Nâng cao hiệu quả kiểm soát xung đột lợi ích

Thời gian qua, nhiều vụ xung đột lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức đã bị phanh phui và xử lý như lạm dụng chức vụ, quyền hạn để bổ nhiệm người nhà, "nâng đỡ không trong sáng"; lãnh đạo, cán bộ các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước móc ngoặc, hình thành các nhóm lợi ích "sân sau"... Kiểm soát xung đột lợi ích là một trong những biện pháp góp phần phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn.

Các bị cáo trong phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma. Ảnh | Hữu Khoa
Các bị cáo trong phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma. Ảnh | Hữu Khoa

Muôn hình vạn trạng

Một vụ việc gây xôn xao dư luận là bà Hồ Thị Kim Thoa trong thời gian còn tại nhiệm chức vụ Thứ trưởng Công thương nắm giữ hơn 1,6 triệu cổ phiếu Công ty CP Bóng đèn Điện Quang; các chức danh chủ chốt tại công ty do thành viên gia đình bà Thoa nắm giữ: em trai từng giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, con gái là thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc. Các thành viên gia đình bà Thoa có thời điểm sở hữu tổng cộng 11,69 triệu cổ phiếu DQC, tương đương 42,4% tổng lượng cổ phiếu lưu hành. Xung đột lợi ích không được kiểm soát tốt dẫn tới việc thâu tóm cổ phần doanh nghiệp của gia đình bà Thoa. Đây cũng là minh chứng điển hình lãnh đạo doanh nghiệp chuyển lên làm lãnh đạo ở bộ chủ quản, có thể vừa "ưu ái" chính sách cho doanh nghiệp, vừa lợi dụng vị trí mới để nhận được các lợi ích kinh tế từ doanh nghiệp.

Có nhiều cách hiểu khác nhau về xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ nhưng tựu trung lại, nó được nhận thức là tình huống trong đó việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ có thể bị ảnh hưởng theo chiều hướng xấu bởi các lợi ích cá nhân của người đó. Biểu hiện xung đột lợi ích ngày càng phong phú. Đó có thể là việc bổ nhiệm người thân của một số lãnh đạo địa phương "đúng quy trình" nắm giữ vị trí lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi, hay việc tặng quà, "lại quả", "bồi dưỡng" cán bộ. Hồ sơ vụ án làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và buôn lậu xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma và khai nhận của các bị cáo thể hiện tiền chi hoa hồng cho bác sĩ kê đơn thuốc của công ty cho bệnh nhân lên tới 7,5 tỷ đồng. Việc tặng quà cán bộ, công chức để thuận lợi cho công việc gần như trở thành "luật bất thành văn", 44,9% doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí không chính thức là con số trong báo cáo PCI 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố. Cũng không khó để bắt gặp trường hợp lãnh đạo một cơ quan nhà nước yêu cầu văn phòng sử dụng một đơn vị cung cấp văn phòng phẩm, đồ uống hoặc sửa chữa công trình. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chấm dứt việc tiếp nhận xe ô-tô của doanh nghiệp biếu, tặng sau khi tình trạng này xảy ra ở một số tỉnh như Cà Mau, Đà Nẵng, Đắk Lắk...

Một khảo sát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ở 30 quốc gia cho thấy các nguồn xung đột lợi ích nổi trội là quà tặng, lợi ích từ hoạt động kinh doanh, công việc làm thêm. Trong đó công việc làm thêm từ khu vực tư nhân là yếu tố trọng tâm. Tình trạng công chức có công việc làm thêm liên quan đến lĩnh vực mình công tác, doanh nghiệp "sân sau" ở Việt Nam cũng khá phổ biến. Lãnh đạo doanh nghiệp "sân sau" thường là người thân của cán bộ các cơ quan nhà nước. Doanh nghiệp "sân sau" bóp méo cơ chế thị trường, tạo ra sự cạnh tranh thiếu bình đẳng, trục lợi từ hàng loạt hợp đồng béo bở do được ưu ái chỉ định thầu. Lợi dụng vị trí công tác, có điều kiện tiếp cận thông tin, có mối quan hệ rộng, một số cán bộ có doanh nghiệp "sân sau" làm ăn rất thuận lợi hoặc có khi chỉ bán hợp đồng là có tiền chênh lệch. Do có nhiều vi phạm, biểu hiện lạm dụng quyền lực, trong đó ký một số quyết định thể hiện sự ưu ái, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp của gia đình thực hiện các dự án, báo cáo sai sự thật về khối lượng, tiến độ thực hiện của dự án, nhằm mục đích trục lợi cho doanh nghiệp của gia đình mình, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh đã bị cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng.

