Mùa xuân nơi đầu nguồn biên giới

“Anh ở biên cương, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”. Những ca từ trong bài hát quen thuộc đưa tôi về với vùng đất biên giới Bát Xát ngút ngàn rừng núi, mây trời. Ngày cuối năm, sau đợt rét dài, cái nắng mật ong hửng lên thật ấm áp, làm những nụ hoa đào chúm chím cũng bung nở sớm nơi mảnh đất biên cương. Ở thôn Hồng Ngài, nơi tận cùng biên giới xa xôi tỉnh Lào Cai, các chiến sĩ biên phòng vẫn không quản ngại khó khăn, bám trụ đường biên, mốc giới, giữ bản làng bình yên để bà con đón Tết thật vui.

Ðường vào cột mốc 85 còn rất gian nan.
Ðường vào cột mốc 85 còn rất gian nan.

Trở lại cột mốc 85

Đây không phải là lần đầu tiên tôi có ý định đến Hồng Ngài, thôn xa xôi nhất của xã Y Tý, cách trung tâm xã 20 km, vừa giáp với xã Ma Ngán Tý, huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), vừa giáp với xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Nơi đây có cột mốc biên giới số 85 nằm sâu trong rừng già là cột mốc đầu tiên trên tuyến biên giới do Bộ đội Biên phòng Lào Cai quản lý. Trong mấy chuyến lên xã Y Tý tôi đều “lỡ hẹn” với cột mốc số 85 vì thời tiết sương mù, hoặc trời mưa, đường trơn không thể vào được.

Nhớ lại năm 2014 tôi đã từng vào thăm cột mốc số 85, từ đó vẫn mang theo nỗi sợ vì chặng đường quá khó khăn. Ngày ấy, đường vào Hồng Ngài mới được mở rộng nhưng vẫn là đường đất xen với những đoạn đá cấp phối, phải đi xe gần nửa ngày mới tới. Người dân Hồng Ngài đi bộ ra chợ Y Tý phải mang theo cơm nắm ăn dọc đường vì mất đúng một ngày. Còn muốn vào cột mốc 85 phải đi bộ gần 10 km, khổ nhất là đoạn xuyên qua rừng già, dốc núi cheo leo. Ngày mùa đông rét tê tái, mà khi chạm tới cột mốc mồ hôi đẫm áo.

Trước chuyến đi vào Hồng Ngài ngày giáp Tết năm nay, tôi nghe anh Ngô Quốc Cường, Bí thư Đảng ủy xã Y Tý chia sẻ tin vui, rằng chặng đường 20 km vào thôn đã được đổ bê-tông gần xong, đi chỉ mất 40 phút. Từ mùa xuân năm nay, Hồng Ngài không còn là “ốc đảo” hoang vắng nữa. Trên con đường mới, bà con sẽ nô nức đi chợ Y Tý, Trịnh Tường, xuống thành phố Lào Cai du xuân, còn du khách bốn phương cũng sẽ dễ dàng đến với bản Mông nơi tận cùng biên giới ngắm hoa đào nở.

Trước khi chúng tôi vào cột mộc 85, Trung tá Trần Văn Dương, Tổ trưởng Tổ công tác địa bàn Hồng Ngài bảo bây giờ xe máy có thể vào gần mốc 85 được, nhưng phải đi xe số cho khỏe và mỗi người đi một xe. Đến cuối thôn Hồng Ngài, chúng tôi phải đi sáu km đường đất đá, nhiều đoạn cheo leo, “sống trâu” gồ lên, chỉ cần lệch tay lái là rơi xuống hủm, có đoạn phải qua cầu gỗ bắc qua suối.

Luồn qua những khóm thảo quả, bám rễ cây rừng leo lên rồi lại men theo lối mòn đi xuống chúng tôi mới được chạm tay vào cột mốc biên giới số 85. Trung tá Trần Văn Dương bảo mỗi ngày anh và đồng đội đều làm nhiệm vụ tuần tra trên tuyến biên giới này, nên đường đi dù khó mấy rồi cũng quen. Bây giờ ngày nắng đi xe máy vào mốc được cũng là tốt lắm rồi, chứ ngày mưa, sương mù anh em vẫn phải đi bộ vào kiểm tra mốc thường xuyên. Nhìn lại đoạn đường đã qua, tôi nói đùa với anh Dương cái xe Wave kia đi phố được 20 năm, thì ở đây đi được 5 năm chắc cũng phải thanh lý vì không sử dụng được nữa.

Đi cùng đoàn với chúng tôi hôm đó còn có Đại úy Trần Trọng Đại, Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ, tỉnh Lai Châu. Anh Đại chia sẻ: “Do địa hình khó khăn, hiểm trở nên để tuần tra được cột mốc số 84 do đơn vị quản lý chúng tôi phải đi đường vòng từ Lai Châu sang Lào Cai, lên Y Tý rồi vào thôn Hồng Ngài. Từ cột mốc 85 này phải đi tiếp 2 tiếng nữa xuyên 5 km rừng già mới đến được cột mốc 84. Thời gian gần đây phía nước bạn triển khai làm hàng rào trên tuyến biên giới, nên nhiệm vụ của các chiến sĩ biên phòng càng phải tăng cường tuần tra đường biên, mốc giới, dù vất vả đến mấy cũng phải bảo vệ vững chắc từng mét vuông đất của Tổ quốc”.

Mùa xuân nơi đầu nguồn biên giới -0
Một góc thôn Hồng Ngài, xã Y Tý. 

