Kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước

Chiến dịch Tây Nguyên - nghệ thuật nghi binh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975

LTS - Kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, từ số báo này, Báo Nhân Dân mở chuyên mục "40 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước", nhằm ôn lại giai đoạn lịch sử đấu tranh gian khổ, hào hùng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ở hai miền nam, bắc, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đồng thời, tiếp tục khẳng định vị trí, tầm vóc vĩ đại, giá trị lịch sử to lớn của Chiến thắng 30-4-1975, giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

Chiến dịch Tây Nguyên (từ ngày 4-3 đến 3-4-1975), đòn mở đầu trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta giành thắng lợi, đã tạo nên bước ngoặt làm thay đổi cục diện chiến tranh. Thành công của chiến dịch đã khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của T.Ư Đảng, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân giải phóng miền nam, sự suy sụp nhanh chóng của quân đội cùng chính quyền Sài Gòn.

Tây Nguyên lúc đó có diện tích khoảng 60.000 km2, gồm các tỉnh: Kon Tum, Plây Cu, Phú Bổn, Đác Lắc và một phần tỉnh Quảng Đức; được người Pháp coi là "mái nhà Đông Dương". Ai làm chủ được địa bàn này sẽ làm chủ được Đông Dương. Thay chân thực dân Pháp, đế quốc Mỹ càng chú trọng hơn vị trí chiến lược quân sự này. Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã tăng cường nhiều biện pháp để kìm kẹp đồng bào các dân tộc, ngăn chặn phong trào cách mạng ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, với tinh thần quật khởi, quân và dân Tây Nguyên đã liên tục đấu tranh, từng bước đánh bại âm mưu, hành động xâm lược của địch. Nhất là, với thắng lợi bắc Tây Nguyên năm 1972, đã góp phần cùng quân và dân cả nước đánh đòn quyết định, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Dù vậy, Mỹ vẫn ngấm ngầm viện trợ quân sự và hối thúc chính quyền Sài Gòn phá hoại Hiệp định, âm mưu chia cắt lâu dài nước ta. Trước tình hình đó, tháng 7-1973, Ban Chấp hành T.Ư Đảng họp Hội nghị lần thứ 21 chỉ rõ: Con đường tiến lên của cách mạng miền nam là con đường cách mạng bạo lực. Bất kể trong tình huống nào cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công...

Tháng 3-1974, Quân ủy T.Ư họp, chủ trương ra sức xây dựng lực lượng, nhất là bộ đội chủ lực từng bước nâng dần trình độ đánh tiêu diệt. Theo đó, từ cuối năm 1973 đến 1974, tất cả các chiến trường trên toàn miền nam đã chuyển sang phản công và tiến công kiên quyết, đánh bại âm mưu lấn đất, giành dân của địch. Tại Tây Nguyên, ta đã đánh chiếm căn cứ Chư Nghé, Mang Đen, Mang Bút..., mở rộng vùng giải phóng ở phía tây đường số 14 và bắc thị xã Kon Tum.

Bước vào xuân - hè năm 1975, Bộ Chính trị, trực tiếp là Quân ủy T.Ư đã quyết định mở Chiến dịch Tây Nguyên, nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng các tỉnh Đác Lắc, Phú Bổn, Quảng Đức, thực hiện chia cắt và tạo thế chiến lược mới trên chiến trường toàn miền nam. Bộ Tư lệnh chiến dịch do Trung tướng Hoàng Minh Thảo làm Tư lệnh, Đại tá Đặng Vũ Hiệp làm Chính ủy. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm năm sư đoàn (10, 320, 316, 3, 968) và bốn trung đoàn bộ binh, một trung đoàn và hai tiểu đoàn đặc công, hai trung đoàn pháo binh, một trung đoàn tăng - thiết giáp (T-TG), ba trung đoàn pháo phòng không.

