Coi trọng vai trò pháp chế doanh nghiệp

Hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang được thành lập ngày càng nhiều (chiếm hơn 95% tổng số doanh nghiệp Việt Nam). Đây cũng là những doanh nghiệp rất đa dạng về hình thức hoạt động, về loại hình doanh nghiệp (tư nhân, TNHH, cổ phần)... Tuy nhiên đây cũng chính là mô hình còn nhiều điều đáng bàn.

Doanh nghiệp làm thủ tục nộp thuế tại Cục Thuế TP Hà Nội.
Doanh nghiệp làm thủ tục nộp thuế tại Cục Thuế TP Hà Nội.

Nhân lực vừa thiếu vừa yếu Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam luật sư Tô Hoài Nam cho biết, doanh nghiệp vừa và nhỏ là khu vực kinh tế tăng nhanh. Năm 2001, trung bình 964 người dân có một doanh nghiệp được thành lập. Năm 2010, con số này là 293. Khu vực này đã tạo ra hơn 60% số lao động làm việc trong doanh nghiệp nói chung, mỗi năm tăng thêm nửa triệu lao động.

Tuy đông đảo nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ phần lớn mới được thành lập từ sau Luật Doanh nghiệp năm 2000. Để bảo đảm hành lang pháp lý trong quá trình hội nhập phù hợp thông lệ Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO), trong một thời gian ngắn, Nhà nước đã ban hành rất nhiều văn bản pháp luật. Tuy nhiên, nhận thức pháp luật nói chung trong khu vực này có thể nói còn nhiều hạn chế. Một trong những nguyên nhân là đội ngũ cán bộ, nhân lực làm pháp chế vừa thiếu, vừa yếu. Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ không có cán bộ chuyên trách pháp chế, không thuê chuyên gia, tư vấn pháp luật hỗ trợ thường xuyên cho doanh nghiệp, cán bộ quản lý. Thiếu ý thức pháp luật và không có cán bộ pháp chế tham mưu càng làm cho doanh nghiệp rơi vào trạng thái yếu thế hơn, nhất là khi xảy ra các tranh chấp quốc tế.

Điều quan trọng hiện nay đó là nhận thức về vai trò, ý nghĩa của pháp luật của phần lớn chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp còn hạn chế, không được đào tạo cơ bản về pháp luật. Cá biệt có nhiều chủ sở hữu doanh nghiệp khi thành lập ra nhưng không hiểu gì về mô hình hoạt động của Hội đồng Quản trị, Hội đồng thành viên trong công ty như thế nào?

Điều đó đã dẫn đến hàng loạt các hệ lụy về pháp lý diễn ra sau đó mà pháp luật hiện nay đang rất khó khăn trong việc giải quyết hậu quả như vấn đề doanh nghiệp bỏ trốn, vấn đề lập doanh nghiệp để mua bán hóa đơn, vấn đề doanh nghiệp chấm dứt hoạt động nhưng không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước...

Trên thực tế, doanh nghiệp khi hoạt động sẽ chịu sự điều chỉnh của rất nhiều bộ luật trong khi nhận thức pháp luật của phần đông các lãnh đạo doanh nghiệp vừa và nhỏ có giới hạn, cộng thêm tâm lý ngại va chạm, sợ rườm rà. Yêu cầu của bộ phận pháp chế là phải bảo đảm tính pháp lý, hạn chế rủi ro trong khi các lãnh đạo thường cho đó là sự rắc rối, phức tạp hóa vấn đề... Vì thế đôi khi doanh nghiệp làm ẩu, làm cho qua chuyện nhưng không tính đến hậu quả. Đến khi có sự cố, có tranh chấp xảy ra thì mới lo tìm cách "dọn dẹp hiện trường" mà đôi khi đã quá trễ, chịu thiệt hại lớn.

Nên sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý thay bộ phận pháp chế ?

Cũng như nhiều loại hình doanh nghiệp khác, doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng gặp nhiều rủi ro pháp lý liên quan đến thuế, đất đai, thanh tra lao động. Tuy nhiên do ý thức pháp luật còn hạn chế, cộng với tâm lý ngại va chạm nên các doanh nghiệp này hay dùng đến các "mối quan hệ" để giải quyết các vấn đề pháp lý hoặc chưa có ý thức phòng ngừa các rủi ro pháp lý.

Thí dụ một doanh nghiệp bị vướng vào vấn đề về thuế, hải quan, họ thường "nhờ cậy" cán bộ công chức nhà nước trong các lĩnh vực đó. Các cán bộ công chức nhà nước sẽ tư vấn cho họ phương thức xử lý và tất nhiên phải có "hoa hồng" cho vụ việc "thuận buồm xuôi gió".

Theo Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn, tâm lý của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay đó là khi có khó khăn nhờ luôn cán bộ công chức nhà nước làm việc tại đó. Tâm lý quen biết, "quan hệ" một phần nào đấy hiệu quả nhưng ở mức độ nào đấy lại ảnh hưởng đến tính chuyên nghiệp. Với tâm lý như vậy nên họ không quan tâm đến việc xây dựng bộ máy.

