Người Anh hùng năm lần được gặp Bác Hồ

Tôi đến thăm Anh hùng Lao động Đinh Như Gia tại nhà riêng của ông ở thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đúng vào sáng ngày 30-4. Vừa rót bát nước chè xanh mời khách, ông nhẩm tính chỉ còn gần ba tuần nữa là đến kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ký ức về những lần vinh dự được gặp Bác còn vẹn nguyên trong tâm trí.

Người Anh hùng năm lần được gặp Bác Hồ

Trọn đời học và làm theo Bác
 
 Năm nay ông Đinh Như Gia đã 86 tuổi, vẫn còn rất minh mẫn và khỏe mạnh. Ông luôn nhớ như in năm lần vinh dự được gặp Bác Hồ. Trong cuộc trò chuyện với tôi, chiếc điện thoại của ông liên tục đổ chuông khiến ông phải tạm ngắt quãng để nghe máy. Đó là điện thoại của cơ sở mời ông sắp xếp thời gian dự họp duyệt chương trình, nội dung đại hội Người cao tuổi của một số xã.
 
 Suốt cuộc đời cống hiến cho cách mạng, chức vụ cao nhất ông đảm nhận là Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị. Năm 2000, đến tuổi nghỉ hưu, từ Đông Hà ông chuyển về quê ở xã Vĩnh Nam (nay thuộc thị trấn Hồ Xá) sinh sống, rồi được mọi người quý mến, tin tưởng bầu làm Chi hội trưởng Người cao tuổi khu phố 5. Phẩm chất của một anh hùng luôn phát huy ở mọi lĩnh vực nên đến năm 2007, tổ chức điều động ông lên làm Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện Vĩnh Linh với hơn 16 nghìn hội viên của 18 xã, thị trấn với 147 chi hội. Điều ông quan tâm nhất là thông qua các hội viên, chi hội để giáo dục đạo đức, tư tưởng cho tuổi trẻ về lý tưởng sống, ý thức trách nhiệm. Ông quan niệm chỉ những người sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, dòng họ thì mới có trách nhiệm với quê hương, đất nước. Như mưa dầm thấm đất, chủ trương của ông luôn được các hội viên hưởng ứng và vận dụng vào gia đình, cuộc sống một cách thiết thực. Ông đã tổ chức cho các chi hội, hội viên thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách sáng tạo, hiệu quả như lấy giáo dục làm trọng, lấy đạo đức con người làm thước đo của mọi hành động để khuyến khích các hội viên luôn gương mẫu phấn đấu, dạy bảo con cháu noi theo.

Người Anh hùng năm lần được gặp Bác Hồ -0
 Danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động của ông Đinh Như Gia vẫn còn in đậm chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

 Câu chuyện về những năm công tác ở Hội Người cao tuổi được ông kể xen lẫn với niềm tự hào về những kỷ niệm của người dân Vĩnh Linh kiên cường, bất khuất trong những năm tháng gian khổ đấu tranh. Tháng 7-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết, vĩ tuyến 17 được chọn làm giới tuyến quân sự tạm thời giữa hai miền bắc - nam để hai năm sau tiến hành tổng tuyển cử, thống nhất đất nước. Nhưng rồi đế quốc Mỹ đơn phương không thực thi Hiệp định khiến con sông Bến Hải trở thành ranh giới phân chia bắc-nam, gây nên nỗi đau chia cắt đất nước suốt 21 năm. Từ một phần của tỉnh Quảng Trị, Vĩnh Linh trở thành Khu vực trực thuộc trung ương, là địa bàn chiến lược quan trọng. Những ngày đó quân và dân Vĩnh Linh anh dũng chiến đấu, lập nên nhiều chiến công hiển hách, tám lần vinh dự được Bác Hồ gửi thư khen đánh giỏi, thắng lớn.
 
 Ông Gia say sưa kể về sáng kiến tạo ra hệ thống trục nôi quay tự động nhằm tránh thương vong hữu hiệu cho trẻ em hồi còn là Trung đội trưởng dân quân du kích xã Vĩnh Nam kiêm Đội trưởng Đội sản xuất số 5 của Hợp tác xã sản xuất Nam Hồ. Mỗi khi máy bay địch ào đến ném bom, tiếng chuông báo hiệu reo lên, người giữ trẻ chỉ cần kéo ròng rọc là cả hệ thống hàng trăm chiếc nôi trẻ em tự động chạy xuống đường hầm địa đạo tránh đạn. Nhờ sáng kiến độc đáo mà nhân văn này mà trẻ em Vĩnh Linh được bảo vệ an toàn hơn trước đó rất nhiều, giúp bố mẹ các em yên tâm ra đồng vừa cấy cày, vừa bắn máy bay. Ngày 1-1-1967, Bác Hồ đã phong tặng ông Đinh Như Gia danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động với “Thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, góp phần cùng toàn dân đưa sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi vẻ vang”.
 