Lúc này, chính quyền Sài Gòn cho rằng: Năm 1975, ta chưa đủ sức đánh thị xã và thành phố, nếu có đánh cũng chỉ đánh ở phía bắc Tây Nguyên; trong trường hợp giành được địa bàn, ta cũng không giữ được khi chúng phản kích chiếm lại. Vì vậy, với lực lượng gồm: Sư đoàn bộ binh 23, bảy tiểu đoàn biệt động quân, 36 tiểu đoàn bảo an, một lữ đoàn T-TG, 230 khẩu pháo, một sư đoàn không quân, quân đội Sài Gòn tập trung giữ Plây Cu, Kon Tum; còn lực lượng địch ở Đác Lắc, Buôn Ma Thuột không mạnh, phần lớn là quân hậu cứ của sư đoàn và trung đoàn, càng sâu vào phía trong, lực lượng đối phương càng mỏng. Ở chiến trường Tây Nguyên, thị xã Buôn Ma Thuột là nơi đặt căn cứ Sở chỉ huy Sư đoàn 23 quân đội Sài Gòn và là tỉnh lỵ của Đác Lắc; khu vực này nằm ở ngã ba chiến lược, có đường số 21 nối liền Nha Trang và đường số 14, phía bắc đi Cheo Reo và Plây Cu, phía nam đi Gia Nghĩa và miền Đông Nam Bộ. Giải phóng Buôn Ma Thuột, ta nắm được địa bàn chiến lược cực kỳ quan trọng để phát triển về mọi hướng, chia cắt Tây Nguyên với các vùng khác, chế ngự được đối phương, giành quyền chủ động cao hơn. Không những vậy, Buôn Ma Thuột còn là biểu tượng về sự "ổn định" của chính quyền Sài Gòn ở Tây Nguyên và cả miền nam.

Dựa trên cơ sở phân tích thuận lợi và khó khăn chiến trường, Bộ Chính trị, Quân ủy T.Ư và Bộ Tổng Tư lệnh đã quyết định chọn thị xã Buôn Ma Thuột làm điểm đột phá chiến lược mở đầu Chiến dịch Tây Nguyên. Thực hiện quyết tâm nêu trên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra hai phương án đánh Buôn Ma Thuột: Nếu địch chưa tăng cường lực lượng thì đánh ngay. Nếu địch tăng cường lực lượng ở Buôn Ma Thuột thì dụ địch ra ngoài, đánh viện tiêu diệt địch ở Cẩm Ga và Thuần Mẫn. Đối với cả hai trường hợp, ta đều phải thực hiện nghi binh ở hướng Trị - Thiên và Kon Tum, Plây Cu.

Ngày 4-3-1975, sau một loạt các hoạt động nghi binh, thu hút quân đội Sài Gòn lên hướng Plây Cu, Kon Tum, chiến dịch Tây Nguyên chính thức mở màn bằng đợt tác chiến tạo thế. Trung đoàn 95A được lệnh đánh cắt giao thông trên đường số 19, tiêu diệt một số chốt giao thông, làm chủ hoàn toàn đoạn đường dài 20 km từ ngã ba Plây Bôn đến gần ấp Phú Yên. Cùng lúc, Sư đoàn 320 tổ chức đánh cắt đường số 14 ở khu vực bắc Cẩm Ga, chia cắt khu vực bắc và nam Tây Nguyên. Trên hướng đường số 21, Trung đoàn 25 thực hiện đánh chia cắt tuyến đường ở phía đông Chư Cúc. Thế chia cắt hình thành khiến cho liên lạc giữa thị xã Quy Nhơn với thị xã Plây Cu - Kon Tum, giữa thị xã Nha Trang với thị xã Buôn Ma Thuột... hoàn toàn bị cắt đứt. Những đòn tiến công của quân giải phóng Mặt trận Tây Nguyên đã kéo được phần lớn lực lượng địch về hướng Kon Tum - Plây Cu. Ngày 9-3-1975, quân ta tổ chức tiến công tiêu diệt địch ở Đức Lập, nhằm thu hút thêm sự chú ý của quân đội Sài Gòn về hướng này.

