Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Ðại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2021)

Những hình ảnh tôi chưa chụp

Đó là khoảng thời gian quý hiếm Đại tướng dành cho tôi. Ông hỏi và căn dặn tôi từ những điều nhỏ nhặt. Những khi cao hứng, chất giọng Quảng Bình của ông vang lên thăng hoa đến lạ. Dáng điệu, cử chỉ, những ánh nhìn, những nụ cười hiền, và cả những điều làm ông khó chịu - thần thái đến ngỡ ngàng. Máy ảnh không lưu lại được hết, nhưng những hình ảnh ấy in vào tâm trí tôi sâu đậm và sinh động!

Ðại tướng Võ Nguyên Giáp ghi lưu bút sau khi xem triển lãm của NSNA Trần Hồng tại 45 Tràng Tiền tháng 12/1992.
Ðại tướng Võ Nguyên Giáp ghi lưu bút sau khi xem triển lãm của NSNA Trần Hồng tại 45 Tràng Tiền tháng 12/1992.

Tôi tổ chức cuộc Triển lãm ảnh cá nhân đầu tiên vào tháng 12/1992 tại 45 Tràng Tiền, Hà Nội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến xem. Ông chọn thời điểm “an toàn”, khi mọi người đang hối hả về nhà sau ngày làm việc. Ấy vậy mà, từ một, hai người biết, chốc lát người đến vây quanh Đại tướng tắc cả lối đi. Vào phòng triển lãm, Đại tướng xem rất lâu từng bức ảnh. Xem xong một lượt, ông đứng ngay giữa phòng triển lãm chỉ vào tôi, ông hỏi: “Đồng chí trung tá, phóng viên báo Quân đội Nhân dân cho tôi biết đồng chí thích tác phẩm nào nhất? Có chút hồi hộp nhưng rất vui tôi dập gót giày ưỡn ngực rất nhà binh: “Thưa Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, triển lãm này có 86 bức ảnh thì tôi thích tất cả vì tất cả là của tôi và tôi chịu trách nhiệm đến cùng từng bức ảnh”.

Miệng nói, mắt tôi không rời nhìn thẳng vào Đại tướng. Mắt ông đẹp. Từ đôi mắt tinh anh ấy lan tỏa ánh nhìn báo hiệu niềm vui mà đã nhiều lần tôi đã thấy. Đại tướng mỉm cười và tặng tôi cái bắt tay siết chặt. Cả phòng triển lãm mọi người thoải mái cười và vỗ tay...

Trước ống kính của tôi, mỗi lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất hiện thì tôi thường bấm chụp nóng ran cả máy, sợ như mỗi giây qua đi là qua đi một khoảnh khắc hiếm quý. Lần tôi tới nhà riêng của Đại tướng vào dịp đầu thu năm 1994, hôm ấy Đại tướng mặc thường phục. Tôi ao ước mãi được chụp ảnh ông trong trang phục bình thường vì Đại tướng ít khi rời bộ quân phục kể cả lúc nghỉ ngơi chơi đùa với các cháu nội ngoại. May hôm đó, tôi mang theo hai máy ảnh. Tôi chụp lia lịa. Đang lúc “cao trào”, Đại tướng vẫy tay gần lại hỏi: “Sao cậu chụp tớ nhiều thế?”. Tôi trả lời: “Dạ! Thưa Đại tướng, sao Đại tướng lại cho em chụp Đại tướng nhiều thế ạ?”. Ông cười vang, hai tay Đại tướng vung lên trời, giọng đặc sệt Quảng Bình: “Một câu trả lời rất báo chí!”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất quan tâm đến mọi người, nhất là những người hằng ngày thường xuyên gần gũi bên ông. Có lần ông hỏi tôi: “Cậu Hồng! Sao quân hàm của cậu cũ thế”? Tôi chột dạ, hẳn ông chê trách tôi chậm tiến hay có khuyết điểm gì nên chậm phong quân hàm chăng? Tôi đứng nghiêm lễ phép: “Dạ thưa Đại tướng, các phóng viên báo Quân đội Nhân dân mà nhất là phóng viên ảnh thường xuyên có mặt với bộ đội ở bãi tập và những nơi gian khổ như đi chống bão lụt nên quân hàm chóng hỏng và bạc màu lắm ạ”. Ông nghe rất chăm chú. Thấy vậy, tôi liền “chuyển làn” sang vấn đề mà bản thân đang bức xúc. Tôi nói: “Thưa Đại tướng! Tôi đeo quân hàm trung tá năm nay là năm thứ 7. Đồng chí Vũ Đạt là chỉ huy của tôi và anh em nhiếp ảnh báo Quân đội Nhân dân cũng thế. Mà bộ phận ảnh của chúng tôi năm nào cũng được khen thưởng và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp có phong cách lắng nghe rất đặc biệt. Thấy tôi có vẻ ngập ngừng, Đại tướng giục: “Đồng chí nói tiếp đi”.

