Tăng tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phục vụ phát triển bền vững

Sau 35 năm tiến hành đổi mới, một trong những đổi thay rõ nét nhất là bộ mặt đô thị. Ðô thị hóa và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nước ta. Tuy nhiên, chất lượng đô thị hóa chưa cao, chủ yếu phát triển theo chiều rộng, gây lãng phí về đất đai và kéo theo các hệ lụy về kinh tế-xã hội... năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững. Vì vậy, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24/1/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm định hướng những nhiệm vụ và giải pháp để phát triển đô thị có hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Ðô thị phát triển bên sông Hàn, thành phố Ðà Nẵng. (Ảnh THANH GIANG)
Ðô thị phát triển bên sông Hàn, thành phố Ðà Nẵng. (Ảnh THANH GIANG)

Với quan điểm đô thị hóa là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới, Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị nêu rõ: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thống nhất nhận thức và hành động trong hoàn thiện thể chế, quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc và có tính tiên phong, dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, trở thành động lực phát triển là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị.

Hoàn thiện, đồng bộ thể chế, chính sách pháp luật

Nghị quyết đề ra mục tiêu đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt hơn 50%; tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,9-2,3%; số lượng đô thị toàn quốc khoảng 1.000 đến 1.200; hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các tiêu chí về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN. Tầm nhìn đến năm 2045, tỷ lệ đô thị hóa thuộc nhóm trung bình cao của khu vực và châu Á. Xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế…

Theo đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đây là Nghị quyết chuyên đề của Ðảng về lĩnh vực này và có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh chúng ta bắt đầu triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030. Ðể đạt mục tiêu đề ra, nhiệm vụ then chốt hiện nay là tập trung vào hoàn thiện thể chế, chính sách có tính đột phá, vượt trội cho phát triển đô thị bền vững, thúc đẩy kinh tế đô thị phát triển nhanh, hiệu quả.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, đầu tư, quy hoạch, phát triển đô thị, kiến trúc, xây dựng bảo đảm tính công khai, minh bạch, thống nhất, loại bỏ các mâu thuẫn, chồng chéo, tạo thuận lợi cho các địa phương trong xử lý các vấn đề liên ngành, liên vùng; đầu tư cải tạo, xây dựng kết cấu hạ tầng. Ðồng bộ các luật về đất đai, quy hoạch đô thị, xây dựng, kinh doanh bất động sản, nhà ở. Sớm xây dựng và ban hành luật về quản lý và phát triển đô thị bền vững; hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển đô thị thông minh, quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị và không gian ngầm đô thị…

Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, vấn đề quản lý và sử dụng đất đai được đưa ra bàn thảo và đi tới thống nhất ban hành Nghị quyết mới về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao". Hội nghị cũng chủ trương tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt hơn nữa luật pháp, chính sách về đất đai, trước hết là sửa đổi, bổ sung Luật Ðất đai năm 2013 và các văn bản pháp luật liên quan. Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc hoàn thiện luật pháp, chính sách pháp luật về đất đai là để "khắc phục những hạn chế, yếu kém tồn tại kéo dài lâu nay, đặc biệt là những hạn chế, yếu kém liên quan đến công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất; hỗ trợ bồi thường, tái định cư, thu hồi đất; chính sách tài chính đất đai và xác định giá đất; chế độ quản lý và sử dụng đất nông nghiệp; đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh, đất dành cho việc thờ tự, tôn giáo, nghĩa trang, nghĩa địa; quản lý nhà nước về đất đai…", "khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất nguồn lực tài nguyên đất đai; kiên quyết khắc phục tình trạng đầu cơ đất, sử dụng đất không đúng mục đích, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, gây khiếu kiện, bức xúc trong nhân dân". Quan điểm, chủ trương đó, thêm một lần nữa khẳng định rõ, đất đai là tài sản quốc gia, thậm chí là tài sản quan trọng nhất của quốc gia. Và có thể thấy quy hoạch sử dụng đất là nền tảng của nhiều quy hoạch, trong đó có quy hoạch phát triển đô thị; quy hoạch tốt, sử dụng hiệu quả đất đai góp phần quan trọng vào việc xây dựng, phát triển bền vững đô thị Việt Nam.

Trong Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành" được lựa chọn với ý nghĩa là một trong hai giám sát tối cao đầu tiên của nhiệm kỳ. Thực tế tại các địa phương cho thấy, quá trình triển khai Luật còn khó khăn, vướng mắc, một số quy định còn bất cập, những phức tạp trong quá trình triển khai chưa được dự báo hết… do đó, yêu cầu cấp bách là cần nghiên cứu, sửa đổi các văn bản pháp luật về công tác quy hoạch còn mâu thuẫn, chồng chéo để tháo gỡ kịp thời.

