Sóc Trăng cần xác định giá trị cốt lõi để định hướng phát triển

NDO -

Sóc Trăng cần đặt tư duy phát triển theo hướng liên kết vùng, hướng đến sản xuất nông nghiệp đa dạng, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm kết hợp công nghệ chế biến, logistic và năng lượng tái tạo, du lịch đặc thù.

Sóc Trăng cần xác định giá trị cốt lõi để định hướng phát triển

Đó là ý kiến của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong tại Hội nghị tổng kết Nghị quyết số 21-NQ/TW và Kết luận 28-KL/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long các giai đoạn 2001-2010 và 2011-2020 do Tỉnh ủy Sóc Trăng tổ chức ngày 24/11.

Tại Hội nghị nêu trên, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã báo cáo tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị năm 2021 và tổng kết thực hiện Nghị quyết số 21 NQ/TW của Bộ Chính trị; ý kiến của các thành viên trong đoàn công tác và các tham luận, kiến nghị của các sở ngành, địa phương trong tỉnh Sóc Trăng.

Đánh giá kết quả đạt được qua quá trình thực hiện Nghị quyết số 21 NQ/TW của Bộ Chính trị, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho rằng, qua thực hiện Nghị quyết 21 NQ/TW và Kết luận 28 KL/TW của Bộ Chính trị đã giúp quy mô và tiền lực kinh tế của tỉnh Sóc Trăng được cải thiện đáng kể. Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng kinh tế của tỉnh vẫn đạt tăng trưởng ước hơn 4%. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2021 tăng 12%. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 27.565 tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 1 tỷ 150 triệu USD, vượt 15% chỉ tiêu Nghị quyết. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ; an ninh chính trị được giữ vững, an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức được tăng cường.

Tuy nhiên, Sóc Trăng cũng nhận ra những hạn chế như tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, hoạt động văn hóa-xã hội còn hạn chế, đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nguy cơ tái nghèo còn cao; an ninh quốc phòng từng lúc, từng nơi còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định; công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị từng lúc chưa kịp thời…

Trên cơ sở phân tích, nhận định và dự báo, đồng chí Nguyễn Thành Phong chia sẻ, Sóc Trăng cần nhận ra những điểm nghẽn ảnh hưởng đến xu thế phát triển của địa phương như kết cấu hạ tầng yếu, nhất là giao thông, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu và thể chế, chính sách chưa phù hợp. Tỉnh cần đặt tư duy phát triển theo hướng liên kết vùng, hướng đến sản xuất nông nghiệp đa dạng, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm kết hợp công nghệ chế biến, logistic và năng lượng tái tạo, du lịch đặc thù… Tăng cường hơn nữa công tác phát triển văn hóa, bảo đảm an ninh quốc phòng và đặc biệt là xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Thay mặt địa phương, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Sóc Trăng Hồ Thị Cẩm Đào đã cảm ơn đoàn công tác và đồng chí Nguyễn Thành Phong. Những ý kiến được chia sẻ từ các thành viên trong đoàn rất xác đáng, giá trị sẽ được Tỉnh ủy tiếp thu, bổ sung vào Báo cáo thực hiện Nghị quyết 21 và Kết luận 28 của Bộ Chính trị.

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã tặng bằng khen cho 19 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 21 NQ/TW và Kết luận 28 KL/TW của Bộ Chính trị.