Kỷ niệm 76 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2021)

Chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở Bắc Kạn

Ở trong vùng căn cứ địa Việt Bắc, nơi đứng chân của nhiều cơ quan Trung ương, ghi dấu hoạt động của nhiều đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước trong kháng chiến chống Pháp, đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) ở Bắc Kạn đã có nhiều đóng góp trong Cách mạng Tháng Tám. Sau hơn 75 năm, được sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, đời sống của đồng bào các DTTS nơi đây đã có nhiều đổi thay rõ rệt.

Công nhân Công ty Ðiện lực Bắc Kạn kiểm tra vận hành trạm biến áp cấp điện thôn Bản Cám, xã Cao Thượng, huyện Ba Bể.
Công nhân Công ty Ðiện lực Bắc Kạn kiểm tra vận hành trạm biến áp cấp điện thôn Bản Cám, xã Cao Thượng, huyện Ba Bể.

Cách làm hiệu quả được Bắc Kạn triển khai đồng bộ trong công tác dân tộc là tập trung lồng ghép nguồn lực, hỗ trợ đồng bào DTTS cải thiện kết cấu hạ tầng, sinh kế bền vững, gắn với phát triển kinh tế tập thể. Từ kinh tế ổn định tiếp tục hướng tới phát triển toàn diện, bảo tồn bản sắc văn hóa bền vững. Chúng tôi về vùng sản xuất miến dong ở xã Côn Minh, huyện Na Rì, dù cũng đang phải chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng những ngày này, các xưởng sản xuất nơi đây vẫn đang vận hành hiệu quả, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Năm 2020, sản phẩm miến dong Bắc Kạn của Hợp tác xã Tài Hoan được xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Năm nay, người dân nơi đây tiếp tục đón tin vui khi miến dong Tài Hoan là sản phẩm đầu tiên của Bắc Kạn được Hội đồng OCOP cấp quốc gia công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao. Có kết quả này, bên cạnh nỗ lực của đồng bào các DTTS nơi đây là vai trò quan trọng từ sự hỗ trợ, động viên của tỉnh Bắc Kạn trong một thời gian dài.

Những năm trước, chế biến miến dong là nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Tày xã Côn Minh. Tuy nhiên, cách làm phần lớn thủ công, không có thương hiệu cho nên mang tính tự cung, tự cấp, đời sống người làm nghề khó khăn. Ðể giúp đồng bào DTTS nơi đây phát triển nghề bền vững, trong hơn 5 năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã đầu tư lồng ghép nhiều nguồn vốn hỗ trợ người dân phát triển vùng nguyên liệu; hỗ trợ máy móc, hướng dẫn kỹ thuật chế biến cho các tổ hợp tác, hợp tác xã; xây dựng nhãn hiệu tập thể. Từ hỗ trợ của tỉnh, xã vùng cao Côn Minh đã có hơn 20 cơ sở chế biến miến dong, mỗi năm sản xuất hàng nghìn tấn miến, doanh thu hàng trăm tỷ đồng/năm.

Chị Nguyễn Thị Hoan, dân tộc Tày, Giám đốc Hợp tác xã Tài Hoan cho biết, từ sự hỗ trợ của tỉnh, đơn vị đã có vùng nguyên liệu ổn định liên kết với các hộ đồng bào DTTS trong và ngoài xã; có dây chuyền máy móc chế biến hiện đại. Sự hỗ trợ xây dựng quy trình sản xuất, đáp ứng điều kiện để xuất khẩu sang châu Âu, điều vốn là rất xa vời đối với một hợp tác xã của đồng bào DTTS ở vùng miền núi. Hiện tại, qua gửi sản phẩm thăm dò thị trường Mỹ đã cho phản hồi rất tốt, sắp tới, đơn vị sẽ nghiên cứu xúc tiến xuất khẩu sang thị trường này.

Quan tâm, chăm lo đến đời sống đồng bào DTTS, trong 5 năm lại đây, tỉnh đã đầu tư hỗ trợ xây dựng nhiều dự án và nhân rộng các mô hình giảm nghèo cho hơn 18 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo. Năm 2020, tỉnh đã thực hiện đầu tư 100 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và 24 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo với hơn 500 hộ hưởng lợi. Thông qua các dự án, mô hình phát triển sản xuất, người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật và tiếp cận dần với sản xuất hàng hóa.

Từ việc đầu tư đồng bộ, đến nay, Bắc Kạn có 97% đường giao thông từ trung tâm xã vùng DTTS đến trung tâm huyện được cứng hóa và 79% thôn vùng DTTS đã có đường giao thông đến trung tâm xã được trải nhựa hoặc bê-tông. Tỉnh xây dựng 156 công trình thủy lợi; sáu công trình cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất; 105 trạm chuyển tiếp phát thanh xã, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; 70 công trình y tế, giáo dục, nước sinh hoạt… Toàn tỉnh có 15 di sản nằm trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn Triệu Thu Phương cho biết, có thể nói, nhờ làm tốt các chính sách dân tộc mà giai đoạn từ năm 2016 tới nay, diện mạo kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS đã đổi thay rõ rệt, đời sống đồng bào đã được nâng cao. Trong giai đoạn tới, trên cơ sở chương trình mục tiêu quốc gia cho đồng bào DTTS đã được Quốc hội thông qua, với vai trò chủ trì, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tích cực tham mưu UBND tỉnh triển khai nhanh, đồng bộ. Trong đó, tập trung vào xây dựng kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm song song với bảo đảm phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa… Rút kinh nghiệm từ việc thực hiện Chương trình 134 và 135 trước đây, hiện tại, Bắc Kạn đã sớm chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để sẵn sàng triển khai ngay chương trình mục tiêu quốc gia khi có quyết định, hướng dẫn, phân bổ từ Chính phủ, bảo đảm phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS đi đôi với phòng, chống dịch Covid-19.