Người của mùa thu cách mạng

76 năm trước, họ là những chàng trai, cô gái đầy hoài bão, bừng bừng trong tim tinh thần dân tộc và ngọn lửa tận hiến cho Tổ quốc. Vượt qua bao gian khổ, hy sinh trong những năm dài làm cách mạng, bản lĩnh và trí tuệ của người cộng sản chân chính đã giúp họ vượt qua tất cả. Hôm nay, khi đã đồng hành cùng những thăng trầm của đất nước suốt 3/4 thế kỷ, họ vẫn là ánh sao Khuê cho thế hệ trẻ noi theo.

Ông Ðặng Văn Việt với cuốn sách Hạ cờ triều đình Huế, giương cao cờ đỏ sao vàng - sự kiện vĩnh hằng, NXB Hội Nhà văn tháng 12/2015.
Ông Ðặng Văn Việt với cuốn sách Hạ cờ triều đình Huế, giương cao cờ đỏ sao vàng - sự kiện vĩnh hằng, NXB Hội Nhà văn tháng 12/2015.

Cờ đỏ sao vàng giữa kinh thành Huế

Ngày 28/8/1945, tại lầu Ngọ Môn, Bảo Đại đã tuyên bố thoái vị. Nhưng trước đó, lá cờ đỏ sao vàng rộng 120 m2 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thay thế cho lá cờ hình quẻ ly của triều đình Nguyễn. Người từng hoàn thành nhiệm vụ quan trọng và nguy hiểm này là ông Đặng Văn Việt, hiện đã bước sang tuổi 102. Ông hào hứng kể cho chúng tôi về những tháng ngày hoạt động sôi nổi, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Trung Kỳ.

Đầu tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp, Trường Y khoa Đông Dương đóng cửa, Đặng Văn Việt trở lại kinh thành Huế, được các trí thức yêu nước như Phan Anh, Tạ Quang Bửu vận động tiếp tục theo học tại Trường Võ bị thanh niên tiền tuyến. Tuy trường mang danh do chính phủ Trần Trọng Kim thành lập nhằm đào tạo các sĩ quan tương lai, nhưng bên trong là tổ chức của Việt Minh. Đặng Văn Việt tiếp tục rèn luyện, hoạt động và gây dựng các cơ sở thanh niên yêu nước tại thành nội và các huyện lỵ lân cận.

Do nhận định được địa chính trị quan trọng của Huế nên ngày 20/8/1945, Xứ ủy Trung Kỳ đã thành lập Ủy ban khởi nghĩa gồm các đồng chí Tố Hữu, Hoàng Anh, Lê Tự Đồng, Lê Khánh Khang, Hoàng Phương Thảo, Nguyễn Sơn, Trần Hữu Dực... và quyết định khởi nghĩa ngày 23/8. Cũng trong ngày 20/8, Đặng Văn Việt nhận tin mật đến gặp đồng chí Trần Hữu Dực và được giao nhiệm vụ treo cờ đỏ sao vàng lên cột cờ lớn trước cửa Ngọ Môn vào sáng 21/8. Vậy là ông Việt lại đạp xe ra tận Phú Vang, gặp một cơ sở bí mật để nhận cờ. “Tôi cuộn lá cờ bên trong mảnh vải, tròn dài như con trăn nằm quấn mấy vòng trên gác baga xe đạp rồi đạp một mạch về trường” - ông Việt nhớ lại.

Cùng với ông Việt thực hiện nhiệm vụ kéo cờ còn có ông Nguyễn Thế Lương (sau đổi tên thành Cao Pha, trước khi nghỉ hưu là Thiếu tướng - Tư lệnh Binh chủng Đặc công, Bộ Quốc phòng). Hai người được cho mượn một khẩu súng, mặc đồng phục mới của trường, đi giày da, đội mũ ca lô. Ông Việt nói: “Biết là nhiệm vụ rất nguy hiểm nhưng chúng tôi vẫn không nao núng. Đến kỳ đài, tôi hạ cờ trên xe xuống để anh Cao Pha bảo vệ lá cờ, rồi lên phía trạm gác gặp đội trưởng canh gác kỳ đài, nói: “Theo lệnh Ủy ban Kháng chiến Trung Bộ, chúng tôi có nhiệm vụ hạ cờ quẻ ly, treo cờ cách mạng. Yêu cầu các anh giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ”.

