Vẫn nóng bỏng “lò lửa” chống tham nhũng

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII, một lần nữa khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta: cùng với việc “ngăn chặn, đẩy lùi”, phải tích cực phòng ngừa và chủ động, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XIII.
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XIII.

Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành T.Ư Đảng họp trong thời gian ngắn. Một hội nghị rất “nóng” trong bầu không khí cả nước đang dồn sức phòng, chống đại dịch Covid-19 và đã tạm đẩy lùi “cơn bão” dịch với biến thể Delta nguy hiểm. Nhưng, “nóng” hơn, được dư luận cả nước quan tâm là những quan điểm mới, chủ trương mới, giải pháp mới nhằm đẩy mạnh hơn nữa công cuộc đổi mới, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Dân ta thường nói nôm na rằng, Trung ương tiếp tục làm trong sạch bộ máy tổ chức và đội ngũ, tiếp tục “đốt lò”. Còn nói một cách bài bản là Đảng ta kiên trì, kiên quyết đấu tranh với nạn tham nhũng, tiêu cực, xử lý mạnh mẽ, nghiêm khắc, triệt để hơn. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị: “Cái mới của lần này là Trung ương đã mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực”.

Không phải ngẫu nhiên, cả ba nhiệm kỳ Đại hội Đảng XI, XII và XIII đều chọn Hội nghị lần thứ tư để bàn về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Bởi lẽ, đó là năm đầu tiên của các nhiệm kỳ, cần cụ thể hóa những nội dung, nhiệm vụ đề ra cho sát với tình hình mới; cần có khoảng thời gian để nhìn lại những việc đã làm được và những tồn tại, thiếu sót. Tình hình mới luôn cần những giải pháp mới, đó là đòi hỏi từ thực tiễn, đó là mối quan hệ biện chứng, là “chống” và cũng là “xây”. Cho nên lần này Trung ương tiếp tục khẳng định những vấn đề cần tiếp tục thực hiện và điều chỉnh, bổ sung thêm một số nội dung mới, như nhận diện về những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; những biến dạng phức tạp, tinh vi của hành vi tham nhũng, từ tham nhũng to đến tham nhũng vặt; xử lý tham nhũng từ gốc, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng, v.v.

Chủ trương và quyết tâm lớn của Đảng đã lan tỏa trong xã hội. Một lần nữa Đảng ta thể hiện quyết tâm chính trị rất cao, đồng bộ giữa chủ trương và việc làm, cách làm, rõ tới đâu làm tới đó, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ cấp cao đã bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị truy tố khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Đó là trường hợp ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đã vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Đó là những sai phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015 - 2020 thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Bộ Tư lệnh và các đơn vị trực thuộc có nhiều vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của Bộ Quốc phòng trong công tác quản lý, sử dụng tài chính; thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản; mua sắm thiết bị kỹ thuật, vật tư, hàng hóa; đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Ngày 1/10 vừa qua, Ban Bí thư đã quyết định cảnh cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam, khai trừ ra khỏi Đảng hai tướng, cách chức tất cả chức vụ trong Đảng bảy tướng lĩnh, lãnh đạo thuộc Bộ Tư lệnh.

Thật là đau xót! Theo nhiều đồng chí lão thành cách mạng, cựu chiến binh, việc Ban Bí thư xử lý nghiêm minh như vậy khiến mọi người thêm vững niềm tin vào công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, nhưng thật sự rất buồn. Buồn vì, các cấp ủy đảng từ Trung ương xuống cơ sở đã tiến hành rất bài bản công tác quy hoạch, lựa chọn, đào tạo, thực hiện 5 bước quy trình công tác cán bộ, nhưng vẫn để lọt những người hư hỏng. Buồn vì, những cán bộ chủ chốt, từ người đứng đầu cấp ủy một tỉnh đến các tướng lĩnh từng được đào tạo cơ bản, được thử thách qua nhiều môi trường công tác, từng rao giảng về lý tưởng, về tư cách đạo đức, nhưng chính họ đã sa ngã vì ham hố quyền lực, ham tiền bạc, sa vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân. Cũng có người băn khoăn, rằng có thể việc “luật” hóa các chủ trương, chính sách làm chưa tốt.

Thật ra, không hoàn toàn như thế. Trong hai nhiệm kỳ vừa qua, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cơ quan tham mưu đã ban hành hơn 200 văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng. Thủ tướng Chính phủ ban hành hơn 2.600 nghị định, quyết định, chỉ thị. Vậy thì “chuông cứu hỏa” nằm ở đâu? Đã có nhiều nghiên cứu, nhiều bài viết kỹ lưỡng về vấn đề này. Nhưng nguyên nhân cơ bản có lẽ là ở chỗ, tham nhũng nặng nề nhất, gây hậu quả nghiêm trọng nhất thường gắn với chức quyền.

Cán bộ, nhân viên “chân trắng” có ăn hối lộ, xà xẻo của công cũng thường là tham ô, bớt xén, nhũng nhiễu theo kiểu “tích tiểu thành đại”. Là tham nhũng “vặt”, nhưng gây ngứa ngáy, nhức nhối. Chúng ta chủ trương phải chống ở cả cực đại và cực tiểu. “Hổ” hay “mèo” mà ăn vụng cũng phải trảm. Tuy nhiên, phải chú ý hơn việc ngăn chặn, chống các vụ tham nhũng lớn, trong đó có tham nhũng quyền lực. Tham nhũng quyền lực đã xảy ra ở nhiều nơi, nhiều vụ án đã được xử, nhưng không ít vụ cũng rất khó xử, vì nó được che đậy rất tinh vi bởi sự bè phái, lợi ích nhóm, được ngụy biện bởi kẽ hở của pháp luật, của những quy trình “đúng” về hình thức mà “sai” về bản chất, khiến cho không ít người cầm thước đo phẩm chất cán bộ “trông gà hóa cuốc”.

Dư luận rất đồng tình với những giải pháp mới của Trung ương, trong đó nhấn mạnh, phải tăng cường hơn nữa kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Làm thế nào trong thời gian tới hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng cả nhà làm quan, cả họ làm quan, cả “làng” làm quan. Làm thế nào để khi gặp một cán bộ trẻ, điều ta nghĩ đầu tiên là vui mừng vì đã lựa chọn được người sáng láng, trong sạch, chứ không phải vân vi câu hỏi “đồng chí là con đồng chí nào?”. Làm thế nào để chấm dứt chuyện chạy chức, chạy chỗ, chạy tội, chạy điểm thi... mà muốn chạy thì phải dựa vào một cái “ô” nào đấy.

Không có người chống lưng, sức mấy mà chạy được? Muốn vậy nội bộ phải thật sự đoàn kết, đi chung thuyền nhìn cùng hướng, phải thật sự dân chủ, như nhiều nơi từng làm: tổ chức thi tuyển cán bộ; giới thiệu một vài người để bầu một người, không nên bầu tròn; ngăn chặn việc thỏa hiệp trong công tác bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, quyền anh, quyền tôi, tôi ủng hộ anh, anh nhượng bộ tôi, tôi lờ chuyện của anh, anh im lặng việc của tôi. Những điều này cán bộ, đảng viên, nhân dân biết cả, thấy “khói” mà khó tìm ra “lửa”. Vì “lửa” âm ỉ trong những cánh tay biểu quyết, trong những lá phiếu kín, nhiều khi không hề khách quan, công tâm, nó đã bị “mua” bằng rất nhiều kiểu, trong đó mua bằng tiền chỉ là một dạng phổ biến.

Một chiếc “chìa khóa” khác là phải thường xuyên công khai, minh bạch tài sản của cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt, cán bộ cấp cao. Xin hãy thôi đi cách kê khai hình thức giống như thói làm ăn giả, như có vị thứ trưởng mà báo chí từng nêu, đến lúc về hưu vẫn cố làm đơn xin mua cái nhà công vụ, vì... chưa có nhà ở, nhưng thực ra đã có tới vài ba biệt thự, nhà lầu, xe hơi. Một giải pháp khác cũng được coi là “chặn từ gốc” để ai đó khỏi sa vào thuyết tự an ủi “hi sinh đời bố, củng cố đời con”. Bố ăn chặn cả trăm tỉ đồng, vào tù rồi sẽ có lúc ra, tiền tiêu mấy đời chẳng hết. Lương tâm và danh dự của họ chẳng bao giờ có, nên lo chi chuyện mất (!). Tập trung thu hồi tài sản tham nhũng là một giải pháp được nhấn mạnh, vấn đề là thu thế nào, ai thu. Đừng để thời gian xóa nhòa tất cả, do tư duy nhiệm kỳ, do những liên quan nhằng nhịt, do bàn tay người nắm công lý trót “nhúng chàm”.

Vẫn nóng bỏng “lò lửa” chống tham nhũng. Khi chúng ta nhận thức rõ, trong sự phát triển của các hình thái nhà nước, nhất là trong nền kinh tế thị trường, các quan hệ kinh tế, chính trị sẽ tạo ra tiền đề khách quan cho tham nhũng nảy sinh, phát triển, thì càng phải nhận rõ những nguyên nhân chủ quan, để tỉnh táo, kiên trì và kiên quyết đấu tranh. Đó là sự nghiệp lâu dài, là liều kháng sinh cực mạnh để diệt trừ “sản phẩm của sự tha hóa quyền lực”.

Quyết tâm lớn phải biến thành niềm tin và hành động!