Kỷ niệm 70 năm Ngày Báo Nhân Dân ra số đầu (11-3-1951 - 11-3-2021)  

Một thời sôi động

Mùa hè năm 1997, trong một cuộc họp Ban Biên tập Báo Nhân Dân, Tổng Biên tập Hồng Vinh trao đổi với tôi: "Bộ Chính trị, Trung ương Đảng quyết định báo ta ra một tờ hằng tháng. Anh sẽ phụ trách ấn phẩm này, cho nên anh về dự thảo kế hoạch ra tờ báo Nhân Dân hằng tháng". Khi đó, Báo Nhân Dân đã có tờ hằng ngày và tờ cuối tuần, cần có thêm một tờ nguyệt san, góp phần cho thông tin phong phú, đa dạng.

Cán bộ, phóng viên ban Nhân Dân hằng tháng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Báo Nhân Dân ra số đầu. Ảnh: Duy linh
Cán bộ, phóng viên ban Nhân Dân hằng tháng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Báo Nhân Dân ra số đầu. Ảnh: Duy linh

Nhân Dân hằng tháng ra đời năm 1997, vào thời kỳ đất nước đã hơn 10 năm đổi mới từ sau Đại hội VI của Đảng. Sự nghiệp đổi mới như cơn gió lộng thổi khắp mọi miền nam bắc. Sức mạnh của cả dân tộc đang vươn tới. Những phong trào thi đua trong kinh tế để làm giàu đất nước. Công tác đối ngoại đúng đắn: Việt Nam khép lại quá khứ, sẵn sàng làm bạn với các nước.

Ban Biên tập tập trung thảo luận để xuất bản lâu dài tờ Nhân Dân hằng tháng. Nhiều hội nghị của Ban Biên tập được tổ chức với sự tham dự của các đồng chí nguyên là Tổng Biên tập tiền nhiệm như Hoàng Tùng, Hồng Hà, Hà Đăng, Hữu Thọ. Nhiều cộng tác viên cũng rất nhiệt tình góp ý kiến vào kế hoạch xây dựng tờ Nhân Dân hằng tháng. Tôi còn nhớ những buổi họp thật sôi nổi. Anh Hồng Hà đưa cho tôi cả tập dự thảo kế hoạch xuất bản tờ báo dày hơn mười trang viết tay thể hiện tấm lòng nhiệt tình và các "mẹo" của người làm báo có kinh nghiệm. Anh Hoàng Tùng nói về tính Đảng của tờ báo Nhân Dân hằng tháng nên thể hiện như thế nào? Anh Hà Đăng lại nói nhiều về tính quần chúng để khắc phục những suy nghĩ về báo Đảng thường "mũ cao áo dài". Nhiều nhà khoa học, nhà báo, nhà văn cũng "hiến kế" làm cho tờ báo hay.

Thời kỳ những năm 90 này tuy có nhiều đổi mới về kỹ thuật in ấn nhưng cũng tồn tại nhiều điều lạc hậu mà tờ báo phải vượt qua trong tương lai.

Sôi nổi nhất là phương án thể hiện nội dung cuộc sống trên tờ Nhân Dân hằng tháng. Những năm cuối thế kỷ 20, cả hành tinh đang chuẩn bị bước vào thiên niên kỷ mới, với hơn 50 trang báo, chúng ta phải phản ánh đối nội, đối ngoại làm sao cho thật phong phú. Thời kỳ này còn quá ít những tạp chí chuyên đề hằng tháng trong làng báo. Chúng tôi vừa làm vừa rút kinh nghiệm cải tiến nội dung, hình thức tờ Nhân Dân hằng tháng và báo ngày càng được bạn đọc yêu mến.

Báo Nhân Dân hằng tháng có một đội ngũ trong Hội đồng Biên tập với sự tham gia của những cộng tác viên trên các lĩnh vực. Nhiều cây bút khắp mọi miền đã nhiệt tình viết bài, gửi ảnh cho ấn phẩm mới này. Hằng quý, báo triệu tập các cuộc họp của Hội đồng Biên tập và cộng tác viên. Những ý kiến đóng góp rất thiết thực. Những ngày đầu báo phát hành mỗi số đến hơn 10 vạn tờ. Nhớ một lần trong cuộc hội nghị giữa Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và Ban Biên tập Báo Nhân Dân, anh Mười Hương (trùm lãnh đạo ngành tình báo) nói với tôi: "Mình vừa ở TP Hồ Chí Minh ra mới đọc bài Cảnh sát trưởng Mác-xây trên tờ Nhân Dân hằng tháng. Chuyện cũng thú vị. Nhưng các cậu phải mở rộng phát hành tờ báo tháng ra các tỉnh phía nam".

