Nhân dân vùng biên giới Tây Ninh thiết thực học tập Bác

Qua một năm triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về "Ðẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", địa bàn biên giới tỉnh Tây Ninh xuất hiện thêm nhiều tập thể, cá nhân có những việc làm tuy nhỏ nhưng thiết thực, nhân văn.

Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thanh Ðức, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh trao bò tặng hộ viên nghèo.
Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thanh Ðức, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh trao bò tặng hộ viên nghèo.

Theo đánh giá của Thường trực Tỉnh ủy Tây Ninh, năm qua, toàn Ðảng bộ tỉnh đã tích cực thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, đồng thời quán triệt sâu sắc bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" đăng trên Báo Nhân Dân. Dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng công tác tuyên truyền nhằm nâng cao lý luận chính trị, đạo đức cách mạng vẫn được triển khai bài bản thông qua hình thức trực tuyến đến cấp xã với sự tham gia của đông đảo cán bộ, đảng viên. Sau hội nghị học tập, quán triệt, các cấp ủy tiếp tục phổ biến sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động. Vì thế, ngày càng có thêm nhiều gương tốt, việc tốt được ghi nhận.

Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở huyện Dương Minh Châu (tâm dịch của Tây Ninh), thực hiện lời dạy của Bác "lương y như từ mẫu", bác sĩ Lâm Thị Tợi, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác tiếp nhận, điều tra hơn 500 người từ các cửa khẩu về các khu cách ly tập trung. Chị Tợi cùng đồng nghiệp theo dõi sức khỏe các đối tượng trong tám khu cách ly và điều trị khỏi bệnh 624 ca. Năm 2021, bác sĩ Tợi được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Chị Lâm Thị Reo, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Suối Ðá (huyện Dương Minh Châu) là người có uy tín của dân tộc rất ít người Tà Mun. Bằng tấm lòng và sự chân thành, chị đã vận động thành công tất cả các hộ Tà Mun trong xã tham gia Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; động viên 100% trẻ em người dân tộc Tà Mun và trẻ người dân tộc Kinh trong độ tuổi đến trường học; tuyên truyền thực hiện tốt công tác kế hoạch hóa gia đình (người Tà Mun ở địa phương không có trường hợp sinh con thứ 3). Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát, tin tưởng chị, nhiều nhà hảo tâm đã ủng hộ tiền, nhu yếu phẩm,... trị giá gần 2,5 tỷ đồng để hỗ trợ người dân xã Suối Ðá.

Việc nhỏ mà thiết thực là tấm gương nông dân Nguyễn Văn Sáu (thị xã Trảng Bàng). Trong dịch Covid-19, ông Sáu lặng lẽ cần mẫn trên đồng nhà, trồng khóm Queen kết hợp nuôi cá. Nhờ đó, gia đình ông có nguồn thu hơn 3,9 tỷ đồng. Có tiền tích cóp, ngay khi địa phương chuyển sang trạng thái "bình thường mới", ông Sáu tạo việc làm cho 52 lao động và giúp đỡ 18 hộ nghèo khác về giống, kỹ thuật,... Ông ủng hộ 650 triệu đồng để xây nhà tặng bà con. Người nông dân có tấm lòng vàng chia sẻ: Bác Hồ của chúng ta sống bình dị, gần gũi. Ai cũng có thể học tập và làm theo Bác để trở thành công dân tốt. Tôi nhớ Người có nói câu "Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh" nên tôi luôn cố gắng làm theo lời dạy ấy.

Ðồng chí Lê Thành Công, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết, để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng lan tỏa rộng với những hành động, việc làm sâu sắc, thiết thực hơn, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phát huy mạnh mẽ vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông, các bản tin nội bộ và đội ngũ báo cáo viên; đồng thời mở rộng phương thức tuyên truyền mới là các diễn đàn trên mạng xã hội. Tỉnh ủy còn tổ chức cuộc thi viết "Gương người tốt quanh ta", đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái xấu, tiêu cực, biểu hiện suy thoái… Cuộc thi đem lại hiệu quả đáng kể đối với công tác giáo dục tư tưởng, những tấm gương bình dị mà cao quý được phản ánh đã có tác dụng lôi cuốn nhiều người thực hành làm theo, qua đó có thêm nhiều tập thể tiên tiến.

Trong đợt cao điểm chống dịch Covid-19, Ðảng ủy Công an Tây Ninh đã huy động 331 cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ thực hiện công tác truy vết hơn 10 nghìn ca nghi nhiễm và 30 nghìn trường hợp F1, F2; cử 1.888 cán bộ, chiến sĩ tham gia 614 chốt, tổ kiểm soát phòng, chống dịch. Ðồng thời, Ðảng ủy Công an tỉnh còn vận động cán bộ, chiến sĩ quyên góp được số tiền 750 triệu đồng để hỗ trợ các gia đình gặp khó khăn do dịch bệnh. Cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Phước Chỉ (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh) phát huy truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ" đã tổ chức 528 cuộc tuần tra, mật phục, kiểm soát tốt biên giới, khởi tố bảy đối tượng về hành vi "tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép".

Hội Phụ nữ xã Thạnh Ðức (huyện Gò Dầu) thành lập các mô hình "Nuôi heo đất", "Hũ gạo tình thương", "Tổ phụ nữ từ thiện", "Tủ quần áo miễn phí cho người nghèo"…; từ đó, Hội đã tiết kiệm được hơn 500 triệu đồng để trao 97 suất học bổng, 18.800kg gạo, 576 phần quà, may và cấp phát 1.525 khẩu trang vải, nấu hơn 5.000 suất ăn sáng, 900 suất cơm tặng tình nguyện viên, chiến sĩ tham gia chống dịch và người dân. Hội đồng Ðội huyện Châu Thành tổ chức nhiều lớp kỹ năng phòng, chống bạo lực, chống xâm hại, phòng, chống đuối nước, thu hút 16 nghìn thiếu nhi tham gia, được Trung ương Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng Bằng khen…

Theo đồng chí Phạm Hùng Thái, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, việc thực hiện nghiêm túc Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị, đồng thời đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng, kịp thời biểu dương những tấm gương điển hình, người tốt, việc tốt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú đã có tác dụng "phủ xanh thông tin tích cực, đẩy lùi thông tin tiêu cực", lan tỏa hành động nhân văn, lối sống đẹp trên toàn địa bàn. Nhiều cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp đã nêu cao ý thức tự giác, gương mẫu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.