng khá. Tổng giá trị sản xuất ước đạt hơn 20 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 1.487,1 tỷ đồng, đạt 139,7% dự toán, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2020. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt kết quả toàn diện; quốc phòng-an ninh tiếp tục được củng cố; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.