Cần quy định hợp lý, xử lý nghiêm

Vì sao xung đột lợi ích lại có thể diễn ra ngang nhiên, phổ biến, không được kiểm soát ngay từ đầu để dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng, có khi trở thành những vụ việc tham nhũng có tổ chức? Có thể thấy, quy định về kiểm soát xung đột lợi ích nằm tản mát ở nhiều văn bản khác nhau như Luật Cán bộ, công chức, Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018, Nghị định 59/2019 hướng dẫn Luật Phòng chống tham nhũng. Việc nhận diện tình huống xung đột lợi ích trong các văn bản còn có sự mâu thuẫn. Khoản 8, Điều 3 Luật Phòng chống tham nhũng quy định "Xung đột lợi ích là tình huống...". Tuy nhiên, Điều 29 Nghị định 59/2019/NĐ-CP lại nêu ra chín trường hợp xung đột lợi ích trong đó có tám trường hợp mô tả hành vi của người có chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định về những việc cán bộ, công chức không được làm, chỉ có một trường hợp mô tả tình huống. Nếu xảy ra hành vi thuộc một trong tám trường hợp này thì sẽ khó xác định đó là hành vi vi phạm quy định về quy tắc ứng xử hay đơn giản chỉ là rơi vào tình huống xung đột lợi ích? Quy định này tạo nên sự không rõ ràng trong cách hiểu về tình huống xung đột lợi ích cũng như cách thức xử lý xung đột lợi ích đó. Cần lưu ý rằng tính chất khách quan là dấu hiệu quan trọng giúp nhận biết và phân biệt xung đột lợi ích với hành vi tham nhũng. Nếu người có chức vụ, quyền hạn chủ động đưa mình vào tình huống xung đột lợi ích, hay nói cách khác là vi phạm các quy định về quy tắc ứng xử, thì về bản chất đó chính là hành vi tham nhũng và cần phải có biện pháp xử lý khác với xử lý tình huống xung đột lợi ích.

Quy định về phát hiện và xử lý xung đột lợi ích còn có điểm chưa hợp lý, chế tài chưa nghiêm, chủ yếu dẫn chiếu đến các quy định chung về xử lý cán bộ, công chức nên không có tính răn đe. Theo quy định của Nghị định 59, khi phát hiện có xung đột lợi ích và có căn cứ cho rằng việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người có xung đột lợi ích không bảo đảm khách quan thì người có thẩm quyền sẽ tiến hành giám sát. Trường hợp, giám sát vẫn không bảo đảm khách quan thì tạm đình chỉ hoặc đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người có xung đột lợi ích. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nếu đã xác định được có xung đột lợi ích thì không cần thiết phải có căn cứ không bảo đảm khách quan mới có biện pháp xử lý, mà có thể xử lý ngay bằng cách phân công công chức khác thực hiện nhiệm vụ, công vụ; trường hợp không thể phân công công chức khác vì lý do đặc biệt nào đó thì mới tiến hành giám sát, trong quá trình giám sát nếu thấy vẫn không bảo đảm khách quan thì áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoặc đình chỉ.

Trách nhiệm thực thi các quy định về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ hiện nay được giao cho nhiều cơ quan khác nhau, thiếu một cơ quan đầu mối chuyên trách; trong khi, nội dung thực thi đòi hỏi phải có một cơ quan chuyên trách với những cán bộ chuyên trách hiểu biết đầy đủ và sâu sắc về xung đột lợi ích, các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và loại bỏ xung đột lợi ích.

Kiểm soát tốt tình huống xung đột lợi ích là nền tảng để không dẫn tới hành vi tham nhũng, cũng chính là củng cố nền tảng đạo đức công vụ, tăng cường liêm chính trong hoạt động công vụ - một trong những yêu cầu cấp thiết đối với nền công vụ. Chính vì thế, thời gian tới, cần bổ sung các quy định về nhận diện và phòng ngừa xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ bảo đảm nhận thức thống nhất về tình huống xung đột lợi ích; mở rộng phạm vi xem xét các nhóm lợi ích cá nhân của cán bộ, công chức tiềm ẩn nguy cơ này; quy định trách nhiệm của bản thân cán bộ, công chức và người quản lý trực tiếp họ trong việc rà soát xung đột lợi ích tại thời điểm tuyển dụng, bổ nhiệm và trong suốt quá trình làm việc. Nhấn mạnh trách nhiệm chủ động phòng ngừa, phân biệt tình huống xung đột lợi ích khách quan với hành vi vi phạm quy tắc ứng xử - chủ động đưa mình vào tình huống xung đột lợi ích. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh cách tiếp cận về xử lý tình huống xung đột lợi ích để bổ sung quy định về phát hiện, xử lý cho phù hợp. Về lâu dài, có thể nghiên cứu xây dựng Luật Đạo đức công vụ trong đó có chế định riêng về quy tắc ứng xử nhằm phòng ngừa xung đột lợi ích; quy định rõ những hành vi bị cấm và chế tài nghiêm khắc đối với mọi trường hợp vi phạm. Nghiên cứu thành lập Ủy ban đạo đức công vụ có nhiệm vụ hướng dẫn cán bộ, công chức nhận thức đúng và thực hiện đầy đủ các quy định về kiểm soát xung đột lợi ích, tập hợp thông tin về các trường hợp xung đột lợi ích và chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, theo dõi, giám sát việc giải quyết các vụ việc vi phạm cũng là việc làm cần thiết.