Trước khí thế của hai thanh niên trẻ và dường như cũng đã ý thức được thời cuộc, đội trưởng đội ngự lâm quân đồng ý cho hạ cờ. Nhưng khi kéo lá cờ đỏ sao vàng của cách mạng lên thì gió to, cờ nặng nên vô cùng vất vả. Rốt cuộc sau một hồi cố gắng, lá cờ cũng được kéo lên tận đỉnh, đón gió mà tung bay phấp phới. Nhân dân các huyện ngoại thành cách xa hàng chục km vẫn nhìn thấy được màu cờ rực rỡ trong nắng, bà con phấn khởi reo hò “Cờ đỏ sao vàng. Cờ đỏ sao vàng. Hoan hô cách mạng đã về. Dân ta độc lập, tự do rồi”.

Ngày hôm sau, quần chúng nhân dân từ các huyện ùn ùn kéo về kinh thành, biểu tình thị uy. Tới ngày 23/8, chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức cuộc mít-tinh mừng Nhật trả lại quyền cai trị Nam Kỳ cho triều đình Huế, Ủy ban khởi nghĩa đã phát động quần chúng lần lượt chiếm lĩnh hầu hết các cơ quan, công sở và trại lính bảo an của kinh thành. Ông Việt cùng các học viên Trường Thanh niên tiền tuyến là người tham gia chỉ đạo các hướng tuần hành, đồng thời bảo vệ nhân dân an toàn trước những kẻ trà trộn vào đoàn người hòng kích động, gây rối.

Ngày 30/8, ông tiếp tục được phân công nhiệm vụ bảo vệ buổi lễ thoái vị của vua Bảo Đại. Một chỉ huy đội cận vệ hoàng gia đứng gần ông nói nhỏ: “Hôm các ngài đến hạ cờ và treo cờ, tôi đã cho triển khai 120 lính khố vàng nằm dọc theo thành cửa Ngọ Môn, chĩa súng nhằm thẳng hai người và chỉ chờ hiệu lệnh là nổ súng. Khi tôi vào xin lệnh của vua Bảo Đại, nhà vua thét lên và bảo “Chớ, chớ! Việt Minh đấy”. Ông Việt cười khà khà kể lại chi tiết này, bảo mình cùng đồng đội đã may mắn thoát hỏi họng súng trong gang tấc, thần chết cũng “nể” mình. Nên sau này, dù tham gia chinh chiến trăm trận lớn nhỏ, song ông hầu như không bị thương. Và nay, đã bước sang tuổi 102, ông vẫn đủ sức khỏe lái chiếc xe điện ba bánh đi thăm bạn bè gần nhà.

Sau Cách mạng Tháng Tám, ông Việt tham gia quân đội và chiến đấu anh dũng trên nhiều mặt trận. Năm 1947, ở tuổi 27, ông trở thành Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 (một trong hai trung đoàn đầu tiên của quân đội Việt Nam). Ông là người chỉ huy uy danh lừng lẫy núi rừng Việt Bắc, thao lược, quả cảm đến mức quân Pháp đặt biệt danh là “Hùm xám đường số 4”...

Người của mùa thu cách mạng -0

Lãnh đạo thành phố Hà Nội thăm hỏi, tặng quà bà Phan Thị Phúc (giữa) nhân kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. 

Những đóa hoa lan trắng

Mỗi sáng đi làm, ngang qua vòm sấu xanh có tuổi đời gần 100 năm và cánh cổng vòm của Trại Bảo an binh để vào cơ quan, tôi lại bất giác nhớ đến hình ảnh những nữ sinh Hà Nội quả cảm mặc áo dài trắng đã tiến đến trước cánh cổng này để thuyết phục các thành viên của đội bảo an buông súng đầu hàng. Nhiều lần tìm hiểu, liên lạc, tôi đã có dịp được gặp một trong số những nữ sinh năm ấy. Trong căn nhà cổ ở phố Nguyễn Gia Thiều, không gian tĩnh lặng thoang thoảng mùi hương nguyệt quế, bà Phan Thị Phúc đón tiếp chúng tôi đầy lịch thiệp và tinh tế. Bà nguyên là cán bộ của tổ chức Unesco Việt Nam, nguyên thành viên của tổ chức Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu năm 1945 và là phu nhân nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch.

Bà Phan Thị Phúc sinh ra trong gia đình  dòng dõi cụ Phan Đình Phùng. Mẹ mất sớm, bố bận làm việc cho chính quyền nên từ nhỏ bà Phúc ở với ông nội và chú ruột là nhân sĩ trí thức yêu nước Phan Tư Nghĩa. Năm 15 tuổi, bà được chú tin tưởng giao cho việc liên lạc với các cơ sở cách mạng trong nội thành Hà Nội. Bà Phúc còn cùng Đội Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu tham gia tuyên truyền trên các chuyến tàu điện để nhân dân hiểu và tham gia ủng hộ cách mạng.

Ngày 19/8, sau khi cùng các đội viên của Đội Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu tỏa đi khắp ngả đường biểu tình giành chính quyền, những người được phân công nhiệm vụ tiến đến một trong những mục tiêu quan trọng cần phải chiếm lĩnh mới có thể coi là thắng lợi hoàn toàn là Trại Bảo an binh nằm trên phố Hàng Bài. Hàng nghìn lượt lính bảo an đồn trú nơi đây được trang bị đầy đủ vũ khí, là một lực lượng quan trọng của địch ở Hà Nội và tại miền bắc lúc bấy giờ. Khi Đoàn tiến đến, cổng trại được khóa chặt và có hai lính gác. Dù không chống đối nhưng chúng nhất định không chịu mở cửa. Hơn nữa, bên ngoài bốn xe tăng của Nhật canh ở bốn góc luôn chĩa súng vào ta.

“Lúc ấy anh Thái Hi chạy đến nói với chúng tôi là, các chị tổ chức lấy 10 người, đi vào Trại Bảo an binh để thuyết phục lính bảo an. Tôi vội chạy tới lấy cái cọc màn để treo lá cờ cầm tay, đi đến đầu Tràng Tiền thì bị ngăn lại, nhưng vẫn cứ xông tới. Đi vòng một hồi cũng đến được nơi cần đến. Lính bảo an mở cửa ngách để chúng tôi vào, gặp ông Quản Liên là người chỉ huy cao nhất ở đó. Ông cười bảo, chúng tôi đang chờ xem cách mạng tiếp quản như thế nào, ai ngờ lại là bốn cô thiếu nữ. Rồi ông Quản Liên cho người dẫn cán bộ cách mạng đi tiếp quản kho súng để phát cho anh em tự vệ. Chúng tôi lúc ấy rất đói, liền đi lấy gạo, hái rau dại và quả sấu trong sân trại để nấu ăn, lính bảo an và anh em tự vệ cùng ăn với nhau, không khí rất hòa hợp” - bà Phúc nhớ lại.

Để cuộc cách mạng thắng lợi, chúng ta không phải đổ máu đã phải trải qua một quá trình chuẩn bị từ nhiều năm trước. Đặc biệt là tại Trại Bảo an binh, sự tham gia của các nữ sinh khiến cánh lính bảo an buông súng đầu hàng cũng là một trong những điểm đáng nhớ.

Bà Phan Thị Phúc tặng chúng tôi cuốn sách, trong đó ghi lại những ký ức khó phai của đời mình rồi tâm huyết chia sẻ: “Từ hơn 400 đội viên, giờ đây Đội Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu năm ấy chỉ còn lại khoảng 30 người, đa phần đều tuổi cao sức yếu. Hà Nội là nơi khởi đầu quan trọng của Cách mạng Tháng Tám, nên tất cả chúng tôi rất mong muốn Thủ đô có một con đường mang tên Cách mạng Tháng Tám và một đài tưởng niệm mang tên Đài Độc lập”.