Trong khi đó đối với doanh nghiệp nước ngoài, trước khi ra quyết định, ký kết hợp đồng đều tham vấn ý kiến luật sư, đó là thông lệ quốc tế.

Nếu doanh nghiệp của mình chỉ chủ yếu dựa vào quen biết, dựa vào xoay xở sẽ không mang tính chuyên nghiệp. Việc một số người ở cơ quan nhà nước có quan điểm là cần gì luật sư tư vấn, cứ đến tôi tư vấn cho, chính là nguồn gốc của bảo kê, tham nhũng.

Mặc dù rất đông doanh nghiệp tham gia vào các Hiệp hội doanh nghiệp, song chưa có nhiều doanh nghiệp tìm đến các hội đó để yêu cầu bảo vệ quyền lợi cho mình. Bên cạnh đó cũng có nhiều doanh nghiệp không có bộ phận pháp chế sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý cho hoạt động của mình mà chỉ thuê để giải quyết sự vụ.

Ông Tuấn cho biết, thậm chí cả việc sử dụng luật sư khi ký kết các hợp đồng kinh doanh cũng là chuyện hiếm. Có những vị chủ doanh nghiệp ký những hợp đồng có giá trị rất lớn nhưng nội dung các điều khoản lại quá sơ sài. Vì không chú trọng đến những điều đó nên khi có tranh chấp thì thiệt hại rất lớn.

Kết quả khảo sát 473 doanh nghiệp tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và bảy tỉnh, thành phố khác năm 2008 của Bộ Tư pháp cho thấy chỉ có khoảng 30% số doanh nghiệp thường xuyên sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư và hơn 1/3 các doanh nghiệp này tập trung ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Trong số các doanh nghiệp có sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư thì chỉ có 19,5% số doanh nghiệp ký hợp đồng thường xuyên với luật sư, còn lại là hợp đồng theo vụ việc.

Về vấn đề thiếu và yếu pháp chế trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Tuấn cho rằng không nhất thiết họ phải có bộ phận pháp chế trong doanh nghiệp. "Tôi không nghĩ nhất thiết phải có bộ phận pháp chế, đặc biệt là với những doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Họ có thể sử dụng đội ngũ luật sư để hỗ trợ. Anh chỉ cần có tư vấn pháp luật vài lần một tháng thì ký kết hợp đồng dịch vụ tư vấn pháp lý với hãng luật nào đấy, trong khi "nuôi" một luật sư giỏi hoặc một bộ phận pháp chế thường xuyên rất tốn kém. Hiện nay không có nhiều người sử dụng luật sư do nhiều nguyên nhân khác nhau: văn hóa, nhận thức. Tôi nghĩ Nhà nước nên có chính sách thúc đẩy, khuyến khích việc sử dụng dịch vụ pháp lý." Còn theo Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Doanh nghiệp Nguyễn Duy Lãm (Bộ Tư pháp), nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không có bộ phận pháp chế. Lãnh đạo các doanh nghiệp này chưa nhận thức đầy đủ vai trò của pháp chế nên họ không nắm chắc các chính sách, chủ trương, pháp luật của Nhà nước. Khi có vụ việc xảy ra mới mời luật sư.

Điều này tăng nguy cơ chịu thiệt hại, bồi thường hợp đồng đối với các giao dịch thương mại quốc tế.

"Chúng ta cần tạo thói quen doanh nghiệp sử dụng luật sư riêng vì hiện nay việc này chưa phổ biến. Có một vị giám đốc doanh nghiệp chỉ vì tin nhân viên cấp dưới mà bị cáo buộc về tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng và đang phải đối mặt với mức án 16 năm tù. Câu chuyện mà chúng ta đặt ra ở đây đó là, nếu được tham vấn tốt từ đội ngũ cán bộ pháp chế ngay từ đầu thì có lẽ sự việc sẽ khác." Có thể nói, pháp chế doanh nghiệp là bộ phận cần thiết, tạo khung pháp lý ổn định và hiệu quả trong hoạt động của các doanh nghiệp. Tuy nhiên có thể tùy thuộc vào loại hình kinh doanh mà các doanh nghiệp có thể lựa chọn phương thức tư vấn pháp lý thật sự phù hợp, bảo đảm lợi ích kinh doanh của doanh nghiệp.

Pháp chế là cần thiết nhưng không có nghĩa bắt buộc phải có trong mọi loại hình. Vấn đề nằm ở chỗ doanh nghiệp sử dụng và sử dụng hiệu quả các chính sách pháp luật của Nhà nước vào kinh doanh, am hiểu thương mại quốc tế, sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật hiệu quả, để phát triển doanh nghiệp và góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển.

Tính từ năm 2009 đến nay, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với 33 vụ kiện phòng vệ thương mại từ khắp các thị trường nhập khẩu, trong đó nhiều nhất là bị kiện bán phá giá với 22 vụ. Mặt hàng xuất khẩu bị kiện bán phá giá đủ loại từ các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như tôm, cá tra, cá ba sa, thép cán nguội nhập khẩu, thép mạ kẽm và thép mạ mầu, lốp xe máy, sợi nhập khẩu... đến các sản phẩm đặc thù như máy biến thế.