Nhọc nhằn chống nhập cảnh “chui”

Vùng biên giới Tây Nam mùa này nắng, mưa bất chợt. Nắng rát da, mưa trái mùa là “đặc sản” của vùng biên thùy mà những người lính thấy khó chịu nhất. Nhưng có ghét cay ghét đắng thì các anh vẫn phải sống cùng và vững vàng vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ. Bởi, chống vi-rút SARS-CoV-2 xâm nhập từ ngoại biên vào còn gian nan và phức tạp hơn cả chống giặc ngoại xâm.
 

Bộ đội Biên phòng Kiên Giang áp giải các đối tượng tổ chức vượt biên trái phép lên bờ.
Bộ đội Biên phòng Kiên Giang áp giải các đối tượng tổ chức vượt biên trái phép lên bờ.

Đưa dân quân ra tuyến đầu
 
 Tôi đã nhiều lần cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Kiên Giang đi dọc trên tuyến giới bộ dài 56 km giáp với Cam-pu-chia. Một số cột mốc chính như 313, 314 và nhiều cột mốc phụ được cắm phân định, cùng hai cửa khẩu quốc tế Hà Tiên và quốc gia Giang Thành đã thông thương. Người dân hai nước láng giềng qua lại giao hảo, làm ăn trong sự hòa bình, hữu nghị, dưới sự bảo vệ của lực lượng chức năng hai nước. Nhưng cơn đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi. Biên giới vắng vẻ những bước chân giao thương nhưng hối hả bước chân của lực lượng tuần tra. Bên kia biên giới, chính quyền Cam-pu-chia ra lệnh phong tỏa thủ đô Phnôm Pênh và một số địa phương. Còn phía ta, các chốt, trạm được dựng lên dày đặc dọc tuyến. Tất cả nhằm hạn chế sự di chuyển của nhân dân, ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
 
 Chúng tôi đến chốt dịch số 15 Đồn Biên phòng (ĐBP) Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên lúc mặt trời trên đỉnh đầu. Trong cái nắng gay gắt, các cán bộ, chiến sĩ của tổ liên ngành vẫn “căng mình” tuần tra, kiểm soát, chốt chặn địa bàn phụ trách. “Nắng biên giới mùa này có lúc lên đến 40 độ C, anh em vất vả lắm nhưng chỉ cần lơ là chút xíu là người và hàng lậu lập tức vượt biên giới”, một dân quân tự vệ của huyện Giồng Riềng tăng cường lên chốt bộc bạch. Tuần tra, chốt chặn nơi biên giới đối với lực lượng BĐBP là nhiệm vụ thường xuyên, nhưng với lực lượng tăng cường như dân quân tự vệ trong điều kiện khẩn cấp, thiếu thốn về nơi ăn, chốn ở là thách thức không nhỏ. Do phải rải đều, nên đa phần các chốt làm bằng khung tiền chế, che chắn tạm bợ. Chốt lớn vừa đủ anh em sinh hoạt, chốt nhỏ phải chia sẻ nhau từng khoảng trống nghỉ ngơi sau ca tuần gác. Những ngày đầu thực hiện nhiệm vụ, nhiều dân quân chưa quen với thời tiết ngày nắng nóng, đêm trở lạnh nên khó chịu, có người bị cảm nắng, sốt, ho. Nhưng với quyết tâm “chống dịch hơn chống giặc”, mọi người động viên nhau, nhanh chóng thích nghi. Anh Lưu Văn Việt, dân quân huyện Giồng Riềng chia sẻ: “Đường biên giới dài, nhiều đường mòn, lối mở nên việc tuần tra, canh gác về đêm rất khó khăn. Có đêm 1 - 2 giờ sáng, bên kia từng đoàn người chia thành nhiều hướng vận chuyển hàng lậu qua biên giới, anh em phải trắng đêm truy đuổi. Gần đây, buôn lậu giảm nhưng nguy cơ người vượt biên trái phép tăng, lại phải tuần tra suốt đêm. Có nhiều cán bộ biên phòng, cảnh sát cơ động cả năm qua gần như 24/24 đóng quân tại chốt, nên anh em dân quân cố gắng làm việc hơn 100% khả năng, để chung tay san sẻ bớt khó nhọc của các cán bộ, chiến sĩ”.

Nhọc nhằn chống nhập cảnh “chui” -0
 Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên dựng chốt chống dịch trên tuyến biên giới.

 Cách đường biên giới trăm mét, giữa cánh đồng lớn, chốt phòng chống dịch số 5 của ĐBP Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên phông phênh. Nắng nóng rát da là “thực đơn” mà lực lượng đóng chốt ghét nhất. Tận dụng cây lá chung quanh, các anh lợp thêm một căn nhà nhỏ cặp bên chốt chính, vừa giúp giảm nhiệt vừa thêm không gian sinh hoạt. Thực hiện nhiệm vụ lâu dài, các anh trồng rau, nuôi gia cầm cải thiện bữa ăn. Nhiều lực lượng nhưng như anh em trong một gia đình, không phân biệt đơn vị, chức vụ, quân hàm... mỗi chốt là một ngôi nhà, cùng ăn, cùng ở, cùng quây quần sinh hoạt. Thiếu tá Đỗ Thanh Tùng, Chính trị viên phó ĐBP Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên cho biết: “Từ khi có lực lượng dân quân lên tăng cường cho các chốt chống dịch, tình hình ổn định hơn trước rất nhiều. Các anh em đã phối hợp rất tốt với lực lượng tại chỗ thực hiện nhiệm vụ. Mọi người đoàn kết, gắn bó, thương yêu nhau, đó là động lực để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ lâu dài. Thời gian tới tình hình sẽ càng phức tạp hơn, nguy cơ nhập cảnh trái phép cao, nên nhiệm vụ còn rất nặng nề ở phía trước”.
 
 Hiện nay, tại tuyến biên giới bộ và trên biển đang được siết chặt công tác tuần tra, kiểm soát, chốt chặn. Lực lượng bộ đội đã bố trí 128 chốt (tổ), hơn 1.000 lượt chiến sĩ trực. Trên biển có lực lượng tuần tra gồm nhiều tàu và xuồng của BĐBP, kiểm ngư và cảnh sát biển... “Gần đây, chúng tôi được tăng cường thêm phương tiện, lực lượng từ Bộ Tư lệnh BĐBP, đặc biệt là dân quân tự vệ của TP Phú Quốc, TP Hà Tiên và một số địa phương tuyến sau cũng được đưa ra tuyến đầu nên tình hình được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, khó khăn vẫn đang ở phía trước vì thủ đoạn tổ chức đưa người nhập cảnh trái phép ngày càng tinh vi, có sự móc nối giữa các đối tượng người trong và ngoài nước và dùng rất nhiều phương tiện nhằm qua mặt lực lượng chức năng”, Đại tá Nguyễn Thế Anh, Chỉ huy trưởng BĐBP Kiên Giang nhấn mạnh.
 
 
 Mỗi người dân là một thành lũy
 
 Hiện nay các nước trong khu vực Đông-Nam Á đang bùng phát mạnh dịch Covid-19, một số quốc gia có chung đường biên giới với nước ta số ca nhiễm SARS-CoV-2 liên tục tăng cao. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn mở một số cửa khẩu cho người dân đang sinh sống, làm ăn tại các nước có nhu cầu được trở về nước. Tại Kiên Giang, Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (phường Mỹ Đức, TP Hà Tiên) hằng ngày vẫn làm thủ tục cho người dân nhập cảnh từ Cam-pu-chia về nước và thực hiện các quy định về phòng, chống dịch.
 
 Bác sĩ Cao Thành Nam, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Kiên Giang kể: Ngày 25-3, CDC Kiên Giang nhận được thông tin về ba ca dương tính với SARS-CoV-2 từ CDC TP Hồ Chí Minh, CDC Quảng Ninh và Cục Y tế dự phòng liên quan đến chuyến bay VJ458 Phú Quốc - Nội Bài và tàu Express Phú Quốc - Rạch Giá. Sau khi điều tra dịch tễ mới biết, ba người này cùng năm người khác nhập cảnh trái phép từ Cam-pu-chia về TP Phú Quốc bằng tàu đánh cá, sau đó một nhóm trú tại nhà nghỉ Khoa Thư (phường An Thới, TP Phú Quốc), người ra bến tàu, người đến cảng hàng không bằng ta-xi để rời Phú Quốc. Vụ việc này đã gây lo lắng cho chính quyền và người dân nhiều địa phương trong một thời gian dài, gây tổn thất lớn cho xã hội. Vì vậy, một trong những giải pháp cấp bách nhằm hạn chế nguồn lây lan dịch bệnh là siết chặt biên giới, chống xuất nhập cảnh trái phép, tuyên truyền vận động nhân dân tố giác các trường hợp nhập cảnh trái phép từ nước ngoài, với phương châm “mỗi người dân là mỗi thành lũy trong phòng, chống dịch”.
 
 Lực lượng BĐBP Kiên Giang còn làm tốt công tác vận động quần chúng cảnh giác, kịp thời phát hiện, tố giác những trường hợp nhập cảnh trái phép. Tại các địa bàn trọng yếu ở vùng biên giới, hải đảo, các chiến sĩ biên phòng thường xuyên đến các khu vực bến tàu, bến cảng, khu dân cư và lên các tàu đánh cá phát tờ rơi tuyên truyền về nguy cơ dịch bệnh, các biện pháp phòng tránh lây nhiễm như khai báo y tế, thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế. Vận động người dân cảnh giác với các trường hợp người lạ, tàu lạ xuất hiện trên địa bàn, kịp thời báo với chính quyền, lực lượng chức năng các trường hợp nhập cảnh trái phép. Đối với ngư dân thường xuyên ra biển khai thác hải sản không được sang vùng biển của các nước, không tiếp xúc với người lạ, tàu lạ, lực lượng làm nhiệm vụ của các nước và mỗi thủy thủ phải là một “cộng tác viên” của BĐBP phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép.
 
 Tín hiệu khả quan là thời gian qua nhiều vụ nhập cảnh trái phép mà lực lượng BĐBP cùng các lực lượng phát hiện, bắt giữ cũng xuất phát từ nguồn tin cộng tác của quần chúng nhân dân, như vụ bắt ba người vào ngày 28-4, bắt bảy người vào 26-4 và bắt năm phụ nữ vào ngày 20-4... đều nhập cảnh trái phép bằng đường biển vào Phú Quốc. “Có nhân dân nhiệt tình hỗ trợ, chúng tôi tự tin sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ chống xuất, nhập cảnh trái phép”, Đại tá Nguyễn Thế Anh khẳng định.
 
 

 Theo Thống kê của UBND tỉnh Kiên Giang, từ ngày 20-2 -
 
 thời điểm liên quan đến một “sự kiện cộng đồng” ở Campu-chia đến ngày 6-5 đã có 1.496 người nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, có 38 trường hợp dương tích với SARS-CoV-2. Các lực lượng chức năng trong tỉnh cũng đã phát hiện 45 vụ nhập cảnh trái phép, với 212 người, nhiều vụ xuất cảnh qua Cam-pu-chia trái phép bị bắt giữ, trong đó TP Hà Tiên 18 vụ, 49 người; TP Phú Quốc 20 vụ, 144 người... Nguy hiểm, có một vụ nhập cảnh trái phép vào Kiên Giang đã “lọt lưới” lực lượng chức năng, những người này đã mang theo vi-rút SARS-CoV-2 đến nhiều địa phương khác.