Báo Nhân Dân hằng tháng năm nay thấm thoắt đã 24 tuổi trong tuổi đời 70 năm của Báo Nhân Dân. Đội ngũ làm báo Nhân Dân hằng tháng ngay từ đầu phần lớn trẻ trung, nhiều người vừa tốt nghiệp đại học về đầu quân cho báo. Công việc những ngày đầu còn bỡ ngỡ, khác hẳn việc xuất bản tờ báo Nhân Dân hằng ngày. Anh chị em vừa học nghiệp vụ xuất bản, đi nhà in và thay nhau đi công tác để thêm "nguồn sữa" từ trong cuộc sống của nhân dân và viết bài cho báo. Bàn chân họ đến những vùng xa xôi như vào đồng bằng sông Cửu Long, tới mảnh đất heo hút vùng Tây Bắc như Mường Lay, Mường Lát, Si Ma Cai, Mù Cang Chải... Sau các chuyến đi thực tế, họ vui mừng tâm sự: sướng nhất là được đi cơ sở gặp đồng bào với bao chuyện vui buồn để viết bài. Thời kỳ ấy đất nước còn nghèo, phải bỏ tiền túi trả nợ cho cơ quan sau mỗi chuyến đi. Khó khăn là vậy nhưng đâu có chùn bước những người phóng viên trẻ.

Tờ báo được bạn đọc đón nhận và khen ngợi chất lượng nội dung đậm hơi thở cuộc sống. Cùng với bài, ảnh, các chuyên mục ra đời, được bạn đọc tham gia viết và hoan nghênh. Một số chuyên mục đã trở thành quen thuộc, được độc giả đón chờ: "Tìm trong sử vàng", "Nét đẹp xứ bạn", "Chuyện nhà doanh nghiệp", "Bạn đọc kể", "Sinh vật cảnh", "Tản bút", "Cựu chiến binh vui kể", "Chuyện lớn... chuyện nhỏ...", "Dí dỏm đố bạn",... Hàng trăm lá thư của các cựu chiến binh miền nam, miền bắc gửi về tòa soạn đề nghị tuyển các bài "Cựu chiến binh vui kể" để in thành sách. Họ cho rằng đấy là những kỷ niệm rất đẹp của một thời đạn lửa, để thế hệ sinh ra trong hòa bình hiểu thêm cha anh đã sống, chiến đấu như thế nào. Ngay từ đầu, Hội đồng Biên tập có ý kiến tờ bìa của Nhân Dân hằng tháng nên là một tác phẩm mà mỗi số như món quà văn hóa tặng cho bạn đọc và tích cực động viên các họa sĩ, nhà nhiếp ảnh chung tay góp sức. Còn nhớ một số bìa của Nhân Dân hằng tháng được khen ngợi, như bìa cô gái Minh Hồng phất cờ Tổ quốc ở Nam Cực và được một sứ quán Việt Nam tại châu Phi phóng lớn bức ảnh bìa treo ngay trước cửa cơ quan. Bìa in hình các cô gái dân tộc bên ruộng bậc thang lúa chín vàng của nghệ sĩ Trần Thăng, sau này được phóng to trưng bày tại một triển lãm nhiếp ảnh ở TP Hồ Chí Minh làm ngỡ ngàng nhiều người xem. Những bìa báo về Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, tranh Hà Nội phố của Bùi Xuân Phái mới được sưu tầm, về giàn khoan dầu khí Bạch Hổ,... cũng rất ấn tượng.

Một lần ở Cu-ba tôi đã gặp chị Men-ba, bạn chiến đấu của Phi-đen Cát-xtơ-rô. Chị xúc động bảo: "Nhìn tờ báo Nhân Dân hằng tháng, tôi lại nhớ những năm làm đại sứ Cu-ba tại Việt Nam và nhớ đến anh Hoàng Tùng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân là bạn thân của tôi. Báo Nhân Dân hằng tháng của các đồng chí đẹp quá. Mai này, chắc báo Cu-ba của chúng tôi cũng sẽ sang trọng và đẹp hơn hiện nay". Rồi chị Men-ba viết mấy dòng chúc mừng năm mới để đăng trên số Tết Nhân Dân hằng tháng sắp ra.