 Vinh dự lớn nhất trong đời
 
 Niềm tự hào lớn nhất trong cuộc đời Anh hùng Lao động Đinh Như Gia là năm lần được gặp Bác Hồ. Đó là vinh dự lớn nhất mà ít người có được, đặc biệt hơn nữa là với những người vùng giới tuyến như ông. Lần đầu tiên ông được gặp Bác vào ngày 4-9-1957 nhân dịp ra Hà Nội tham dự lễ duyệt binh chào mừng Quốc khánh 2-9. Lễ kết thúc, Bác tới hỏi thăm đại diện của Khu Vĩnh Linh. Ông Gia kể cho Bác nghe tình hình đời sống, sản xuất và tinh thần sẵn sàng chiến đấu của bà con. Bác nhờ ông chuyển lời chúc sức khỏe và hứa nhất định sẽ sắp xếp vào thăm nhân dân Vĩnh Linh khi có điều kiện cho phép.
 
 Mười năm sau, vào năm 1967, từ Vĩnh Linh ra Hà Nội tham dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ tư, ông Gia lại được ưu tiên ngồi ăn cơm và nói chuyện với Bác Hồ về cuộc sống, lao động sản xuất và chiến đấu vô cùng khốc liệt nhưng rất đỗi anh hùng của người dân đất thép Vĩ tuyến 17. Bác xới ba bát cơm, gắp thức ăn rồi động viên ông ăn thật khỏe. Bác cũng không quên nhắc ông tranh thủ đi thăm các phố Tràng Tiền, Gia Ngư... để biết thêm về Thủ đô vì trong hoàn cảnh đất nước còn chiến tranh, cơ hội được ra Hà Nội công tác rất khó khăn. Nghe Bác dặn dò, ông vô cùng xúc động. Cũng trong dịp ấy, sau khi dẫn mọi người đi thăm vườn cây ở Phủ Chủ tịch về, Bác nhắc ông mang năm kilôgam bồ kết về tặng chị em phụ nữ ở Vĩnh Linh. Kết thúc đại hội, ông Gia vinh dự cùng với các anh hùng trên khắp mọi miền đất nước quây quần chụp ảnh kỷ niệm với Bác.

Người Anh hùng năm lần được gặp Bác Hồ -0
Ông Gia trao đổi với những người cao tuổi ở thị trấn Hồ Xá về công tác bầu cử. 

 Ông tâm sự lần nào được gặp Bác Hồ cũng rất cảm động. Sâu sắc nhất là hồi năm 1968 khi ông và các đội trưởng đội sản xuất xã hội chủ nghĩa ở miền bắc đến thăm Bác. Lúc này sức khỏe Bác yếu hơn, nhưng vẫn nhớ và gọi đúng tên anh hùng Đinh Như Gia. Bác ân cần nắm tay, dặn ông về nhắc nhở bà con Vĩnh Linh khi nào máy bay Mỹ ngừng ném bom thì tranh thủ lên khỏi địa đạo để hít thở khí trời, giữ sức khỏe. Vì cuộc chiến đấu giành độc lập, thống nhất đất nước của chúng ta có thể còn kéo dài 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa, dù thế nào cũng sẽ thắng lợi. Khi tôi truyền đạt lại với bà con, ai nấy đều rưng rưng cảm động vì sự quan tâm sâu sắc của vị Cha già dân tộc.
 
 Tháng 9 năm 1969, Anh hùng Đinh Như Gia là một trong sáu đại biểu ưu tú của Khu Vĩnh Linh được ra Hà Nội viếng Bác trong niềm tiếc thương vô hạn. Giờ đây, những kỷ niệm, kỷ vật về Bác luôn được ông xem như tài sản vô giá và cũng là nguồn đề tài bất tận cho những câu chuyện về Người trong mỗi lần ông truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Đã đến tuổi gần đất xa trời, mới đây ông trân trọng gửi gắm tất cả kỷ vật Bác đã tặng như Huy hiệu Bác Hồ; Huân chương Lao động hạng nhất; Danh hiệu Anh hùng Lao động có chữ ký của Bác cho Bảo tàng Hồ Chí Minh bảo quản, trưng bày.