Kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2022)

Tiếp nối truyền thống vẻ vang

Gần một thế kỷ qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã và đang đồng hành với đất nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trung thành với lý tưởng báo chí cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh xây nền đặt móng và dẫn dắt, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng và Nhân dân.

Phóng viên Truyền hình Nhân Dân tác nghiệp. Ảnh | Trần Hải
Phóng viên Truyền hình Nhân Dân tác nghiệp. Ảnh | Trần Hải

Hai năm qua, trong nghiệt ngã của đại dịch Covid-19 và sự tàn phá dữ dằn của thiên tai, nhân dân cả nước ta càng trân trọng, đánh giá cao những đóng góp của đội quân báo chí vượt lên mọi gian khó, hiểm nguy để thực thi xuất sắc nhiệm vụ của lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng. Cùng đồng hành với các lực lượng áo trắng, quân đội, công an..., nhiều anh chị em tự nguyện gác việc riêng, sẵn sàng lên đường trong đêm mưa gió, kịp có mặt ở nơi tâm dịch và tâm bão để ghi hình, viết tin, đưa đến bạn đọc những thông tin nóng hổi hơi thở cuộc sống, phát hiện và cổ vũ những tấm gương tận tụy, sáng tạo của các chiến sĩ ngành y cứu chữa hàng chục nghìn người bệnh thoát lưỡi hái tử thần; những cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an dũng cảm cứu người trong đêm ở những vùng đất hiểm trở bị vùi sâu trong đất lở. Qua những trang báo và sóng phát thanh, truyền hình, nhân dân ta ở trong nước và nước ngoài cùng bạn bè quốc tế ngợi ca và cảm phục tinh thần yêu nước, những việc làm thiện nguyện, sáng ngời đạo lý “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta trong đau thương, mất mát. Không ít cán bộ, phóng viên của nhiều cơ quan báo chí, ngoài việc nỗ lực nâng cao trình độ thao tác nghiệp vụ, chuyên môn, đã cùng tham gia tích cực các hoạt động từ thiện-xã hội cao đẹp đó.

Đất nước bước vào trạng thái bình thường mới, các nhà báo lại có mặt ở nhiều nhà máy, công trường, núi rừng, hải đảo... phản ánh khí thế của toàn dân, toàn quân ta đang đồng tâm hiệp lực vượt qua hậu quả của dịch dã, thiên tai, nhanh chóng ổn định đời sống và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Qua tác nghiệp đa dạng của các “binh chủng” truyền thông, nhân dân ta lại được tiếp nhận khí thế mới, cách làm mới, thể hiện ý chí kiên cường, sáng tạo trong triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sự đồng lòng chung sức của toàn xã hội mang khát vọng xây dựng Tổ quốc Việt Nam hòa bình, giàu mạnh, hùng cường. Báo chí thật sự là “vũ khí tinh thần” sắc bén trong cuộc phấn đấu trường chinh đó của toàn dân tộc nhằm thực hiện tốt mục tiêu thiêng liêng và cao cả, hợp ý Đảng, lòng Dân.

Không tự mãn với thành tựu đã có, đội ngũ báo chí nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đang cùng nhau vượt lên những thách thức mới trong thời đại “số hóa”, phấn đấu xây dựng nền báo chí “chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn”. Chúng ta nhận thức sâu sắc nhiệm vụ của mỗi cơ quan báo chí, mỗi nhà báo trong giai đoạn mới là, tiếp tục cải tiến, đổi mới các loại hình báo chí, không chỉ là tăng cường xây dựng cơ sở vật chất-kỹ thuật hiện đại, mà còn là từng nhà báo thay đổi cách tác nghiệp sao cho nhanh chóng, kịp thời, chuẩn xác. Một nền báo chí cách mạng vì con người, cho con người, hơn bao giờ hết, đòi hỏi người cầm bút tự nhận thức sâu sắc lời dạy của Bác Hồ: viết cho ai, viết để làm gì, viết như thế nào? Thực tiễn chỉ rõ rằng, câu hỏi ấy chỉ được giải đáp có sức thuyết phục khi mỗi nhà báo tự nhắc mình thực hiện tốt phương châm: trong thông tin, tuyên truyền cần lấy xây là chính - xây và nhân rộng những người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội; đi liền đó là tích cực tham gia chống quyết liệt những hành vi tham nhũng, tiêu cực, quan liêu đang làm tha hóa tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, cản trở bước tiến lên của xã hội ta. Một nền báo chí cách mạng sẽ phát triển nhanh và bền vững khi có một đội quân báo chí cách mạng với ý thức tận tâm vì Đảng, vì Dân, thường xuyên trau dồi đạo đức và bản lĩnh nghề nghiệp với ý niệm: tâm sáng, lòng trong, bút sắc!