Ngay từ buổi đầu, ấn phẩm đã thu hút đội ngũ cộng tác viên đông đảo gồm các nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học, nhà giáo, v.v. Nhà thơ Hải Như, người có hàng trăm bài thơ viết về Bác Hồ, mỗi lần từ miền nam ra tòa soạn đều tranh thủ qua thăm: "Tớ cứ về đến tòa soạn Nhân Dân là phải đến chỗ các cậu luôn. Phóng viên Nhân Dân hằng tháng là lớp đàn em của anh Thép Mới vẫn giữ được sự đối xử niềm nở, tâm huyết với người viết". Nhà văn, nhà Hà Nội học Băng Sơn cưỡi xe đạp tàng tàng, đến tòa soạn hào hứng: "Viết cho báo hằng tháng của Đảng có cái khoái là các anh rộng mở văn phong, tôn trọng phong cách. Cái thú nữa, mỗi kỳ báo Tết, gợi ý đề tài rất tế nhị nhưng thật lý thú. Mình đã đi khắp ngõ ngách Hà Nội để viết mà các com-măng của báo đặt vẫn làm ngỡ ngàng và viết thật sướng. Để viết được bài Cây mùa xuân quanh Hồ Gươm tôi phải đi bộ năm vòng quanh hồ mới ra đời được bài 1.200 từ cho báo Tết. Cũng đáng đồng tiền bát gạo đấy chứ!".

Những bạn viết ở xa, nhưng lòng vẫn thắm thiết với tờ báo. Từ những nhà chính trị, nhà kinh tế, nhà khoa học viết cho Nhân Dân hằng tháng đến những nhà văn, nhà thơ đều mang nặng tình cảm với tờ báo. Sinh thời, thi sĩ Huy Cận đến gửi bài, bằng giọng ấm áp miền trung bao giờ cũng đọc bài thơ trước cho anh em tòa soạn nghe. Nhà văn Tô Hoài viết truyện ngắn cho báo hằng tháng Tết, cẩn thận từng con chữ. Còn nhà văn Sơn Nam ở thành phố mang tên Bác, khi nằm viện sau một tai nạn giao thông, cảm xúc với tiết xuân đang về, đã viết những dòng chữ trên tờ giấy kẻ ô vuông và ký tên phóng khoáng để gửi riêng cho Nhân Dân hằng tháng số Tết: "Năm mới chúc bà con ăn Tết vui vẻ". Mộc mạc đấy mà nghĩa tình đấy, đó là phong cách của nhà văn - ông già Nam Bộ.

Nhà khoa học nổi tiếng Đinh Ngọc Lân lịch thiệp, giọng nhỏ nhẹ hằng tuần say mê thông báo cho anh em biên tập viên những thành tựu mới về khoa học vũ trụ ở Nga, ở Mỹ, ở Trung Quốc, và mỗi khi có sự kiện nào mới xảy ra, đều nghĩ cách viết sao cho thật lý thú, hấp dẫn.

24 năm đội ngũ báo Nhân Dân hằng tháng ngày càng trẻ ra. Truyền thông và kỹ thuật xuất bản báo ngày càng đổi mới và hiện đại, nhưng quan trọng lớp làm báo trẻ ngày nay đã có những tiến bộ vượt bậc. Anh chị em thường xuyên rèn luyện cây bút thêm sắc sảo, sử dụng phương tiện kỹ thuật một cách thông thạo. Những hoạt động đi thực tế để lấy tài liệu viết bài cũng như những hoạt động sống cùng đất nước, cùng nhân dân qua các phong trào sôi động, qua những đợt đi làm từ thiện thật sôi nổi. Nhân Dân hằng tháng đã trở thành một trong những ấn phẩm hay và sang trọng của Báo Nhân Dân.

Ấn phẩm Nhân Dân hằng tháng mở đầu vào mùa hè đỏ hoa phượng bên Hồ Gươm, dưới bóng cây đa Hàng Trống 300 năm. Những kỷ niệm đằm thắm về buổi ban đầu ra báo Nhân Dân hằng tháng vẫn sôi động, buồn vui, đầy vơi của một thế hệ những người làm báo chúng tôi.

Trần Truyền