Phản ứng chính sách với Covid-19

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị xem xét để kịp thời xác nhận Covid-19 là một thứ bệnh đặc hữu, Bộ Y tế vẫn khẳng định đây chưa phải là thời điểm cho một sự xác nhận như vậy. Lý lẽ được đưa ra là: biến chủng Omicron đang lây lan rất nhanh nên số ca phát bệnh có thể tăng cao làm cho hệ thống y tế bị quá tải.

Ca sản xuất tại Công ty cổ phần Dệt may Sơn Nam (Nam Định). Ảnh | ĐỨC ANH
Ca sản xuất tại Công ty cổ phần Dệt may Sơn Nam (Nam Định). Ảnh | ĐỨC ANH

Thế thì tình hình thực tế đang như thế nào? Các ca nhiễm Covid-19 quả thực đang tăng rất nhanh trong cả nước. Theo số liệu được công bố chính thức, chỉ riêng trong ngày 6/3/2022 đã có thêm 142.136 ca bị lây nhiễm. Con số thực chắc chắn còn lớn hơn rất nhiều. Với tốc độ lây nhiễm như vậy, trên thực tế đang có hàng triệu người mắc Covid-19 ở nước ta. Cho dù có như vậy thì số người phát bệnh nặng đang phải điều trị chỉ là 4.208. Số ca tử vong trong một tuần vừa qua chỉ là 96 ca/ngày. Để so sánh, số ca tử vong vì ung thư năm 2021 là 122.690, nghĩa là mỗi ngày có trung bình hơn 336 người chết vì ung thư, cao hơn gấp ba lần số người chết vì Covid-19 trong những ngày này. Ngoài ra, đa số các ca tử vong vì Covid-19 đều là những người có bệnh nền hoặc chưa tiêm chủng, nên mức độ nguy hiểm của loại bệnh này còn thấp hơn so với ung thư rất nhiều.

Nếu số liệu thực tế nói với chúng ta như trên, thì tính hợp lý của việc tiếp tục coi Covid-19 là đại dịch không còn quá cao. Tuy nhiên, điều này vẫn còn có thể chấp nhận được cho đến khi đợt bùng phát dịch lần này đạt đỉnh và bắt đầu hạ nhiệt.

Trước mắt, quan trọng nhất là cân đối giữa số ca phát bệnh và năng lực điều trị của ngành y tế. Chúng ta cần thu thập dữ liệu để có được thông tin chính xác về tỷ lệ phát bệnh đối với những người đã tiêm chủng đầy đủ và những người chưa tiêm chủng là bao nhiêu. Các giải pháp khống chế lây lan dịch bệnh sẽ phải được điều chỉnh tương thích với tỷ lệ nói trên. Mục đích là không bao giờ để hệ thống y tế bị quá tải. Thống kê số ca mắc Covid-19 trong bối cảnh rất nhiều người tự nhiễm, tự khỏi hoặc biết mình bị nhiễm nhưng không khai báo như hiện nay là ít có ý nghĩa và cũng khó chính xác. Thực ra, nếu biết được chính xác tỷ lệ người phát bệnh, chúng ta hoàn toàn có thể đoán được tổng số người đang nhiễm bệnh. Thí dụ, nếu tỷ lệ người phát bệnh là 1%, mà số người đang phát bệnh là 10, thì số người nhiễm bệnh sẽ là 1.000. Nếu năng lực điều trị của ngành y tế đủ cho 20 bệnh nhân, thì không nhất thiết phải tăng cường các biện pháp phòng, chống lây nhiễm. Ngược lại nếu năng lực điều trị của ngành y tế chỉ đủ cho 10 bệnh nhân, thì phải nhanh chóng tăng cường các bệnh pháp phòng, chống lây nhiễm.

Khi đợt bùng phát dịch bệnh lần này đạt đỉnh và bắt đầu hạ xuống, thì chúng ta nên bắt đầu coi Covid-19 là bệnh đặc hữu. Bệnh đặc hữu là “sự hiện diện thường xuyên hoặc sự phổ biến thông thường của một căn bệnh hoặc tác nhân truyền nhiễm”. Cũng giống bệnh cúm, bệnh sốt xuất huyết, bệnh đậu mùa… lúc này, lúc khác, chỗ này chỗ kia sẽ có nhiều người bị bệnh. Tuy nhiên, mắc bệnh thì chữa bệnh thôi. Thật không may là bệnh nào thì cũng sẽ có những người bị tử vong. Vấn đề là đối với những người đã tiêm chủng đầy đủ, tỷ lệ tử vong vì Covid-19 là thấp. Có vẻ đang dần thấp hơn khá nhiều loại bệnh khác. Nhận thức như trên về dịch bệnh là rất quan trọng để thoát khỏi “nỗi sợ Covid-19”.

Khi đã coi Covid-19 là bệnh đặc hữu, thì Chính phủ cũng cần sớm chuyển loại dịch bệnh này từ nhóm A sang nhóm B. Đây là điều cần thiết giúp cho việc đẩy mạnh xã hội hội hóa trong hoạt động phòng, chống dịch và giúp giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần điều chỉnh chính sách truyền thông để bảo đảm sự cân bằng, khách quan và khoa học trong phòng, chống dịch Covid-19. Cần phải nhanh chóng chấm dứt cách truyền thông theo kiểu “dọa ma” để trách gây ra sự khiếp sợ và những phản ứng chính sách cực đoan không đáng có.

Hiện nay, vẫn còn những ý kiến khác nhau về tốc độ mở cửa đời sống kinh tế-xã hội, cũng như về việc coi Covid-19 là bệnh đặc hữu. Những ý kiến khác nhau trong xã hội là rất bình thường. Điều quan trọng là các phản ứng chính sách phải được đưa ra dựa trên cơ sở của chứng cứ và số liệu.