“Thưa Đại tướng, theo quy định thì trần quân hàm của phóng viên ảnh chỉ là trung tá, còn các phóng viên khác trần quân hàm là đại tá. Tôi thấy quy định như thế không công bằng. Anh em phóng viên nhiếp ảnh rất bức xúc”. Mặt mũi tôi lúc đó nóng bừng nên tôi cố kiềm chế dừng lại nhưng vẫn hướng ánh nhìn vào Đại tướng. Đại tướng bước lại gần tôi. Mắt ông nheo nheo, miệng không cười nhưng nhìn quen tôi biết là ông đang sắp nói điều gì thú vị. Nhìn thẳng vào tôi, Đại tướng bảo: “Từ chiến sĩ cậu lên đến trung tá, ít nhất là cậu đã được 10 lần phong quân hàm, tiến bộ hơn tớ vì tớ duy nhất chỉ có một lần năm 37 tuổi”. Tay bỏ túi quần đi vài bước, ông ngoảnh lại vừa cười rất dí dỏm: “Không thắc mắc thì thôi...”.

Những hình ảnh tôi chưa chụp -0

Ðại tướng Võ Nguyên Giáp dự Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam tại Hà Nội. 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là một nhà báo lớn. Ông đã trải qua mọi công việc của người làm báo. Từ quản lý viết bài, chỉnh sửa mo-rát, đến in ấn, phát hành... ông đều rất thuần thục nên ông đã rút ra kết luận: Ra một số báo cũng như tổ chức một trận đánh. Viết tít chữ to, nhỏ, đậm nhạt, xiên hoặc đứng... đều phải đặt ở vị trí xứng đáng để “hiệp đồng” tạo sức mạnh tác động đến mọi đối tượng người xem. Đại tướng rất thích và thậm chí mê say ảnh báo chí. Bức ảnh ông chụp cho vợ (bà Đặng Bích Hà) tôi ghi dưới bức ảnh: “Tác giả: Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Nghệ sĩ nhiếp ảnh”, ông cười vui tán thưởng. Có lần Đại tướng tâm tình: Nhiếp ảnh sao mà chân thực, ghi nhớ chính xác và gợi cảm lạ lùng đến như vậy. Có những chuyện do thời gian chúng ta có thể quên đi nhưng nhìn vào ảnh là nhớ từng chiến sĩ, từng trận đánh, từng ý tứ chỉ đạo của Trung ương của Bác Hồ. Thay mặt những chiến sĩ trong chiến tranh, tôi chân thành cảm ơn những nhà nhiếp ảnh...

Trong thời gian hoạt động cách mạng, Võ Nguyên Giáp làm báo với các bút danh: Vân Đình, Hải Thanh... Năm 1929, với bút danh Hải Thanh, ông đã viết bài “Vũ trụ và tân hóa” đăng trên báo Tiếng Dân - tờ báo lớn nhất xứ Trung Kỳ lúc đó do chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng làm chủ bút.

Nhân sự việc giám đốc trường Quốc học Huế đuổi một số học sinh của trường do tham gia phong trào đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu, Võ Nguyên Giáp viết một bài báo tiếng Pháp “Đả đảo tên tiểu bạo chúa trường Quốc học” gửi đăng báo L’annau ở Sài Gòn. Lúc đấy luật sư Phan Văn Trường đang làm chủ bút tờ báo này đã phải thốt lên: “Một cây bút mới lần đầu xuất hiện ở bản xứ này mà có giọng văn sắc sảo như giọng văn Nguyễn Ái Quốc bên Paris”.

Hàng loạt bài viết của Võ Nguyên Giáp nhằm tố cáo sự bóc lột dã man của chủ nghĩa thực dân Pháp với nhân dân Việt Nam đã gây tiếng vang lớn trong đông đảo người đọc lúc bấy giờ. Ông được kết nạp vào Tân Việt cách mạng đảng năm 18 tuổi. Võ Nguyên Giáp cùng với Nguyễn Chí Diểu tổ chức nhóm hạt nhân cộng sản trong tổng bộ đảng Tân Việt. Sau này khi ra bắc tham gia giảng dạy ở Trường Thăng Long - Hà Nội ông vẫn tích cực tham gia viết bài cho các báo: Tin Tức, Thế Giới, Hà Thành, Thời Báo, Đời Nay, Ngày Mới... và một số tờ báo Tiếng Pháp. Cùng với Trần Huy Liệu, Hải Triều, Võ Nguyên Giáp đã xây dựng báo Hồn Trẻ. Ngày 6/6/1936, báo Hồn Trẻ ra số đầu tiên, công khai chống chính quyền thực dân Pháp. Tại Đại hội báo giới Bắc Kỳ lần thứ nhất họp ngày 24/4/1937, nhà báo Võ Nguyên Giáp được bầu làm Chủ tịch, nhà báo Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch.

Những năm đất nước đổi mới, những bài báo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn luôn được công chúng đón đợi.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Võ Nguyên Giáp luôn luôn gắn mình với hoạt động báo chí. Nét nổi bật ở ông là ông đã luôn luôn trực tiếp làm tất cả các công việc của một người làm báo. Từ lãnh đạo báo giới, viết bài, tổ chức tòa soạn tới cả phát hành báo chí... ở vị trí nào Võ Nguyên Giáp cũng đều tận tâm, tận lực. Có thể nói, ông là người văn võ song toàn, một nhà quân sự lỗi lạc đồng thời là nhà văn hóa nổi tiếng. Ở Võ Nguyên Giáp có một mối quan hệ đặc biệt giữa nghề văn và nghề võ, giữa nghệ thuật báo chí và nghệ thuật quân sự, giữa nghệ thuật “tổ chức thông tin” trong làm báo với nghệ thuật “bày binh bố trận” trong đánh giặc.

Năm 1991, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Hội Nhà báo Việt Nam tặng Huy chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam. Nhân dịp này ông tâm sự: “Nghề báo là một nghệ thuật đầy hứng thú. Sau này khi đã chuyển qua công tác quân sự, tôi thấy làm một số báo cũng như tổ chức một trận đánh hiệp đồng... Những bài chính, phụ, ngắn dài, nặng nhẹ, phải kết hợp với nhau một cách hữu cơ, tạo nên sự hài hòa như mầu sắc của một tác phẩm hội họa, mới mang lại hứng thú cho người đọc... Những kiểu chữ lớn, nhỏ, béo, gầy, đứng hoặc nghiêng, đều có vai trò và hiệu lực riêng của nó trên trang báo mà người làm báo không thể không biết tới. Nghề làm báo hao tâm tổn trí, gian khổ. Nhưng người làm báo được đền bù xứng đáng là niềm vui khi thấy tác dụng và hiệu quả của tờ báo trong đông đảo bạn đọc”.