Sau khi triển khai lực lượng cài thế bao vây, lực lượng binh chủng hợp thành với bốn mũi chủ lực, kết hợp các đơn vị tinh nhuệ và các tiểu đoàn bộ binh bí mật luồn sâu bố trí sẵn, bỏ qua các đồn bốt ngoại vi, dùng binh lực lớn đánh thẳng vào trung tâm thị xã, đập tan Sở chỉ huy Sư đoàn 23 quân đội Sài Gòn và Sở chỉ huy Tiểu khu Đác Lắc. Sáng 10-3-1975, quân ta mở màn trận tiến công Buôn Ma Thuột, bộ đội đặc công và pháo ĐKB của ta nổ súng tiến đánh sân bay Hòa Bình, hậu cứ Trung đoàn 53, sân bay thị xã Buôn Ma Thuột và khu kho Mai Hắc Đế. Các cụm pháo chiến dịch bắn dồn dập vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23 quân đội Sài Gòn, Sở chỉ huy Tiểu khu Đác Lắc và khu thiết giáp. Đến chiều 10-3, ta chiếm được phần lớn thị xã. Lúc này, chính quyền Sài Gòn mới biết rõ Buôn Ma Thuột là hướng tiến công chủ yếu của ta. Sáng 11-3, quân ta từ các hướng đánh chiếm Sở chỉ huy Sư đoàn 23 và các mục tiêu còn lại, giành quyền làm chủ hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột. Chính quyền Sài Gòn tổ chức lực lượng Sư đoàn 23 cùng tàn quân Trung đoàn 53 và Liên đoàn 21 biệt động quân mở trận phản kích hòng chiếm lại Buôn Ma Thuột, nhưng đã bị Quân giải phóng đập tan hoàn toàn.

Từ ngày 15-3, sau hai trận thua lớn ở Buôn Ma Thuột, chính quyền Sài Gòn quyết định rút bỏ Kon Tum, Plây Cu, đưa quân về giữ vùng đồng bằng ven biển miền trung. Một cuộc tháo chạy chiến lược của quân đội Sài Gòn bắt đầu. Quân giải phóng tổ chức truy kích và tiêu diệt gần hết quân địch rút chạy ở Cheo Reo, Củng Sơn. Phối hợp hướng chính, các lực lượng vũ trang tiến công giải phóng An Khê (12-3), Kon Tum, Plây Cu (17-3), Kiến Đức (20-3), Gia Nghĩa (22-3). Sau khi làm chủ Tây Nguyên (24-3), các cánh quân tiếp tục phát triển xuống duyên hải Trung Bộ theo các trục đường 19, 7 và 21, giải phóng Bình Khê, Phú Yên, Nha Trang, Cam Ranh. Ngày 3-4-1975, Chiến dịch Tây Nguyên kết thúc thắng lợi, ta đã tiêu diệt và làm tan rã Quân đoàn 2 - Quân khu 2 quân đội Sài Gòn, loại khỏi chiến đấu hơn 28.000 tên địch, thu và phá hủy 154 máy bay, 1.096 xe quân sự, 17.188 súng các loại...

Như vậy, bằng nghệ thuật tạo thế, nghi binh lừa địch, Chiến dịch Tây Nguyên đã tiêu diệt và làm tan rã một tập đoàn phòng ngự lớn, giải phóng một địa bàn quan trọng, uy hiếp trực tiếp tuyến phòng ngự ven biển miền trung, mở đầu cho sự cáo chung của chế độ Sài Gòn. Đặc biệt, trận then chốt đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột thắng lợi, đã gây nên phản ứng dây chuyền, góp phần làm thay đổi nhanh chóng cục diện chiến trường, mở ra thời cơ tổng tiến công chiến lược, tạo bước ngoặt quyết định, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nhanh chóng kết thúc thắng lợi. Với ý nghĩa đó, Chiến dịch Tây Nguyên thực sự là đòn điểm huyệt quân đội Sài Gòn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.