Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV

Quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội

Ngày 7/1, Quốc hội làm việc trực tuyến, thảo luận dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội (Hàng trên) điều hành phiên họp. Ảnh: ÐĂNG KHOA
Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội (Hàng trên) điều hành phiên họp. Ảnh: ÐĂNG KHOA

Nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế

Theo Tờ trình của Chính phủ, mục tiêu của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội nhằm: Khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5-7%/năm giai đoạn 2021-2025, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn; phục hồi, phát triển nhanh sản xuất, kinh doanh, nhất là ngành, lĩnh vực quan trọng, tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trên cơ sở thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Ðể thực hiện mục tiêu, Chương trình xác định khung những vấn đề trọng tâm, cần tập trung giải quyết, bao gồm năm nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong hai năm 2022-2023: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh (60 nghìn tỷ đồng); bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm (53,15 nghìn tỷ đồng); hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (110 nghìn tỷ đồng); phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển (113,85 nghìn tỷ đồng); cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, huy động từ các quỹ tài chính ngoài ngân sách khoảng 10 nghìn tỷ đồng.

Thảo luận nội dung nêu trên, phần lớn đại biểu tán thành mục tiêu cũng như các giải pháp tài khóa, giải pháp tiền tệ như Tờ trình của Chính phủ. Các đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình), Mai Văn Hải (Thanh Hóa) và nhiều đại biểu nhấn mạnh, bên cạnh yêu cầu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài, gắn kết chặt chẽ với các kế hoạch đã được Quốc hội thông qua, Chương trình cần tính đến việc nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế. Nguồn lực đưa ra phải hấp thụ được ngay trong hai năm triển khai Chương trình bằng việc phân bổ hợp lý, lộ trình thích hợp, có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, xác định đúng nội dung, đối tượng cần hỗ trợ, tránh lãng phí nguồn lực, gắn trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và cấp ủy, chính quyền các cấp với kết quả thực hiện. Các giải pháp tài khóa, tiền tệ cần xác định nhu cầu cụ thể của nền kinh tế, nhất là nhu cầu của doanh nghiệp, người dân, nhu cầu về việc làm, lao động để đưa ra khung chính sách phù hợp. Từ quan điểm này, nhiều đại biểu cho rằng, giải pháp bền vững nhất vẫn là giải quyết việc làm, nuôi dưỡng doanh nghiệp chính là chìa khóa để giải quyết bài toán an sinh xã hội trong thời điểm hiện nay. Do đó, đề nghị Chính phủ lựa chọn đúng và trúng đối tượng trong giai đoạn phục hồi, khi dư địa chính sách dần thu hẹp, các chính sách hỗ trợ cần chọn lọc hơn, tập trung hơn, cần hướng vào những doanh nghiệp có sức lan tỏa đến các khu vực khác trong nền kinh tế, từ các chuỗi cung ứng này sẽ hình thành liên kết vùng, tạo điều kiện để tăng cầu lao động, hỗ trợ an sinh xã hội, bảo đảm ổn định cuộc sống cho người lao động.

Ða số ý kiến thống nhất với chủ trương miễn, giảm một số loại thuế, phí, trong đó thống nhất chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% áp dụng cho các mặt hàng chịu thuế suất 10%, nhưng đề nghị rà soát đối tượng áp dụng, cần tập trung vào các ngành, lĩnh vực cần được kích cầu, có tác dụng lan tỏa. Tán thành với quan điểm này, nhưng đại biểu Trần Ðình Văn (Lâm Ðồng) cho rằng, giải pháp tài khóa quy định tại dự thảo còn nhiều điểm chưa hợp lý, đề nghị Chính phủ cân nhắc mở rộng phạm vi và tăng mức giảm, đặc biệt là giảm thuế giá trị gia tăng mạnh hơn cho ngành dịch vụ, mặt hàng thiết yếu để vừa kích thích được thị trường, vừa hỗ trợ cung-cầu, mang lại giá trị tốt cho xã hội.

Về chính sách hỗ trợ lãi suất, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ tập trung vào một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi hoặc được bảo lãnh tín dụng; chú trọng khoản vay tạo dư địa cho phục hồi và phát triển như cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê… quy định rõ đối tượng, phạm vi, điều kiện vay vốn, kiểm soát chặt chẽ, tránh trục lợi chính sách.

Nhiều đại biểu đề nghị cần lượng hóa các giải pháp của chính sách tiền tệ để đánh giá tác động đến nền kinh tế, xem xét việc chủ động sử dụng đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ để giảm mặt bằng lãi suất. Ðại biểu Ðàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) và một số đại biểu đề nghị, trong triển khai thực hiện cần đưa ra các tiêu chí, nguyên tắc rõ ràng, quy định thứ tự ưu tiên, các nội dung cụ thể cần làm ngay, nội dung cần triển khai từng bước để bảo đảm tính khả thi. Ngoài các giải pháp được quy định tại dự thảo nghị quyết, cần rà soát, bổ sung giải pháp về cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Cần quy định kịp thời việc thực hiện hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Ðẩy nhanh việc rà soát, tháo gỡ các rào cản về thể chế, các quy định pháp luật cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tập trung nâng cao năng lực quản lý xã hội, quản lý nhà nước, xử lý kịp thời các công việc trên nền tảng trực tuyến, quy định chặt chẽ công tác giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm trong hoạt động đầu tư công, quản lý tài chính nhà nước.

Quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội -0

Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: KHOA LINH 

Cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Cần Thơ là cần thiết

Tại phiên họp trực tuyến chiều qua, Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ. Các đại biểu cho rằng, việc ban hành nghị quyết là đủ cơ sở chính trị, căn cứ thực tiễn, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị, đồng thời tạo cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng TP Cần Thơ thành trung tâm phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Các nội dung trong dự thảo cơ bản bảo đảm tính tương đồng với các thành phố lớn khác trong cả nước; đã có những chính sách đặc thù tương thích với đặc điểm riêng, tạo cơ sở phát huy được thế mạnh của vị trí địa lý, tiềm năng kinh tế, lợi thế con người.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị, để bảo đảm phát triển bền vững, cần khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên trên nguyên tắc bảo vệ môi trường sinh thái. Ðề cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý nhà nước; thu hút thực chất và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển kinh tế-xã hội, nhất là cho phát triển cơ sở hạ tầng và các ngành kinh tế có tiềm năng, lợi thế đặc thù.

Khủng hoảng hiện nay xuất phát từ dịch Covid-19 chứ không phải từ khủng hoảng tài chính như giai đoạn 2007-2008. Do vậy, các chính sách hỗ trợ phải lấy y tế làm trọng tâm, then chốt, còn chính sách kinh tế vĩ mô là công cụ mang tính hỗ trợ. Trong khi đó, tại Tờ trình của Chính phủ, hỗ trợ cho ngành y tế hiện nay là 60 nghìn tỷ đồng, tương đương 17,3% tổng gói hỗ trợ. Tôi cho rằng, mức hỗ trợ này không tương xứng với vai trò tuyến đầu của ngành y tế trong công tác đẩy lùi dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Ðại biểu NGUYỄN NHƯ SO (Bắc Ninh)

Ðể nền kinh tế Việt Nam nhanh chóng phục hồi, quan trọng là phải thích ứng an toàn với dịch Covid-19. Việc có vắc-xin trong nước sản xuất là nhiệm vụ quan trọng. Do đó, tôi đề nghị làm rõ kết quả nghiên cứu vắc-xin của nước ta đến thời điểm này như thế nào, khi nào thì đủ điều kiện được phê duyệt sản xuất, cung ứng để tiêm cho người dân?

Ðại biểu NGUYỄN VĂN HUY (Thái Bình)