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, trong khi góp ý về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực, cũng đề nghị cần đồng bộ chính sách, pháp luật và quy hoạch phải đi trước một bước. Ông nêu thí dụ: Theo quy định của Luật Quy hoạch, việc lập Quy hoạch tổng thể quốc gia nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khớp nối hệ thống quy hoạch trong cả nước. Ðó là sự khớp nối đồng bộ giữa quy hoạch tổng thể quốc gia-quy hoạch ngành-quy hoạch không gian biển quốc gia, để làm căn cứ lập quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh. Theo Ðiều 6 Luật Quy hoạch thì khi lập các "hợp phần quy hoạch" phải phù hợp với các quy hoạch cấp trên như: quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng… Việc quy hoạch tổng thể quốc gia hiện chưa được ban hành sẽ thiếu các căn cứ để phê duyệt quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh. Ðây chính là nút thắt cần tháo gỡ đồng bộ. Luật Quy hoạch có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 đồng nghĩa với việc từ thời điểm đó, các Luật Quy hoạch chuyên ngành trước đây sẽ hết hiệu lực, trong khi các quy hoạch phải thực hiện theo Luật Quy hoạch mới lại chưa có, đã gây rất nhiều khó khăn cho các dự án. Nhiều quy hoạch đã lập xong nhưng không thể điều chỉnh bổ sung và phê duyệt theo quy định của pháp luật chuyên ngành, mà phải trình thủ tục mới theo Luật Quy hoạch, gây ách tắc ảnh hưởng đến đầu tư phát triển.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị

Song song với hoàn thiện, đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật, nhân tố con người đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình đô thị hóa. Nghị quyết số 06-NQ/TW nêu nhiệm vụ nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững. Trong đó đổi mới toàn diện về phương pháp, quy trình, nội dung và sản phẩm quy hoạch theo hướng quy hoạch đô thị phải có cách tiếp cận đa ngành, bao trùm, tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị…

Yêu cầu này đòi hỏi phải nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Ðánh giá về tình hình, nguyên nhân của việc tỷ lệ đô thị hóa đạt thấp hơn mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 và chất lượng đô thị hóa chưa cao, Trung ương đã chỉ rõ nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Ðó là nhận thức về đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững chưa đầy đủ, chưa được quan tâm đúng mức. Do vậy, nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm là cần phải nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và sự cần thiết phải đô thị hóa và phát triển đô thị nhanh và bền vững. Các cấp ủy và chính quyền địa phương tăng cường sự lãnh đạo đối với việc xây dựng và thực hiện chương trình phát triển đô thị, chỉnh trang, tái thiết đô thị và phát triển kinh tế đô thị; nắm bắt được quy luật, nhận thức đúng và đầy đủ về đặc thù của đô thị để chủ động, sáng tạo các giải pháp phát triển của địa phương.

Về bộ máy quản lý đô thị phải tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phân định rõ trách nhiệm, giảm tầng nấc trung gian không cần thiết; đồng thời nâng cao tính minh bạch, năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý của chính quyền đô thị. Phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn, cơ chế phối hợp giữa Trung ương với địa phương và giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Thực hiện phân cấp và trao quyền mạnh mẽ cho các địa phương trong quản lý đô thị; chú trọng phân cấp tài chính; linh hoạt trong sử dụng nhân sự. Ðối với các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các thành phố trực thuộc Trung ương, nhiệm vụ rất quan trọng là phải trở thành các đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị. Do vậy, các địa phương này phải củng cố bộ máy, tổ chức để nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ; tiến hành rà soát để xây dựng, thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách phát triển, các chương trình cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị. Trước mắt, tổng kết, đánh giá mô hình ban chỉ đạo thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội, vùng thành phố Hồ Chí Minh; nghiên cứu, xác định mô hình quản lý vùng đô thị phù hợp cho giai đoạn mới.

Theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Phạm Trần Hải, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh, thành phố trực thuộc Trung ương là các khu vực đô thị hóa trọng điểm. Quy hoạch chung xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương có vai trò quan trọng trong định hướng quá trình đô thị hóa. Vì vậy, đánh giá việc thực thi quy hoạch chung xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương, cần đánh giá đầy đủ về nguồn lực, hiệu quả và tác động chứ không chỉ tập trung đánh giá về hoạt động triển khai và kết quả của thực thi quy hoạch. Các nguồn lực chính được sử dụng trong thực thi quy hoạch là: đất đai, tài chính, con người, thể chế. Hầu hết các báo cáo đánh giá thực thi quy hoạch đều không đánh giá các nguồn lực đã được sử dụng, nhất là nguồn lực tài chính. Do đó, khi điều chỉnh quy hoạch và lập mới quy hoạch cho kỳ sau, các nhà lập quy hoạch vẫn chưa nhận định đầy đủ và khắc phục những bất cập liên quan việc đặt mục tiêu quy hoạch vượt quá khả năng cho phép của nguồn lực có thể huy động. Ðánh giá hiệu quả và tác động của việc thực thi quy hoạch sẽ làm rõ chất lượng quy hoạch, làm rõ đóng góp của kết quả thực thi quy hoạch vào hiệu quả phát triển đô thị và tác động kinh tế-xã hội-môi trường của đô thị.

Phát triển đô thị bền vững không thể không nhắc đến vai trò của nhân dân, chủ nhân đô thị, góp phần vào quá trình đô thị hóa, đồng thời hưởng thụ chất lượng sống ở đô thị. Cần phát huy quyền làm chủ của nhân dân thông qua hiệu quả tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị và cộng đồng vào quá trình xây dựng, giám sát thực hiện chiến lược, quy hoạch, chính sách đô thị hóa, phát triển đô thị và kinh tế đô thị, nhằm đẩy mạnh tiến độ và nâng cao hiệu quả đô thị hóa, phát triển đô thị Việt Nam bền vững, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.