Giữ thôn bản bình yên, no ấm

Những ngày cuối năm, tình hình dịch bệnh ở thành phố Lào Cai đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp, nhưng ở Hồng Ngài chúng tôi vẫn cảm nhận được nhịp sống bình yên vốn có. Mặc dù giáp với nước bạn Trung Quốc, nhưng trong 2 năm qua, trong thôn không xảy ra tình trạng người dân xuất-nhập cảnh trái phép, những vụ việc vi phạm pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự, buôn lậu, đặc biệt không có người mắc Covid-19.

Vàng Sáo, Bí thư chi bộ thôn Hồng Ngài, cũng là Tổ trưởng Tổ tự quản an ninh biên giới của thôn, năm nay 32 tuổi, nước da trắng, tác phong nhanh nhẹn. Vàng Sáo bảo nhờ có các chiến sĩ biên phòng mà bà con trong thôn luôn yên tâm sinh sống, lao động, sản xuất. Đều đặn theo kế hoạch, tuần nào các thành viên Tổ tự quản bảo vệ an ninh biên giới cũng cùng các chiến sĩ biên phòng tham gia tuần tra đoạn biên giới 3 km. Khi phát hiện sự việc gì xảy ra ở biên giới, bà con cũng chủ động báo cho các chiến sĩ biên phòng để kịp thời xử lý. Vì thế, thôn bản luôn bình yên.

So với tám năm trước, quang cảnh Hồng Ngài giờ đã thay đổi nhiều. Ngôi nhà xây cấp bốn nhỏ của Tổ công tác địa bàn Hồng Ngài là nơi ở của các chiến sĩ biên phòng nằm dưới rặng đào thì rêu phong hơn, mấy cây đào cũng xù xì, rêu mốc, bung nụ đợi nắng. Dọc đường vào thôn đã có gần chục ngôi nhà xây mới 1 tầng, 2 tầng khang trang, nước sơn tươi tắn. Năm nay bà con trồng 15 ha hoàng sin cô, thu được 150 tấn củ. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá củ hoàng sin cô giảm hơn năm trước, nhưng cũng bán được khoảng 700 triệu đồng. Hồng Ngài có hơn 60 hộ dân nhưng có tới 150 con trâu, 80 con ngựa. Đầu năm 2021, khi huyện Bát Xát phát động mô hình nuôi ngựa, các đảng viên trẻ ở Hồng Ngài còn mạnh dạn vay 500 triệu đồng để mua hơn 30 con ngựa, xây dựng chuồng trại để nuôi theo mô hình bán chăn thả. Trong những kết quả phát triển kinh tế, xã hội, sự no ấm của đồng bào Mông ở Hồng Ngài luôn có sự đồng hành của các chiến sĩ áo xanh nơi đầu nguồn biên giới.

Đón Tết nơi đầu nguồn biên giới

Buổi tối ở Hồng Ngài đến sớm hơn những nơi khác, mới 5 giờ chiều mà trời đã tối và rét buốt như kim châm, ngoài trời sương mù, nhiệt độ dưới 10 độ C. Ngồi bên bếp lửa hơ tay cho đỡ rét, Trung tá Trần Văn Dương bảo thời gian trôi nhanh quá, vậy là anh đã gắn bó với Hồng Ngài được bốn năm, giờ đã chuẩn bị bước sang một mùa xuân mới. Anh vui hơn bao giờ hết khi thấy đời sống đồng bào Mông nơi đây ngày càng ấm no, hạnh phúc. Dù vợ con đang sinh sống ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, năm nay là cái Tết thứ ba anh phải xa gia đình. “Ngày Tết ai cũng muốn được đoàn tụ với gia đình trong cảnh ấm áp và hạnh phúc. Những người lính biên phòng như chúng tôi vì nhiệm vụ phải đón Tết xa nhà, vừa rét, vừa nhớ nhà, nhưng vẫn thấy ấm lòng vì được đón Tết cùng bà con, dân bản như trong một gia đình”.

Trung tá Dương kể, theo truyền thống người Mông ở Hồng Ngài nhà nào cũng nuôi sẵn một hai con lợn to để ăn Tết. Giống lợn ở đây lông dài cả gang tay, nanh nhọn, da dày, thịt đỏ au như lợn rừng. Từ ngày 27, 28 Tết bà con đã nô nức mổ lợn, rồi mời bộ đội biên phòng, họ hàng làng xóm, đến ăn Tết cùng. Bà con quý mến, bộ đội chưa đến nhà thì phải chờ bằng được mới vào mâm, lúc ra về còn biếu cành đào mốc, cân thịt lợn, xâu bánh dầy... Ngày Tết bà con lại đến tổ công tác chúc Tết, ăn Tết cùng bộ đội. Những cái Tết ở Hồng Ngài sẽ là những kỷ niệm không bao giờ quên đối với các anh.

Những ngày giáp Tết năm nay, ở Tổ công tác địa bàn Hồng Ngài, ngoài các chiến sĩ Đồn Biên phòng Y Tý còn có 3 chiến sĩ Tổ công tác Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ ở lại làm nhiệm vụ. Tuy ngôi nhà của Tổ công tác địa bàn Y Tý chật hẹp, nhưng các chiến sĩ biên phòng vẫn chia sẻ với nhau chỗ ăn nghỉ, bữa cơm cùng mâm, chiếc chăn cùng đắp. Trung úy Trần Trọng Đại bày tỏ, tình cảm yêu thương của bà con dân bản giúp những người lính biên phòng ấm lòng hơn, vượt qua mọi gian nan, thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ.